Quy chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy: Ý thức người sử dụng là quan trọng nhất

Quy chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy: Ý thức người sử dụng là quan trọng nhất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoài việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về an toàn cháy cho nhà, công trình, nâng cao ý thức an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho người dân ở các căn hộ chung cư cũng là điều cần đặc biệt quan tâm.

Đó là một trong nhiều nội dung đáng chú ý được chia sẻ tại Hội thảo "Áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà, công trình; QCVN 04:2019/BXD nhà chung cư và các QCVN liên quan khác” do Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC) phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường tổ chức sáng nay 6/10.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết, công tác PCCC cho công trình xây dựng, đặc biệt là nhà cao tầng luôn là việc cần phải được quan tâm hàng đầu để đáp ứng yêu cầu về an toàn sinh mạng cho người sử dụng.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình, ngoài việc phải áp dụng các Quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế đặc thù theo từng loại công trình thì vấn đề an toàn sinh mạng cho người sử dụng buộc phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình, và cũng liên quan trực tiếp tới suất đầu tư của công trình và tính khả thi của dự án.

Trước đây, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều Quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, thế nhưng, thực tế và đối chiếu với thực tiễn, một số quy định kỹ thuật quan trọng trong quy chuẩn cũ chưa có đủ điều kiện, cơ sở để đưa vào như các vấn đề về cấp nước chữa cháy, thang máy cho lực lượng chữa cháy, bố trí sử dụng các khu chức năng của các tầng hầm... Trong khi đó, các khu đô thị, chung cư và các công trình hỗn hợp được xây dựng rất nhiều trong 10 năm vừa qua đòi hỏi phải soát xét lại.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Anh Giang – Phó giám đốc Viện chuyên ngành Kết cấu công trình Xây dựng thuộc Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (IBST) – Bộ Xây dựng cho biết, ghi nhận thực tế, công trình nhà ở chung cư hiện nay là loại tổ hợp công trình cao tầng có nhiều chức năng hỗn hợp bao gồm căn hộ chung cư, thương mại, dịch vụ nhà hàng, siêu thị, nhà trẻ, phòng sinh hoạt cộng đồng, gara để xe, công trình vui chơi giải trí, rạp chiếu phim.

Vì vậy, khi thiết kế về PCCC của công trình, các chủ đầu tư đều phải có giải pháp đồng bộ về kiến trúc, kết cấu và cơ điện. Trong quá trình thiết kế, áp dụng các quy chuẩn để thiết kế, sau đó cần phải được thẩm duyệt bởi Cục Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn hoặc Sở PCCC tùy theo cấp độ công trình.

Với quy chuẩn mới ban hành, sẽ có thêm nhiều những nội dung quan trọng hơn nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn.


Chẳng hạn, Quy chuẩn mới đã bổ sung các quy định để áp dụng cho nhà cao đến 150 m tương đương 40 tầng (trước đây chỉ có quy định để áp dụng cho nhà chung cư đến 75 m, nhà nhóm khác cao đến 50 m), nhà có 2 - 3 tầng hầm (trước đây chỉ có quy định nhà 1 tầng hầm), nhà công nghiệp; đặc biệt đối với nhà có chiều cao hơn 100 m phải bố trí tầng lánh nạn với một hoặc nhiều gian lánh nạn.

Đồng thời, QCVN 06:2020/BXD làm rõ một số nội dung liên quan đến khoảng đệm không nhiễm khói để tiếp cận đến buồng thang bộ không nhiễm khói loại N1, nguyên tắc bố trí cầu thang cong trên đường thoát nạn, bố trí các điểm quay trở lại phía trong nhà cho các buồng thang bộ thoát nạn, bổ sung và chỉnh sửa một số quy định liên quan đến bố trí cầu thang bộ và buồng thang bộ trên đường thoát nạn…

Để ngăn chặn cháy lan, QCVN 06:2020/BXD bổ sung và làm rõ một số quy định về yêu cầu chịu lửa đối với hệ trần treo, điều chỉnh bổ sung quy định đối với ống đổ rác. Đặc biệt, QCVN 06:2020/BXD cũng đã bổ sung một chương về cấp nước chữa cháy và nhiều nội dung khác…

Đối với QCVN 04:2019/BXD nhà chung cư và các QCVN liên quan khác, một trong nhiều nội dung đổi mới đáng chú ý là cho phép xây dựng chung cư diện tích tối thiểu 25 m2.

Theo ông Bùi Quang Việt, Cục phó Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn, Bộ công An, có rất nhiều nguyên nhân khiến việc thực thi quy định an toàn cháy nổ chưa hiệu quả, trong đó quan trọng nhất vẫn là ý thức tuân thủ quy định, luật pháp của chủ đầu tư khi triển khai dự án và của người dân chưa cao.

Bên cạnh đó, tại nhiều khu dân cư, hệ thống phòng cháy, chữa cháy sơ sài, thậm chí không có trong thiết kế, trong khi mật độ cư dân đông nên nguy cơ cháy, nổ luôn thường trực.

Theo số liệu thống kê của Công an TP Hà Nội trong cuộc thanh kiểm tra từ 10/7/2020 đến ngày 16/7/2020 vừa qua, các lực lượng chức năng Công an TP đã tổ chức kiểm tra, phát hiện 45 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Đáng chú ý, trong danh sách cơ sở không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có các chung cư đã đưa vào sử dụng từ lâu như Toà nhà The Sun thuộc Khu đô thị Mễ Trì Hạ, Toà nhà CC2 thuộc Khu đô thị mễ Trì Hạ (quận Nam Từ Liêm) hoặc dự án Dự án Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Place A.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Trường Hải – Giám đốc Điều hành Saint-Gobain Việt Nam, đơn vị cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ cho ngành xây dựng tại Việt Nam cho biết, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay, đặc biệt là đối với các chủ đầu tư.

Bởi lẽ, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngoài việc phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách hàng, những người sử dụng sản phẩm của mình, thì việc áp dụng những công nghệ mới về phòng cháy chữa cháy như các loại vật liệu chống cháy, vách tường và sơn chống cháy kết hợp cùng hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng là cách để tạo ra giá trị gia tăng cho các khách hàng.

"Thực tế, theo xu hướng phát triển, nhiều nhà sản xuất như Saint-Gobain cũng đã tìm ra nhiều giải pháp vừa đảm bảo được tính thẩm mỹ trong thiết kế, thân thiện môi trường mà vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về phòng cháy chữa cháy. Quan trọng là việc các chủ đầu tư cần có sự chủ động hơn trong việc ứng dụng các công nghệ này vào các dự án của mình", ông Hải nói.

Tin bài liên quan