Quảng Ninh là bài học thành công về “quy hoạch đi trước”. Ảnh: Dũng Minh

Quảng Ninh là bài học thành công về “quy hoạch đi trước”. Ảnh: Dũng Minh

Quy hoạch là gốc…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tư duy quy hoạch là tiền đề để phát huy hết lợi thế các vùng, ngành, địa phương, để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực mới, để phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với những xu thế mới, tạo giá trị mới.

Quy hoạch cho tương lai

Trong tuần qua, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiên Quốc hội đã dành riêng một buổi (ngày 30/5) để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch. Đây cũng là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2022 được Quốc hội khóa XV quyết định tại Kỳ họp thứ nhất (7/2021).

Luật Quy hoạch gắn với công tác quy hoạch, một công tác có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong việc xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước và từng địa phương.

Chỉ có một quy hoạch tổng thể quốc gia được lập mới kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn.

Tại mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi vùng sẽ có nhiều loại quy hoạch và mỗi loại có “tầm” khác nhau nhưng đều rất quan trọng và “chỉ có quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, nhà đầu tư tốt” như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh.

Thống kê cho thấy, số lượng quy hoạch đã giảm từ 3.654 quy hoạch thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch được thông qua, xuống chỉ còn 111 quy hoạch (giảm 97%) như hiện tại, bao gồm 1 quy hoạch tổng thể quốc gia, 1 quy hoạch không gian biển quốc gia, 1 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 39 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.

Không chỉ giảm về số lượng để trở nên đơn giản, dễ thực thi hơn, mà quan trọng hơn là thiết lập một hệ thống quy hoạch thống nhất, có tầng bậc, tích hợp, qua đó tập trung hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của đất nước vào các mục tiêu phát triển, không gian phát triển mới, giá trị mới và động lực phát triển mới của quốc gia, vùng và địa phương.

Trong các địa phương trên cả nước và đặc biệt là khu vực phía Bắc, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương năng động, điểm sáng thu hút đầu tư, đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo, cực tăng trưởng của khu vực này. Từ cách đây cả chục năm, Quảng Ninh đã là địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác lập quy hoạch, cũng là địa phương hiếm hoi huy động được hàng trăm tỷ đồng vốn xã hội hóa để xây dựng quy hoạch. Lãnh đạo Quảng Ninh thể hiện sự táo bạo, đột phá khi mời những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản)... đến nghiên cứu và lập quy hoạch địa phương.

Năm 2014, Quảng Ninh công bố công khai 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau một thập kỷ thực thi, Quảng Ninh đã và đang đi đúng hướng, phát huy hiệu quả các quy hoạch được lập.

Tại một hội thảo về phát triển nguồn lực cho thị trường bất động sản Thanh Hóa tổ chức hồi tháng 5/2022, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ không ngần ngại lấy Quảng Ninh như là bài học về thành công của việc “quy hoạch đi trước”. Hạ tầng giao thông đồng bộ, quy hoạch bài bản là điểm cộng và nền tảng cơ sở để phục vụ công tác khai thác phát triển du lịch của địa phương ven biển này.

Nhìn vào danh sách các nhà phát triển bất động sản lớn như Vingroup, Sun Group, CEO Group, HDMon Holdings, BIM Group… đang hiện diện tại Quảng Ninh với hàng chục dự án quy mô đầu tư từ vài nghìn đến vài chục nghìn tỷ sẽ thấy được tiềm năng phát triển của địa phương này. Các “sếu đầu đàn” kéo về đưa Quảng Ninh trở thành một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất tại phía Bắc với đa dạng sản phẩm, từ chung cư trung cấp tới cao cấp, từ đất nền tới biệt thự, shophouse, condotel…

Đây cũng là điều ông Nguyễn Văn Biên, Tổng giám đốc Coreland, một doanh nghiệp bất động sản đang đẩy mạnh đầu tư tại Thanh Hóa kỳ vọng địa phương này sẽ sớm đạt được bước tiến như Quảng Ninh. Đặc biệt, ý thức được tầm quan trọng của quy hoạch, Thanh Hóa nằm trong số ít địa phương đã sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch để trình Hội đồng Quốc gia thẩm định.

Các chủ đầu tư lớn như Sun Group, Eurowindow, Flamingo, BRG, Sunshine Group, T&T Group… cũng đang chờ đợi sức bật của thị trường địa ốc nơi đây khi các quy hoạch tổng thể được lập, từ đó giúp các doanh nghiệp nhận diện rõ hơn cơ hội, tiềm năng để đầu tư “đúng, trúng” trọng tâm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Những khoảng mờ thông tin quy hoạch

Một điều đã được khẳng định, đó là quy hoạch phải đi trước một bước, chưa có quy hoạch thì chưa thể định hình được không gian phát triển cho ngành, cho tỉnh, cho vùng và cho cả đất nước. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nhiều lần nhấn mạnh rằng, tư duy quy hoạch mới là để kiến tạo cho phát triển, để phát huy hết lợi thế các vùng, ngành, địa phương, để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực mới, để phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với những xu thế mới, tạo giá trị mới. Vì tính cấp bách như thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương hối thúc việc hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Tại phiên họp Quốc hội giữa tuần trước, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, cần ưu tiên tập trung nguồn lực và công tác chỉ đạo để sớm hoàn thành các quy hoạch quan trọng, bảo đảm chất lượng các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cũng cần nói thêm rằng, dưới góc độ thị trường, việc sớm hoàn thành các quy hoạch quan trọng là rất cần thiết, đặc biệt là quy hoạch đất đai để hạn chế những diễn biến bất thường của thị trường bất động sản như thời gian vừa qua. Không khó để nhận ra, thiếu quy hoạch là nguyên nhân chính dẫn đến việc địa phương lúng túng khi cấp phép triển khai các dự án mới, cũng như xử lý các dự án xây sai quy hoạch sau này.

Câu chuyện tại Khánh Hòa là một ví dụ điển hình, khi một loạt dự án như các khách sạn hạng sang Citadines Nha Trang, Galina Hotel & Spa, Văn phòng làm việc Ngân hàng Quân đội, Trung tâm mua bán, bảo hành ô tô Ford Nha Trang, Khách sạn Bạch Kim - Đoàn An Dưỡng 26, Khu khám chữa bệnh, Khu Tổ hợp nhà hàng, cà phê… đã đi vào hoạt động từ lâu, nhưng giờ bị nêu tên xây sai quy hoạch và chưa có phương án giải quyết.

PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường đại học Luật Hà Nội cho rằng, hệ quả từ việc thiếu hoặc chậm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo ra rủi ro cho các giao dịch chuyển nhượng đất đai, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, mà dễ thấy là việc khi muốn mua quyền sử dụng một mảnh đất, phần lớn người tham gia giao dịch khó kiểm chứng được miếng đất đó có tranh chấp hay giải tỏa gì không, hoặc có nằm trong quy hoạch sau này hay không.

Ngoài ra, ông Tuyến còn nhấn mạnh tới việc nhiều địa phương chưa đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quy hoạch như tinh thần Luật Quy hoạch. Theo quy định hiện hành, phòng Tài nguyên - Môi trường của quận/huyện nơi mảnh đất tọa lạc có trách nhiệm cung cấp thông tin quy hoạch khi có yêu cầu của người dân, nhưng trên thực tế, không dễ để người dân có được thông tin từ cơ quan này.

“Ngoài việc chồng chéo dữ liệu giữa UBND cấp xã, phòng Tài nguyên - Môi trường và các phòng/văn phòng công chứng, không ngoại trừ trường hợp gây khó dễ để đòi ‘phí lót tay’ hay việc một số lãnh đạo địa phương ém nhẹm thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không công bố rộng rãi, mà chỉ cung cấp cho một số đối tượng nhằm đầu cơ trục lợi”, ông Tuyến nói.

Cùng góc nhìn, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, yêu cầu đầu tiên và bắt buộc trong quản lý nền kinh tế mở cửa hiện nay là phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, đặc biệt với thị trường nhạy cảm như bất động sản, thông tin càng công khai, minh bạch bao nhiêu thì càng giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững bấy nhiêu.

Trong nhiều phương thức công khai, minh bạch thông tin, báo chí là kênh hiệu quả, chính thống, có kiểm chứng, nhưng có một thực tế là việc phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước cho báo chí còn rất hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

“Dường như có hiện tượng cố tình giấu kín thông tin quy hoạch đất đai, dự án bất động sản vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”, ông Long nêu vấn đề.

Còn theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa), rõ ràng, lâu nay công tác công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về quy hoạch của người dân ở nhiều địa phương chưa thực sự được coi trọng, người dân rất khó tiếp cận thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Tin bài liên quan