Quý I/2022, Gỗ Trường Thành (TTF) thoát lỗ nhờ lãi chênh lệch tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã chứng khoán TTF - sàn HOSE) công bố Báo cáo tài chính quý I/2022.
Quý I/2022, Gỗ Trường Thành (TTF) thoát lỗ nhờ lãi chênh lệch tỷ giá

Theo đó, trong quý I/2022, TTF ghi nhận doanh thu tăng 71,7% so với cùng kỳ lên 536,29 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 18,54 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 39,28 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 108% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 38,86 tỷ đồng lên 74,83 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 783,5%, tương ứng tăng thêm 20,84 tỷ đồng lên 23,5 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 8%, tương ứng tăng thêm 1,92 tỷ đồng lên 26,03 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 4,6%, tương ứng tăng thêm 2,4 tỷ đồng lên 54,63 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2022, lợi nhuận cốt lõi tiếp tục lỗ 5,83 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 40,37 tỷ đồng.

Như vậy, trong kỳ lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Công ty chỉ có lãi nhờ việc ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến.

Cơ cấu doanh thu tài chính của TTF trong quý I/2022.

Cơ cấu doanh thu tài chính của TTF trong quý I/2022.

Theo thuyết minh, doanh thu tài chính tăng đột biến do công ty ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá là 21,3 tỷ đồng so với cùng kỳ là 0,3 tỷ đồng. Như vậy, công ty thoát lỗ nhờ hưởng lợi tỷ giá.

Trong năm 2022, TTF đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268,85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,76 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, TTF hoàn thành 25,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính quay lại âm 9,8 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 44,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 60,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 2,98 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của TTF giảm 2,1% so với đầu năm về 2.779,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 890 tỷ đồng, chiếm 32% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 441,7 tỷ đồng, chiếm 15,9% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 374,5 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng tài sản; tài sản ngắn hạn khác đạt 362,9 tỷ đồng, chiếm 13,1% tổng tài sản và các tài sản khác.

Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý I/2022, tổng tài sản ngắn hạn là 1.886 tỷ đồng, nhỏ hơn nợ ngắn hạn là 2.258,7 tỷ đồng. Như vậy, công ty đang sử dụng khoảng 372,7 tỷ đồng nợ ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn và tạo sự mất cân đối kỳ hạn khi dùng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn.

Trước đó, trong báo cáo kiểm toán năm 2021, tính tới 31/12/2021, kiểm toán nhấn mạnh nhóm công ty gánh chịu khoản lỗ lũy kế với số tiền là 3.052,48 tỷ đồng và tổng nợ phải trả ngắn hạn nhóm công ty cũng vượt hơn tổng tài sản ngắn hạn với số tiền là 251,82 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.

Được biết, tính tới 31/12/2021, nợ ngắn hạn của công ty là 2.341,5 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn là 2.089,7 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn 251,82 tỷ đồng và công ty đang sử dụng nợ ngắn hạn để tài trợ một phần cho tài sản dài hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/4, cổ phiếu TTF tăng 200 đồng lên 12.650 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan