Quỹ mở là tương lai của ngành quản lý quỹ

Quỹ mở là tương lai của ngành quản lý quỹ

(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM).

Trao đổi với ĐTCK nhân dịp đầu Xuân, ông Trần Thanh Tân (ảnh), Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) đánh giá: dù không kỳ vọng TTCK phục hồi mạnh mẽ, nhưng năm 2012 sẽ là năm có ý nghĩa bản lề để các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) chuẩn bị cho một chu kỳ phục hồi với quy chế quỹ mở mới được thông qua.

Ông có thể chia sẻ dự cảm của mình về thị trường tài chính Việt Nam năm 2012?

Điểm lại các dự báo cả trong và ngoài nước gần đây có thể thấy, không có nhiều dự báo lạc quan về thị trường tài chính.

Sự phục hồi của TTCK phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế. Với quá trình hội nhập sâu rộng, Việt Nam không thể tách ra khỏi dòng chảy của kinh tế toàn cầu.

Ở thời điểm hiện tại, những mảng tối của các “đầu tàu” như Mỹ, EU chưa được giải quyết triệt để. Nhưng tôi tin, khi thị trường tài chính thê thảm nhất đó là lúc cơ hội bắt đầu xuất hiện, do các khó khăn đã bộc lộ gần hết. Vấn đề là các tồn tại được giải quyết ra sao.

Vì vậy, năm 2012 TTCK Việt Nam khó có đột biến tích cực, nhưng với các CTQLQ sẽ là năm mang ý nghĩa chuẩn bị, tạo tiền đề cho chu kỳ tăng trưởng kế tiếp.

Theo cam kết WTO, 2012 là năm Việt Nam cho phép các CTCK, CTQLQ 100% vốn nước ngoài hoạt động. Ông đánh giá ra sao về sự cạnh tranh sắp tới?

Theo tôi, trong vòng 3 năm tới, sự cạnh tranh này chưa thực sự đáng ngại, vì bản thân hoạt động của nhiều CTCK, CTQLQ nước ngoài cũng chưa vững chắc tại chính quốc.

Vì vậy, hiện nay không phải là thời điểm thích hợp để họ hướng nguồn lực sang các thị trường mới nổi, nhất là khi TTCK Việt Nam có quy mô còn nhỏ, pháp luật chưa hoàn thiện và sự minh bạch chưa thực sự cao.

Với quy chế thành lập và vận hành quỹ mở mới được thông qua vào cuối năm 2011, ông đánh giá ra sao về triển vọng hoạt động sắp tới của các quỹ đầu tư nội địa?

Hiện tại, trên thế giới, không dưới 80% quỹ đầu tư hoạt động theo mô hình quỹ mở. Quỹ đóng vẫn tồn tại, nhưng chủ yếu ở các nước đang phát triển hoặc có cơ sở hạ tầng pháp lý liên quan đến thị trường tài chính chưa thực sự hoàn thiện.

Vấn đề nổi cộm nhất không chỉ ở Việt Nam là mức chiết khấu giữa thị giá và giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ đóng rất cao. Nếu không có mô hình thay thế thì giới quản lý quỹ Việt Nam gần như bị “trói tay” không thể hoạt động, vì NĐT không có động lực bỏ tiền vào quỹ.

Tuy nhiên, không nên kỳ vọng mô hình mới là giải pháp toàn diện cho thị trường tài chính, chỉ nên coi đây là cơ sở pháp lý để các CTQLQ có cơ sở xây dựng các sản phẩm mới khắc phục các nhược điểm của quỹ đóng, công bằng với cả NĐT và ban điều hành quỹ.

Chẳng hạn, quỹ mở cho phép NĐT rút vốn theo định kỳ sát với NAV sau khi trừ đi một số chi phí liên quan.

Quỹ mở cũng tạo ra một kênh huy động vốn linh hoạt cho các CTQLQ khi quỹ có thể tùy theo hoạt động thực tế mà tăng giảm quy mô vốn điều lệ. Nếu thị trường phục hồi, quỹ đóng muốn tăng vốn phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục, dẫn đến bỏ lỡ các cơ hội tốt nhất.

Trái lại, quỹ mở tạo ra cơ chế linh động để thực hiện điều này trong thời gian nhanh nhất, tận dụng cơ hội tốt nhất. Với quỹ mở, CTQLQ có thể cho ra đời một chuỗi các sản phẩm, bản thân NĐT có thể đánh giá loại hình nào phù hợp để tham gia linh hoạt.

Ông có thể chia sẻ về mặt định hướng cũng như sự chuẩn bị của VFM với các sản phẩm mới?

VFM đã trông chờ hành lang pháp lý cho quỹ mở 4 năm nay. Hiện tại, về cơ sở vật chất, con người VFM đã sẵn sàng. Nếu được cơ quan quản lý cho phép, vào khoảng quý II/2012 VFM sẽ cho ra đời sản phẩm quỹ mở đầu tiên phù hợp với cơ sở thị trường hiện nay.

Quy mô ban đầu dự kiến 200 - 500 tỷ đồng, nếu thị trường tốt thì sẽ tăng lên. Theo đánh giá của chúng tôi, quý II là phù hợp về cơ hội trên thị trường.

Trong ĐHCĐ năm ngoái, hai quỹ đóng đại chúng của VFM là VF1 và VF4 đều nhắc tới việc chuyển đổi sang quỹ mở. Chiến lược hoạt động của hai quỹ này trong năm 2012 ra sao, thưa ông?

Đối với các quỹ đóng, việc chuyển đổi sang mô hình quỹ mở sẽ giải quyết phần lớn khó khăn hiện nay cho cả NĐT và CTQLQ. Trong ĐHCĐ sắp tới, VFM sẽ có thuyết minh đầy đủ về thuận lợi và khó khăn trong quá trình chuyển đổi để các cổ đông biểu quyết. Chiến lược hoạt động sắp tới của VF1 và VF4 đều dựa trên quyền lợi của các NĐT, với ý chí của tập thể số đông.

Việc chuyển đổi này chưa có tiền lệ ở TTCK Việt Nam, thách thức lớn nhất là quá trình chuyển đổi danh mục cổ phiếu hiện nay thành tiền mặt trong trường hợp thanh khoản của TTCK sụt giảm.