Rabobank: Lạm phát giá lương thực toàn cầu sẽ giảm vào năm 2024

Rabobank: Lạm phát giá lương thực toàn cầu sẽ giảm vào năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Ngân hàng Rabobank, lạm phát giá thực phẩm sẽ giảm sau khi tăng mạnh trong những năm gần đây, do sản xuất hàng hóa nông nghiệp tăng mạnh và nhu cầu bị suy giảm do tăng trưởng kinh tế suy yếu.

Rabobank - ngân hàng dành cho các doanh nghiệp nông nghiệp - cho biết trong báo cáo triển vọng năm 2024 rằng, lạm phát giá lương thực nói chung sẽ giảm xuống do giá các mặt hàng thực phẩm chủ yếu như đường, cà phê, ngô và đậu nành giảm do người trồng tăng sản lượng để ứng phó với giá cả tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu sẽ giảm khi người tiêu dùng phải vật lộn với tác động của lãi suất cao và lạm phát.

Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận hàng hóa nông nghiệp tại Rabobank cho biết: “Phần lớn, chúng tôi kỳ vọng giá hàng hóa nông nghiệp sẽ giảm, giúp giảm bớt lạm phát thực phẩm mà người tiêu dùng phải đối mặt”.

Giá thực phẩm, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá của các mặt hàng nông sản cơ bản, đã tăng vào năm 2020 sau lệnh phong tỏa vì Covid-19 và tăng vọt vào năm ngoái khi thị trường phản ứng với xung đột Nga-Ukraine, cả 2 quốc gia đều là những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới.

Tăng trưởng giá lương thực hàng năm ở các quốc gia OECD

Tăng trưởng giá lương thực hàng năm ở các quốc gia OECD

Theo Liên Hợp quốc, số người phải đối mặt với nạn đói đã tăng lên hơn 735 triệu người vào năm 2022, tăng 20% so với năm 2019, trong đó châu Phi là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trên toàn cầu, giá các mặt hàng thiết yếu như sữa và trứng tăng vọt, khiến các chính phủ phải áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả. Kể từ đó, lạm phát giá lương thực đã bắt đầu giảm ở hầu hết các nước giàu nhưng vẫn còn ở mức cao ở nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, Rabobank dự báo giá lúa mì - mặt hàng chủ lực đối với hàng tỷ người, đặc biệt là ở các nước đang phát triển - có thể biến động khi thế giới bước vào năm thứ 5 thâm hụt nguồn cung ngũ cốc toàn cầu.

Trong khi đó, giá lúa mì đã giảm do vụ mùa bội thu ở Nga, trong khi giá các mặt hàng nông sản khác như đường và cà phê đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm do hiện tượng thời tiết El Nino mang đến nắng nóng cực độ cho các nhà sản xuất châu Á, làm cản trở năng suất.

Rabobank dự đoán giá các loại cây trồng chủ chốt như đường sẽ giảm trong năm tới do điều kiện thời tiết ở châu Á dễ chịu hơn. Ngân hàng cho biết, giá đường - đã đạt mức cao nhất trong 12 năm vào tháng 9 - có thể giảm xuống dưới mức dự đoán của thị trường hiện tại, khi nhiệt độ và lượng mưa ở Thái Lan - nước sản xuất đường lớn thứ ba thế giới - trở lại mức bình thường.

Ngoài ra, lượng mưa tăng do El Nino ở một số vùng ở Nam Mỹ sẽ thúc đẩy năng suất cây cà phê và đậu nành. Rabobank dự báo Brazil sẽ chứng kiến một vụ đậu nành bội thu khác vào năm tới, trong khi Argentina - nước xuất khẩu các sản phẩm phụ từ đậu nành lớn nhất thế giới như dầu đậu nành - sẽ phục hồi sau vụ thu hoạch thất bại trong năm nay.

Theo Rabobank, trong số tất cả các mặt hàng nông sản chủ yếu, lúa mì phải đối mặt với tình trạng bất ổn nhất vào năm 2024. Thời tiết khô hạn ở các vùng trồng lúa mì ở Argentina và Australia có thể cản trở năng suất cây trồng, trong khi xung đột Nga-Ukraine tiếp tục làm giảm xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Tin bài liên quan