Phiên họp thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi ) của Uỷ ban Kinh tế.

Phiên họp thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi ) của Uỷ ban Kinh tế.

Quy định điều kiện, tiêu chí thay vì liệt kê các trường hợp thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
Chiều 11/5 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến Nhân dân.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu để có quy định riêng về tiêu chí và điều kiện thực hiện thu hồi đất, tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).

Theo chương trình phiên họp thứ 23, chiều 11/5 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến Nhân dân.

Ngày 10/5 Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã hoàn thành báo cáo thẩm tra, nêu nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện, trong đó có thu hồi, trưng dụng đất tại Chương VI.

Nhận xét Dự thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung theo hướng cụ thể hơn, song Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, về cách tiếp cận, cần tiếp tục nghiên cứu để có quy định riêng về tiêu chí và điều kiện thực hiện thu hồi đất và bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013, không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải được quy định trong Luật (luật định) gắn với mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà còn yêu cầu các trường hợp đó phải là trường hợp “thật cần thiết”.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 75), nội dung được đại biểu Quốc hội và nhân dân đặc biệt quan tâm, báo cáo thẩm tra nêu rõ, Dự thảo đã có sự thay đổi lớn theo hướng cụ thể hơn, liệt kê 31 trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm.

Gồm, thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác.

Một trong 2 loại ý kiến tại cơ quan thẩm tra (Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành loại ý kiến này) cho rằng cần cân nhắc cách quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất như Dự thảo dưới 2 góc độ.

Thứ nhất, chưa bảo đảm tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc “quy định... điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” trong khi mỗi công trình, dự án được liệt kê là khác nhau về tính chất và giá trị (xét về mặt lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và mục tiêu phát triển).

Thứ hai, khó bảo đảm đầy đủ các trường hợp, nhất là các trường hợp có thể phát sinh trong tương lai.

Bên cạnh đó, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát quy định tại Dự thảo chưa thống nhất về tiêu chí xác định các trường hợp thu hồi đối với trường hợp thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất và được dẫn chiếu tới quy định tại khoản 1 Điều 108 dự thảo Luật là mâu thuẫn về cách tiếp cận và chưa rõ nội hàm so với các trường hợp khác được xác định theo tính chất, mục tiêu của dự án, hoạt động, công trình xây dựng.

Trong các trường hợp thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất có cả “dự án nhà ở thương mại”, khó xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, với quy định như tại Dự thảo thì khó triển khai trên thực tế cơ chế thỏa thuận về quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại. Cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát với Nghị quyết số 18/NQ-TW về cơ chế thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại là “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.

Về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 74), Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị làm rõ tiêu chí về sự cần thiết đối với các trường hợp thu hồi đất để làm công trình văn hóa, thể thao, cơ sở an dưỡng, nghỉ dưỡng, nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân. Do các công trình này có thể vừa phục vụ cả quốc phòng và dân dụng, dễ dẫn đến thiếu minh bạch về trường hợp thu hồi đất, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Cơ quan thẩm tra gợi ý xem xét khả năng lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng chung các công trình nói trên với khu vực dân sự để tránh phải thu hồi đất, gây lãng phí.

Ngoài ra, về căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 76) quy định “trường hợp chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh nhưng cần thu hồi ngay để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đề nghị từ cơ quan thẩm tra là cần quy định chặt chẽ hơn, bảo đảm các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh phải phù hợp với các trường hợp quy định tại Điều 74 Dự thảo Luật, đồng thời, cần cân nhắc tránh trùng lặp với quy định về trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Tin bài liên quan