Nhiều chủ đầu tư đang chây ỳ bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều chủ đầu tư đang chây ỳ bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân. Ảnh: Dũng Minh

Quy trình khởi kiện chủ đầu tư “ôm” quỹ bảo trì

(ĐTCK) Việc Bộ Xây dựng đề xuất Bộ Công an điều tra, khởi tố hành vi vi phạm, chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng gắn với trách nhiệm hình sự, mà có vụ việc chậm nộp quỹ bảo trì chỉ liên quan đến trách nhiệm dân sự và người dân có thể khởi kiện chủ đầu tư để đòi lại khoản quỹ này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, luật sư Nguyễn Minh Long, Công ty Luật Dragon cho biết, có 2 trường hợp liên quan đến việc chủ đầu tư chây ỳ bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.

Trường hợp thứ nhất là chủ đầu tư không có mục đích chiếm đoạt quỹ bảo trì nhà chung cư, vẫn có thiện chí bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư, nhưng vì một lý do nào đó, chưa kịp bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị tòa nhà.

 Luật sư Nguyễn Minh Long

Trong trường hợp này, theo ông Long, các bên nên có buổi hòa giải, thương lượng để cùng nhau giải quyết. Nếu các bên không thương lượng và hòa giải được, các cư dân trong chung cư có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư theo hợp đồng và theo các quy định pháp luật có liên quan.

Về quy trình khởi kiện, luật sư Long cho biết, các cư dân cùng chung yêu cầu khởi kiện về “Yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư” có thể làm một đơn khởi kiện và cùng nhau đứng đơn với tư cách là người khởi kiện.

Tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân cấp huyện, nơi bị đơn - chủ đầu tư đặt trụ sở trong trường hợp chủ đầu tư là công ty Việt Nam. Trong trường hợp chủ đầu tư là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, thì tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân cấp tỉnh, nơi chủ đầu tư đặt trụ sở (Điều 35, Điều 38, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Kèm theo đơn khởi kiện gồm chứng minh thư (công chứng), biên bản hòa giải không thành, xác nhận nơi cư trú của bị đơn, chứng cứ, giấy tờ, hồ sơ liên khác… đính kèm.

Trường hợp thứ hai là chủ đầu tư có mục đích chiếm đoạt quỹ bảo trì nhà chung cư, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư vào mục đích trái với hợp đồng mua, thuê mua nhà đã ký giữa hai bên, trái với các quy định pháp luật.

Với trường hợp này, để cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc, theo ông Long, các cư dân của chung cư phải làm đơn tố giác tội phạm, tố giác hành vi vi phạm pháp luật hình sự của chủ đầu tư gửi lên cơ quan cảnh sát điều tra cấp quận, huyện nơi chủ đầu tư đặt trụ sở chính.

Khi nhận được đơn tố giác tội phạm của các cư dân nhà chung cư, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ vào cuộc, điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ để xem xét có đủ căn cứ để tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không.

Khi cơ quan cảnh sát điều tra xác định có dấu hiệu phạm tội, xác định về tội danh, lúc đó cơ quan điều tra dựa trên kết quả điều tra làm căn cứ để tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định (Điều 143, Điều 144, Điều 145, Điều 146, Điều 147, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Tin bài liên quan