Rắc rối bội số 100

(ĐTCK-online) Tuần qua, ĐTCK nhận được phản ánh của bà Như Thị Hoan, NĐT tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc bày tỏ sự không hài lòng xung quanh việc đấu giá cổ phần lần đầu của Công ty Vật liệu chịu lửa Viglacera Cầu Đuống (Cty VLCL Viglacera Cầu Đuống). Trong khi đó, Hội đồng đấu giá cổ phần công ty này cũng phải chạy đôn, chạy đáo đi tham vấn luật sư để đưa ra quyết định cuối cùng.

Cty VLCL Viglacera Cầu Đuống là đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng, có vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Theo kế hoạch CPH, Cty VLCL Viglacera Cầu Đuống bán đấu giá lần đầu 126.640 CP ra công chúng. Loại CP đấu giá là CP phổ thông, có mệnh giá 10.000 đồng. Mức giá khởi điểm là 10.500 đồng, bước giá 100 đồng. CTCK Tràng An được lựa chọn ký kết hợp đồng tư vấn và thực hiện đấu giá. Sau khi thông tin được công bố, đã có 33 NĐT cá nhân trong nước đăng ký tham gia. Tổng khối lượng CP đăng ký mua: 1.003.740 cổ phần.

Tại cuộc đấu giá ngày 17/12/07, khi mở hòm phiếu tham dự đấu giá có đủ 33 NĐT tham dự. Hội đồng đấu giá đã công bố 32 NĐT có phiếu tham dự hợp lệ và công khai nội dung các phiếu đấu giá này. Tuy nhiên, Hội đồng đấu giá đã tạm thời chưa xem xét tính hợp lệ phiếu đấu giá của NĐT Như Thị Hoan bỏ giá 17.100đ/CP cho số lượng 126.640 CP (không phải là bội số của 100) mà bà Hoan đã đăng ký mua. Lý do mà Ban tổ chức đưa ra là trong Điều 10, Quy chế đấu giá có ghi số lượng CP đăng ký đặt mua tối thiểu là 100 và theo bội số của 100 CP áp dụng cho NĐT. Tuy nhiên, điều khoản này cũng quy định: mỗi NĐT được đăng ký tối đa bằng tổng khối lượng CP chào bán và áp dụng chung cho NĐT trong nước và nước ngoài.

Theo biên bản họp Hội đồng đấu giá cổ phần Cty VLCL Viglacera Cầu Đuống ngày 25/12/07 thì "vì sự khác nhau đó Hội đồng đấu giá đã tham vấn các cơ quan liên quan và 3 văn phòng luật sư (Văn phòng luật sư SMIC, Văn phòng luật sư Bizconsunlt và Văn phòng Luật sư Nguyễn Chiến). Sau đó đã đi đến thống nhất, phiếu tham dự đấu giá của bà Như Thị Hoan là hợp lệ. Hội đồng đấu giá xét kết quả đấu giá trên cơ sở tất cả các phiếu hợp lệ".

Mặc dù Hội đồng đấu giá đã rất cẩn trọng khi tham vấn ý kiến của các văn phòng luật nhưng câu hỏi mà 32 NĐT còn lại đặt ra là nếu theo quy chế đấu giá CP của DN thì vì sao đơn đăng ký của bà Hoan không thỏa mãn được điều kiện bội số 100 CP nhưng vẫn được Hội đồng đấu giá CP chấp nhận là hợp lệ? Kết quả đấu giá chính thức của Cty VLCL Viglacera Cầu Đuống sẽ được công bố trong thời gian tới. Nhưng từ đây có thể nhìn ra điểm không hợp lý của quy chế đấu giá.

Theo Phó giám đốc một CTCK, quy định về số lượng CP đặt mua phải là bội số 100 CP đã có từ lâu. Nó có thuận lợi là trong quá trình tính toán sẽ gọn tiền, tránh nhầm lẫn…Sau này, nếu DN niêm yết CP trên sàn sẽ có thuận lợi vì CP trên sàn thường giao dịch lô chẵn. Vậy nhưng, những CP chào bán ra có phần lẻ thì không ai được mua và DN sẽ không đạt được mục tiêu bán trọn vẹn phần vốn định bán. Nên chăng, các cơ quan chủ quản khi quyết định bán phần vốn nhà nước ra bên ngoài có thể nhân với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm rồi làm tròn số CP lên hàng trăm ngay từ khi quyết định chào bán.

Có thể quy định NĐT có thể đặt mua tối đa số CP chào bán thì phải thêm điều kiện, trong trường hợp này không áp dụng cho bội số 100 CP. Nếu NĐT có nhu cầu mua toàn bộ CP chào bán thì họ được quyền đăng ký tối đa khối lượng CP chào bán đó nhưng không theo nguyên tắc bội số của 100.

Tới đây, khi nhiều DNNN bán phần vốn nhà nước ra công chúng sẽ bị phần lẻ đó "gây rắc rối". Do đó, quy định số CP trong quy chế đấu giá đặt mua phải là bội số của 100 rất cần được xem xét, chỉnh sửa. Các DN khi ban hành quy chế đấu giá của mình cũng phải xem xét chặt chẽ các điều khoản để tránh rơi vào trường hợp của Cty VLCL Viglacera Cầu Đuống.

Thanh Đoàn

Tin liên quan:

>>Vì sao quy định lượng đặt mua tối thiếu