Ảnh minh họa: internet

Ảnh minh họa: internet

Quý I, 16.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động

(ĐTCK) Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2014, diễn ra chiều 1/4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, tuy kinh tế vĩ mô có thêm những tín hiệu tích cực, nhưng vẫn bộc lộ không ít khó khăn như: tổng cầu còn tăng chậm, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn...

Tổng cầu tăng chậm

Nhìn lại diễn biến kinh tế vĩ mô quý I/2014, Chính phủ nhận định, hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Điều này phần nào thể hiện qua số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức cao, khoảng 16.700 doanh nghiệp.

Diễn biến này khiến cho bức tranh về doanh nghiệp không mấy khả quan, mặc dù trong quý I/2014, cả nước có 18.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và tăng 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; hơn 4.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Một trong những tồn tại của kinh tế vĩ mô trong quý I/2014 là tăng tổng cầu còn chậm; tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp tiếp cận vốn còn khó khăn; tiến độ giải ngân gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại đạt thấp. Tình hình thị trường, tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn; thị trường bất động sản chậm phục hồi...

Những khó khăn trên tuy đã được các bộ, ngành vào cuộc giải quyết, nhưng kết quả mang lại, theo đánh giá của Chính phủ, là chưa như mong muốn.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông tín dụng, ông Nên cho hay, phương án giảm tiếp lãi suất chưa được Chính phủ tính tới, mà yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến của thị trường, để linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới. Tinh thần là sớm khơi thông được tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tiếp cận vốn, thúc đẩy sản xuất phát triển trong thời gian tới.

Kích đầu tư công để tạo lan tỏa

“Hiện nay, vốn các ngân hàng huy động được đang khó giải ngân cho doanh nghiệp, nên dành nhiều cho mua trái phiếu chính phủ. Điều này khiến dòng vốn chảy vào sản xuất hạn chế. Bởi vậy, để tăng tổng cầu của nền kinh tế, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh triển khai đầu tư công. Theo đó, dồn sức tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ, vốn ODA...”, ông Nên nói, đồng thời cho biết thêm, đây được coi là giải pháp then chốt để kích cầu đầu tư công, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa ra cả khu vực đầu tư của tư nhân trong thời gian tới.

Người phát ngôn của Chính phủ còn cho biết thêm, trong quý II/2014, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Triển khai hiệu quả các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại...

Công an vào cuộc điều tra nghi án hối lộ 16 tỷ đồng ngành đường sắt

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng cho biết, công an sẽ vào cuộc để điều tra nghi án Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ 16 tỷ đồng cho một số quan chức ngành đường sắt Việt Nam. Ngoài ra Viện Kiểm sát, cũng như các cơ quan chức năng cũng đã khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.

Cũng theo ông Nên, ngay khi có thông tin về vụ việc trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương vào cuộc làm rõ, để nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của Chính phủ. Theo đó, cả Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực giao thông và Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực đối ngoại đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ thông tin vụ việc để có hướng xử lý.

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết thêm, bên lề hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp và trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản về vụ việc trên. Hai Thủ tướng đều thống nhất phối hợp chặt chẽ trong điều tra, xử lý nghiêm vi phạm nếu có, đồng thời rút kinh nghiệm để không tái diễn.

Tin bài liên quan