Ông Dan Svensson

Ông Dan Svensson

Quỹ VDeF B “lội ngược dòng” như thế nào?

(ĐTCK) Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chạm đáy từ giữa năm nay đã khiến các quỹ trái phiếu trong nước chật vật với tăng trưởng thấp, thậm chí chỉ vài phần trăm. Riêng quỹ trái phiếu dạng mở VDeF B của Dragon Capital báo cáo tăng trưởng lên tới 11,5% trong 9 tháng đầu năm.

ĐTCK đã trao đổi với ông Dan Svensson, Giám đốc Quản lý danh mục của VDeF về cách VDeF B xoay xở để có lãi khi thị trường TPCP đi xuống.

VDeF đã làm thế nào để vẫn có lãi tốt trong bối cảnh thị trường TPCP đi xuống?

Nhìn chung, chúng tôi hoàn toàn hài lòng với lợi nhuận từ đầu năm tới kỳ báo cáo gần nhất là cuối tháng 9 của cả hai quỹ trái phiếu VDeF A và VDeF B. Trong đó, VDeF B đạt lợi nhuận cao hơn VDeF A (tính theo đơn vị VND, lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm của VDeF B tăng 11,5%; VDeF A tăng 8,7%). Kết quả khả quan của VDeF B là nhờ hai yếu tố.

Thứ nhất, VDeF B được phép đầu tư nhiều nhất vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), lên tới 100% tài sản và trong năm 2013, Quỹ đã lựa chọn kỹ lưỡng và phân bổ trung bình khoảng 35% tài sản vào TPDN ngắn hạn và trung hạn. Lợi suất cao của các tài sản này đã đóng góp khoảng 100 điểm cơ bản trong mức tăng trưởng nhiều hơn của VDeF B so với VDeF A. Trong khi đó, thị trường TPDN phục hồi nhẹ sau một thời gian dài trì trệ và kém thanh khoản suốt giai đoạn 2010 - 2012. Bởi vậy, VDeF B đã bán và hiện thực hóa lợi nhuận  một số khoản đầu tư TPDN, đóng góp khoảng 50 điểm cơ bản trong mức tăng trưởng nhiều hơn của VDeF B so với VDeF A.

Thứ hai, VDeF B được phép đầu tư theo một tỷ lệ nhất định vào vốn cổ phần khi Quỹ có quan điểm tích cực về thị trường này. Trong năm 2013, VDeF B đã đầu tư 5 - 10% tài sản vào các khoản đầu tư thuộc nhóm tài sản vốn cổ phần, trong đó có trái phiếu chuyển đổi. Các loại tài sản này đóng góp cho VDeF B 150 điểm cơ bản trong mức tăng trưởng nhiều hơn so với VDeF A.

 

Những TPDN mà VDeF B đã đầu tư là trái phiếu niêm yết hay chưa niêm yết?

Theo luật pháp của quốc gia mà VDeF đang phải tuân theo, chúng tôi được phép đầu tư vào cả trái phiếu niêm yết và không niêm yết và các loại chứng khoán vốn. Tổng tỷ lệ các loại chứng khoán vốn không được vượt quá 10% (trong các giai đoạn đoạn dài hạn, tỷ lệ này thậm chí là 0%) và các khoản đầu tư chỉ được thực hiện trên cơ sở chọn lọc kỹ lưỡng.

Như vậy, VDeF B nhờ chuyển sang TPDN gồm cả TPDN không niêm yết đã lãi tốt ngay cả khi thị trường TPCP đi xuống. Tuy nhiên, các quỹ mở trái phiếu Việt Nam lại không thể áp dụng cách này, vì quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam chỉ cho phép các quỹ mở đầu tư vào trái phiếu đã niêm yết, trong khi đó, có rất ít TPDN niêm yết. Theo ông, quy định này có quá chặt hay không?

Thị trường Việt Nam hiện nay vẫn đang non trẻ và chưa phát triển đến mức ngay cả các khoản đầu tư vào trái phiếu niêm yết cũng chưa hoàn toàn đảm bảo được nhu cầu rút vốn hàng ngày của nhà đầu tư. Bởi vậy, có thể trong giai đoạn khởi đầu, các cơ quan quản lý và các nhà quản lý quỹ buộc phải đưa ra các quy định có tính cam kết với nhà đầu tư.

Nhưng nhìn chung, chúng tôi khuyến khích các nhà phát hành trái phiếu niêm yết trái phiếu của mình, đặc biệt khi mà việc làm này sẽ mở rộng cơ sở nhà đầu tư và có thể sẽ tăng thanh khoản. Tuy nhiên, phần lớn TPDN phát hành trong năm nay lại không được niêm yết.

 

Sau khi VDeF B lãi tốt nhờ TPDN và cả TPDN chuyển đổi, ông có cho rằng thị trường TPDN đang khởi sắc?

Giao dịch thứ cấp là một tiêu chí cực kỳ quan trọng để đo lường xem một thị trường tốt đến mức nào. Thị trường TPDN năm nay tốt hơn năm ngoái, nhưng vẫn cực kỳ kém thanh khoản so với thị trường TPCP. Tôi cho rằng, sẽ mất một thời gian dài để thị trường TPDN đạt được thanh khoản như thị trường TPCP hiện nay.