Quỹ đầu tư tìm cách giữ dòng tiền ở lại

Quỹ đầu tư tìm cách giữ dòng tiền ở lại

(ĐTCK) Những khó khăn trong việc huy động vốn đang thúc đẩy các công ty quản lý quỹ nỗ lực hơn để tạo ra các sản phẩm mới, nhằm giữ vốn ở lại và có thể thu hút thêm vốn đầu tư.

Đại hội NĐT bất thường của Quỹ đầu tư chứng khoán Vietnam Equity Holding (VEH) và Quỹ đầu tư bất động sản Vietnam Property Holding (VPH) do Công ty Saigon Asset Management (SAM) quản lý đã thông qua việc gia hạn hoạt động của quỹ thêm 3 năm tại Việt Nam.

Gia hạn hoạt động, chuyển sang quỹ mở vào 2014

Ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc SAM chia sẻ, Đại hội đã diễn ra thuận lợi hơn dự kiến, trước đó một tháng, Công ty đã gửi tài liệu đến NĐT. Việc gia hạn hoạt động của Quỹ được thông qua kèm với chủ trương về việc chuyển đổi hai quỹ thành quỹ mở vào đầu năm 2014. Phương án chuyển đổi cụ thể sẽ được trình đại hội kỳ tới.

Quỹ đầu tư tìm cách giữ dòng tiền ở lại ảnh 1

VinaWealth đang triển khai thành lập quỹ mở và quỹ phúc lợi nhân viên bổ sung

Ông Louis Nguyễn đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn chưa rõ ràng, nhưng hy vọng từ tháng 11 trở đi, mọi thứ sẽ khả quan hơn. “Nhiều cổ đông nước ngoài ủng hộ niềm tin của tôi, mặc dù hiện tại họ còn e ngại khi xem xét về nợ xấu ngân hàng, lạm phát... Thực tế, có 65% NĐT tham dự Đại hội của VEH và 67% tham dự Đại hội của VPH đồng ý gia hạn thời gian hoạt động của Quỹ. Điều đó chứng tỏ, các NĐT nước ngoài hiểu khá rõ về tình hình thị trường Việt Nam ”, ông Louis Nguyễn nói.

Cách đây 2 năm, Quỹ Vietnam Dragon Fund (VDF), một quỹ do Dragon Capital quản lý đã chuyển giao danh mục cho Quỹ Tín thác Dragon Capital Vietnam Fund (DCVNF) tại Nhật Bản, sau đó áp dụng cơ chế “mở hờ”. Theo đó, NĐT được bán lại chứng chỉ quỹ theo NAV cho quỹ một tháng một lần, rút ngắn dần khoảng cách giữ hai lần mua bán tùy theo điều kiện thị trường sau đó.

Sở dĩ VDF chưa thể chuyển thành quỹ mở ngay vì thanh khoản và một số quy định ở thị trường Việt Nam chưa cho phép. Các quỹ đầu tư do Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) quản lý hay Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife đã thông qua kế hoạch chuyển thành quỹ mở và đặc điểm của những quỹ này là chỉ mất vài tháng để chuyển đổi danh mục.

Theo ông Andy Ho, Tổng giám đốc VinaCapital, việc một quỹ chuyển thành quỹ mở còn tùy thuộc vào cơ cấu tài sản của quỹ. Như quỹ do VinaCacpital quản lý có 40% là cổ phiếu niêm yết, nên chuyển thành quỹ mở không phải phương án được lựa chọn.

 

Sắp có quỹ mở đầu tiên

Trong khi các quỹ đầu tư đang niêm yết chưa có thông tin mới nào cập nhật về việc thực hiện lộ trình chuyển thành quỹ mở, thì theo nguồn tin của ĐCTK, quỹ mở đầu tiên xuất hiện trên thị trường có thể sẽ là quỹ mở đầu tư vào trái phiếu do CTCP Quản lý quỹ Vina Wealth (Công ty có 49% cổ phần của VinaCapital) quản lý. Quỹ đã gửi hồ sơ xin phép thành lập lên UBCK và hy vọng sẽ ra mắt vào đầu năm 2013 với quy mô ban đầu 50 tỷ đồng.

Ông Andy Ho trong vai trò Chủ tịch HĐQT của VinaWealth cho biết, đây là quỹ đại chúng, tạo ra cơ hội đầu tư trái phiếu cho các NĐT cá nhân, những người muốn tìm kiếm kênh đầu tư an toàn nhưng có lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm. Đầu tư trái phiếu không chỉ kiếm lời từ lợi tức, mà khi lãi suất giảm, NĐT còn bán được trái phiếu thu chênh lệch giá, trong khi không ai bán được sổ tiết kiệm. Bên cạnh đó, có không ít cơ hội đầu tư trái phiếu DN mang lại siêu lợi nhuận như trái phiếu chuyển đổi của Massan trước đây.

Vì sao VinaWealth lại chọn sản phẩm quỹ mở đầu tư vào trái phiếu, chứ không phải cổ phiếu đang rất rẻ so với định giá thị trường các nước Đông Nam Á? Theo ông Andy Ho, đơn giản vì một sản phẩm mới bao giờ cũng cần cẩn trọng, an toàn để thu hút NĐT.

 

Thai nghén mô hình quỹ phúc lợi

Trong khi chờ đợi hoàn tất các thủ tục hồ sơ để có thể ra mắt một quỹ mở, thì đồng thời VinaWealth cũng đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm “Quỹ phúc lợi nhân viên bổ sung”.

Quỹ phúc lợi nhân viên bổ sung hoạt động trên cơ chế quỹ mở, có ngân hàng giám sát, nhưng không phải quỹ mở đại chúng, mà dựa trên hợp đồng quản lý tài sản ủy thác đầu tư giữa công ty quản lý quỹ và các DN tham gia. Theo chương trình này, người lao động trích một phần thu nhập đóng vào quỹ, đồng thời DN cũng đóng thêm cho người lao động một phần phí hàng năm. Ông Sebastian Subba, Giám đốc điều hành VinaWealth cho biết, Quỹ phúc lợi nhân viên bổ sung là quỹ đầu tiên trong loại hình này do VinaWealth quản lý, cho phép các công ty và nhân viên đầu tư vào một quỹ dài hạn, được quản lý riêng biệt, trong đó vốn và thu nhập từ quỹ này sẽ cung cấp cho người lao động một khoản thu nhập như là khoản lương hưu bổ sung.

Trên cơ sở đóng góp tự nguyện của người lao động, quy mô ban đầu có thể không lớn, nhưng quỹ này sẽ lớn dần trong tương lai. Người lao động đóng góp vào quỹ có thể cử ra một ban đại diện để xây dựng về nguyên tắc đầu tư cho quỹ. Tuy vận hành như mô hình quỹ mở, nhưng quỹ không khuyến khích người đầu tư rút tiền, vì khoản đầu tư phục vụ cho mục đích tiết kiệm, để dành khi về hưu. Nếu lấy tiền ra, người lao động phải chịu chi phí đáng kể.

Ông Andy Ho nhấn mạnh, ở các nước, quỹ này rất phổ biến và quy mô rất lớn, vì nhiều DN tham gia. Thay vì thưởng tiền, cổ phiếu cho nhân viên, DN có thể tham gia chương trình này như một cách giữ chân nhân viên. Ở Việt Nam , trước sau quỹ này cũng ra đời và VinaWealth muốn là người đi trước. Mặc dù sản phẩm này đang trong quá trình xây dựng các tính năng trước khi mời chào khách hàng, nhưng việc ra đời quỹ là khả thi. VinaCapital chắc chắn sẽ tham gia quỹ này “vì không có lý do gì mình không thưởng thức món ăn do mình nấu”, Andy Ho nói.

Những khó khăn trong việc huy động vốn đang thúc đẩy các công ty quản lý quỹ nỗ lực hơn để tạo ra các sản phẩm mới, nhằm giữ vốn ở lại và có thể thu hút thêm vốn đầu tư. Vào mùa ĐHCĐ sắp tới, nhiều quỹ đầu tư trong nước sắp đến hạn đóng quỹ sẽ phải trình phương án chuyển thành quỹ mở hoặc một sự cải cách nào đó cho quỹ của mình. Các công ty quản lý quỹ có đủ sức thuyết phục NĐT ở lại hay không, vẫn còn là câu hỏi ngỏ. Chuyển sang quỹ mở đồng nghĩa với sức ép lớn hơn đặt lên vai các công ty quản lý quỹ. Nếu quỹ không hoạt động hiệu quả, giả sử mỗi tháng NĐT lại rút 10% vốn thì chưa đầy một năm, quỹ sẽ phải đóng cửa. Chuyển đổi thành quỹ mở trước mắt là cách để giữ NĐT ở lại, thậm chí góp thêm vốn, nhưng đó cũng có thể chỉ là bước đệm để NĐT rút vốn chủ động hơn.

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered

Chúng tôi và VinaWealth vừa ký biên bản ghi nhớ, theo đó Standard Chartered sẽ cung cấp dịch vụ cho Quỹ phúc lợi nhân viên đều tiên của VinaWealth như dịch vụ lưu ký, dịch vụ kế toán và dịch vụ giám sát. Chúng tôi cũng đã có biên bản hợp tác với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam để triển khai một số dịch vụ cho các quỹ. Chúng tôi đang nỗ lực hợp tác với các nhà quản lý quỹ, để thúc đẩy quỹ mở sớm ra đời tại thị trường Việt Nam . Sự ra đời của các loại hình quỹ mới sẽ không chỉ khích lệ dòng vốn vào thị trường, mà còn có ý nghĩa chung đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam .

 

Ông Đặng Vị Thanh, Giám đốc VinaWealth

Sản phẩm Quỹ phúc lợi nhân viên đang trong quá trình hoàn thiện, chúng tôi chưa chào khách hàng, nhưng nhu cầu chắc chắn là có. Sản phẩm này có thể thiết lập riêng cho mỗi DN, nhưng cũng có thể có một chương trình cho nhiều DN tham gia.

Ở thị trường phát triển, một nhân viên tùy theo độ tuổi, có thể lựa chọn một danh mục đầu tư có mức độ rủi ro phù hợp trong Quỹ phúc lợi. Tuy nhiên, bước đầu ở thị trường Việt Nam , sản phẩm có thể không cần quá phức tạp. Chúng tôi đang tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, của các DN để xây dựng một chương trình chung, trong đó tính an toàn sẽ đặt lên hàng đầu.