Quy định về lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản?

Công ty tôi đã chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến bằng văn bản về hai vấn đề. Hiện Công ty muốn bổ sung một nội dung để xin ý kiến cổ đông. Xin hỏi, Công ty có phải chốt danh sách một lần nữa cho việc xin ý kiến này? Để tiết kiệm thời gian và chi phí, Công ty có được sử dụng danh sách cổ đông cũ đã được chốt?

Trả lời:

Việc này cần phải xem xét các quy định trong điều lệ công ty về thể thức lấy ý kiến bằng văn bản và thực hiện theo đúng các quy định đó về việc bổ sung nội dung xin ý kiến và việc chốt danh sách cổ đông có quyền được xin ý kiến bằng văn bản.

Nếu điều lệ công ty không quy định về thẩm quyền và thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua quyết định của ĐHCĐ thì theo Điều 105 Luật Doanh nghiệp, HĐQT có quyền lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua quyết định của ĐHCĐ bất cứ lúc nào nếu xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty. HĐQT phải chuẩn bị phiếu lấy ý kiến, dự thảo quyết định của ĐHCĐ và các tài liệu giải trình dự thảo quyết định (phiếu lấy ý kiến). Phiếu lấy ý kiến phải được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú của từng cổ đông. Nội dung chính của phiếu lấy ý kiến phải nêu rõ vấn đề cần lấy ý kiến để thông qua quyết định; phương án biểu quyết bao gồm tán thành, không tán thành và không có ý kiến; thời hạn phải gửi về công ty phiếu lấy ý kiến đã được trả lời.

Mục đích của việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản là nhằm giải quyết nhanh và kịp thời những vấn đề cần có sự thông qua của ĐHCĐ trong khi không thể tiến hành họp ĐHCĐ. Nếu điều lệ công ty không có quy định khác thì HĐQT sẽ lập và gửi phiếu lấy ý kiến cho các cổ đông có quyền biểu quyết căn cứ vào sổ đăng ký cổ đông tại thời điểm HĐQT xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty, có nghĩa là danh sách cổ đông đã được chốt tại thời điểm mà HĐQT gửi phiếu lấy ý kiến.

Việc bổ sung nội dung cần xin ý kiến đồng nghĩa với việc phải lập lại phiếu lấy ý kiến. Nếu phiếu lấy ý kiến trước đó đã được gửi đi thì không có cách gì có thể tiết kiệm chi phí cho công ty mà công ty sẽ chỉ càng mất thêm thời gian và công sức để xác định lại danh sách cổ đông và hủy bỏ phiếu lấy ý kiến đã gửi nếu muốn xin ý kiến một lần. Bởi lẽ, Luật Doanh nghiệp quy định rằng, cổ đông được quyền biểu quyết đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ. Do đó, trong trường hợp điều lệ công ty không quy định thì danh sách cổ đông sẽ bao gồm mọi cổ đông có quyền biểu quyết tại thời điểm gửi phiếu lấy ý kiến. Như vậy, danh sách cổ đông phải là bản cập nhật tại thời điểm gửi phiếu lấy ý kiến bổ sung. 

Điều lệ cũ của Công ty HVC có quy định: “Đối với quyết định về tái tổ chức Công ty thì sẽ chỉ được thông qua khi có từ 65% trở lên tổng số phiếu bầu các cổ đông có quyền biểu quyết có mặt trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền có mặt tại ĐHCĐ”. Sau khi tái cấu trúc, điều lệ mới của Công ty quy định: “HĐQT có quyền lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua quyết định của ĐHCĐ bất cứ lúc nào nếu xét thấy cần thiết vì lợi ích của Công ty”. Với các quy định như trên, HĐQT Công ty lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc tái cấu trúc DN có hợp pháp hay không? Nguyễn Biên, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

 

Khoản 1 Điều 104 Luật Doanh nghiệp (DN) quy định: “ĐHCĐ thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản”. Như vậy, việc thông qua quyết định của ĐHCĐ chỉ có thể được thực hiện bằng một trong hai cách thức nêu trên.

Ngoài ra, Luật DN liệt kê các vấn đề phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp (trừ khi điều lệ công ty quy định khác). Do đó, nếu điều lệ công ty không có quy định khác thì những vấn đề đã được Luật DN liệt kê phải được biểu quyết tại cuộc họp mà không thể lấy ý kiến bằng văn bản. Những vấn đề còn lại, ĐHCĐ có thể lấy ý kiến bằng văn bản.

Điều lệ công ty bạn quy định: “HĐQT có quyền lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua quyết định của ĐHCĐ bất cứ lúc nào nếu xét thấy cần thiết vì lợi ích của Công ty”. Quy định này chỉ đề cập đến thời điểm HĐQT quyết định lấy ý kiến, còn vấn đề nào được lấy ý kiến bằng văn bản thì vẫn phải tuân theo quy định của điều lệ công ty và Luật DN.

Về việc tổ chức lại DN, tại khoản 2 Điều 104 Luật DN có quy định: “Trường hợp điều lệ công ty không quy định thì quyết định của ĐHCĐ về tổ chức lại công ty phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp ĐHCĐ”.

Tại khoản 3 Điều 104 Luật DN quy định về tỷ lệ biểu quyết thông qua như sau: “Quyết định tổ chức lại công ty được thông qua tại cuộc họp khi được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định”. Như vậy, chiểu theo khoản 2, 3 Điều 104 Luật DN, quyết định về tổ chức lại công ty bắt buộc phải được thông qua tại cuộc họp ĐHCĐ với tỷ lệ biểu quyết thông qua tối thiểu là 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp chấp thuận. HĐQT Công ty HVC lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để chia, tách Công ty là trái với quy định tại chính điều lệ công ty và Khoản 2 Điều 104 Luật DN.

Quyết định chia, tách trái pháp luật của Công ty HVC có thể bị tòa án hoặc trọng tài hủy bỏ theo yêu cầu của cổ đông. Người nào gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.