Quý III/2022: Tiêu thụ chậm, gánh nặng lãi vay tăng, thép Thủ Đức (TDS) lỗ gấp 36 lần cùng kỳ

0:00 / 0:00
0:00
Tiêu thụ chậm, tồn kho giá cao cộng với gánh nặng lãi vay khiến Thép Thủ Đức lỗ gần 30 tỷ đồng trong quý III/2022, cao gấp 36 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp thép có kết quả kinh doanh ảm đạm quý III/2022.

Doanh nghiệp thép có kết quả kinh doanh ảm đạm quý III/2022.

Công ty CP Thép Thủ Đức - VnSteel (TDS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với lỗ lũy kế 9 tháng 15,8 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm 2021 có lãi 58 tỷ đồng. Riêng trong quý III/2022, công ty lỗ gần 30 tỷ đồng, gấp 36 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Thép Thủ Đức đạt 411,7 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng mạnh dẫn đến lỗ gộp 20,6 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ song chi phí tài chính tăng mạnh gấp gần 4 lần chủ yếu do chi phí lãi vay tăng 4,5 lần lên 2.288 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ hơn 500 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi.

Trong kỳ, Thép Thủ Đức lỗ 29,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 643 triệu của quý III/2021.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, Thép Thủ Đức lỗ 15,8 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm 2021 có lãi 58 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu do đó giảm từ 297 tỷ đồng còn 276 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, các cuộc chiến tranh thế giới dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa chậm, tồn kho giá cao, giá cả vật tư thu mua biến động thất thường. Giá bán không đủ bù đắp giá vốn đã làm lợi nhuận gộp trong quý 3 của công ty bị lỗ. Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng là gánh nặng cho công ty khi hàng hóa tiêu thụ chậm và ngân hàng siết room tín dụng cũng như lãi suất tăng cao.

Hàng tồn kho của Thép Thủ Đức cuối kỳ còn 420 tỷ đồng tương đương với con số đầu năm, chứng tỏ hàng hóa tiêu thụ kém. Tổng tài sản giảm từ đầu năm 567 tỷ đồng còn 491 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.

Ngành thép đang gặp khó khăn do kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái, tiêu thụ chậm lại. Trong 8 tháng năm 2022, sản xuất và tiêu thụ thép giảm lần lượt là 5,8% và 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.Sản lượng bán hàng tháng 9 của Hòa Phát đang ở mức thấp nhất trong 18 tháng qua, với 555,000 tấn.

Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, cung thép thế giới sẽ còn tiếp tục giảm khi các nhà máy tại EU đóng cửa do cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có hồi kết; Chính sách cắt giảm sản lượng, bảo vệ môi trường ở các nước sản xuất thép lớn như Trung Quốc.

Tiêu thụ chậm, giá giảm trong khi tồn kho giá cao, chi phí sản xuất tăng khiến các doanh nghiệp thép đối mặt với nguy cơ sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ quý III/2022.

Mặc dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng tiêu thụ thép nội địa 3 tháng cuối năm sẽ phục hồi bởi mùa mưa, mùa thấp điểm xây dựng đã qua, quý IV 4 là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng đẩy mạnh tiến độ. Bên cạnh đó, đầu tư công kỳ vọng đẩy mạnh vào cuối năm.

Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu tiêu thụ thép thế giới chưa chắc chắn do lo ngại tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia.

KBSV kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép sẽ được cải thiện trong quý IV/2022.

Tin bài liên quan