Hội nghị thẩm định Quy hoạch Thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội nghị thẩm định Quy hoạch Thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch Thành phố Hải Phòng: Mở rộng không gian phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Quy hoạch TP. Hải Phòng định hướng xây dựng cảng Nam Đồ Sơn gắn với việc thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng và kết nối đường cao tốc ven biển, sân bay Tiên Lãng.

Chiều 10/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định tỉnh chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch Thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện cả nước đang gấp rút tiến hành lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và Hải Phòng là địa phương thứ 43 được tiến hành thẩm định; cùng với đó là các quy hoạch vùng cũng đang được thực hiện. Vừa qua các địa phương, bộ, ngành các chuyên gia đã tham gia rất tích cực vào công tác hoàn thiện các báo cáo quy hoạch của các địa phương nhằm đẩy nhanh tốc độ; quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Quốc hội thông qua.

Đánh giá cao Thành phố Hải Phòng đã quan tâm, phối hợp với các bộ, ngành nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, để tiến hành thẩm định, Bộ trưởng cho biết, đây là cơ hội quý để đánh giá quá trình phát triển, xem đâu là tiềm năng, điểm nghẽn, rào cản trong phát triển; sắp tới phải làm gì để tạo động lực, tư duy, tầm nhìn, giá trị mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thành phố Hải Phòng có nhiều điều kiện phát triển trong thời gian tới nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức. Hải Phòng có vị trí đặc biệt quan trọng của cả nước, nằm giữa hai hành lang quan trọng; có cảng biển quan trọng và có đầy đủ 5 phương thức vận tải giao thông, song phải phải xác định được vị thế, vai trò, sứ mệnh của Hải Phòng đối với vùng và cả nước; lưu ý về vấn đề phát triển kinh tế cân bằng với môi trường, xã hội; về khu công nghiệp; đô thị hóa; ô nhiễm môi trường; phát triển nguồn nhân lực.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, với vị thế chiến lược là cửa ngõ chính ra biển của các địa phương miền Bắc, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế, Quy hoạch thành phố Hải Phòng đã xác định mục tiêu, định hướng là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.

Đặc biệt, Quy hoạch đã định hướng xây dựng cảng Nam Đồ Sơn gắn với việc thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng và kết nối đường cao tốc ven biển, sân bay Tiên Lãng nhằm khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, mở rộng không gian phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng.

Theo báo cáo được trình bày tại Hội nghị, Quy hoạch TP. Hải Phòng xác định mục tiêu phát triển thành phố đến năm 2030 là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; có dịch vụ phát triển hiện đại, là trung tâm du lịch biển quốc tế, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không và đường thủy nội địa; trung tâm logistics quốc tế hiện đại.

Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Trong thời kỳ quy hoạch, Thành phố tập trung thực hiện 3 đột phá phát triển là Cảng biển và logistics; Chuyển đổi số; Du lịch.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng lớn trong khu vực và thế giới, thành phố hàng hải toàn cầu với ba trụ cột phát triển chính: dịch vụ cảng biển; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao, môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngang tầm với các thành phố cảng hàng đầu Châu Á và thế giới.

Nhằm sắp xếp, bố trí không gian hợp lý, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, khắc phục xung đột phát triển giữa các ngành kinh tế trụ cột, Quy hoạch thành phố Hải Phòng bố trí không gian phát triển thành phố theo 4 vùng chức năng: Công nghiệp - cảng biển; Du lịch, Nông nghiệp cân bằng sinh thái và Vùng biển - hải đảo.

Góp ý cho dự thảo báo cáo, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quan điểm phát triển được nêu trong dự thảo báo cáo Quy hoạch rất tốt nhưng có phần dàn trải, cần rút gọn còn 5 - 6 nội dung. “Hải Phòng cần có tư duy đột phá đi đầu”, ông Sinh nói.

Tại phiên họp, các chuyên gia, thành viên Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thông qua Quy hoạch với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.

Tin bài liên quan