Rơi khỏi Quỹ FTSE ETF, chông chênh tương lai HVG

Rơi khỏi Quỹ FTSE ETF, chông chênh tương lai HVG

(ĐTCK) Trong kỳ cơ cấu quý I/2017, Quỹ FTSE ETF công bố sẽ loại HVG ra khỏi danh mục, theo đó sẽ bán toàn bộ hơn 3 triệu cổ phiếu đang nắm giữ trước hạn chót là ngày 17/3/2017. Dù số lượng bán không quá lớn, nhưng trong ngắn hạn, thị giá cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực cung tăng từ quỹ ETF.

Ở góc nhìn dài hạn, HVG có bật lên được hay không, trước hết phụ thuộc vào khả năng xử lý khoản vay hàng chục nghìn tỷ đồng “trên vai” doanh nghiệp này.

Doanh thu nghìn tỷ đồng, lợi nhuận âm

Câu chuyện của HVG được quan tâm đặc biệt sau khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2015 - 2016 có những thay đổi mạnh so với báo cáo tự lập.

Theo đó, sau kiểm toán, doanh thu đã giảm khoảng 2.000 tỷ đồng, từ gần 20.000 tỷ đồng xuống còn 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ cũng giảm từ 257,7 tỷ đồng xuống âm 49,3 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Ban lãnh đạo HVG đã ra công văn giải trình với nguyên nhân do ghi nhận nghiệp vụ sai niên độ và một số nghiệp vụ chưa hoàn thành thủ tục pháp lý đầy đủ nên chưa được ghi nhận theo chuẩn mực kế toán.

Trong khi chỉ số VN-Index liên tục thiết lập các đỉnh cao mới, giá cổ phiếu HVG đã giảm mạnh 50% trong hơn 1 năm trở lại đây. 

Tuy nhiên, nếu chỉ là việc ghi nhận sai niên độ hay cần hoàn tất hồ sơ thì đã không khiến nhà đầu tư chú ý đến vậy, vì đây là vấn đề thời gian, trước hay sau Công ty cũng sẽ hạch toán được. Vấn đề là áp lực vay nợ khủng và việc tăng mạnh các khoản phải thu mà HVG đang phải đối mặt.

Cụ thể, thời điểm cuối niên độ 2015 - 2016, nợ phải trả của HVG lên đến 13.336 tỷ đồng, tăng gần 2.200 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 80,3% tổng tài sản, gấp 4,13 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm 57% tổng nợ (gần 7.500 tỷ đồng), tiếp theo là phải trả người bán 3.561 tỷ đồng và nợ dài hạn 1.059 tỷ đồng.

Tỷ lệ vay nợ cao khiến chi phí lãi vay lên đến 470 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2015. Thông thường, các doanh nghiệp phải duy trì tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức dưới 1,5 lần, chỉ ở một số ngành đặc thù như bất động sản hay xây dựng, tỷ lệ này mới lớn hơn 1,5 lần.

Rơi khỏi Quỹ FTSE ETF, chông chênh tương lai HVG ảnh 1

Do đó, con số lên đến trên 4 lần như HVG, mà hầu hết lại là nợ ngắn hạn, là trường hợp hiếm, khiến nhà đầu tư không khỏi quan ngại. Nhìn một cách đơn giản, hơn 1/3 lợi nhuận gộp của HVG làm ra đã phải dùng để trả lãi, chưa kể hàng loạt chi phí bán hàng, vận hành. Bởi vậy con số còn lại cho cổ đông khó có thể ở mức cao.

Gần đây nhất, HVG đã công bố báo cáo tài chính tự lập quý I niên độ tài chính sau nhiều lần bị nhắc nhở vì chậm trễ. Theo đó, biên lợi nhuận gộp trong kỳ tiếp tục sụt giảm mạnh xuống còn 5,2%, lợi nhuận hơn 10 tỷ đồng, dù doanh thu gần 6 ngàn tỷ đồng… Doanh thu cao, lợi nhuận thấp, vay nợ lớn, bức tranh HVG khiến nhiều cổ đông ngán ngẩm.

Chưa hết, với lịch sử thường xuyên có những thay đổi mạnh trong báo cáo tự lập và sau khi kiểm toán, cổ đông không khỏi đặt câu hỏi về chất lượng nhân sự tại công ty thủy sản đầu ngành, dần khiến báo cáo tự lập chỉ mang tính “tham khảo”, thay đổi trọng yếu khi có sự tham gia của kiểm toán trở nên bình thường.

Chặng đường 2017 của HVG sẽ ra sao?

Bối cảnh chung trong 2 năm trở lại đây, ngành thủy sản trong nước và thế giới có nhiều yếu tố bất lợi, ảnh hưởng không chỉ đến HVG mà còn nhiều doanh nghiệp khác.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, thời gian gần đây, Mỹ - vốn là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam - đang sụt giảm mạnh lượng nhập khẩu, thấp hơn cả Trung Quốc và EU.

Nếu tiếp tục duy trì tình trạng trên, nhiều khả năng Trung Quốc, Hồng Kông sẽ vượt Mỹ về nhập khẩu cá tra. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp thủy sản khác trong ngành đã phải tập trung tìm kiếm các thị trường mới như Trung Quốc và các nước Đông Nam Á…

Tại thị trường trong nước, giá cá nguyên liệu cũng gặp nhiều khó khăn, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng từ 22.000 đồng/kg hồi đầu năm lên gần 25.000 đồng/kg trong những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2017.

Cũng theo Vasep, nguyên nhân giá cá tăng là do sản lượng giảm, diện tích nuôi thu hẹp. Cá cung ứng cho các nhà máy chế biến chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, đây sẽ là yếu tố bất lợi cho HVG nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành nói chung để duy trì sản xuất.

HVG có điểm mạnh là chuỗi các công ty liên doanh, liên kết, công ty con như Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC)…, tạo nên một chu trình cung ứng khép kín trong sản xuất.

AGF từng là công ty xuất khẩu thủy sản mạnh, dẫn đầu về xuất khẩu cá tra vào Mỹ và châu Âu. VTF, với 14% thị phần trong phân khúc thức ăn thủy sản, không chỉ giúp HVG tự chủ nguồn thức ăn mà còn tăng doanh thu từ bán thức ăn chăn nuôi. Hay FMC cũng là công ty trong nhóm xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, dường như chuỗi kinh doanh đa ngành chưa thể hiện được hiệu quả, giúp HVG cải thiện biên lợi nhuận, giảm chi phí mà còn tăng gánh nặng khi phải dùng thêm vay nợ để đầu tư.

Rơi khỏi Quỹ FTSE ETF, chông chênh tương lai HVG ảnh 2

Để đối phó với khó khăn thị trường xuất khẩu, tại Đại hội đồng cổ đông 2016, Ban lãnh đạo HVG cho biết đã lên kế hoạch đàm phán thực hiện mua lại 50% hệ thống phân phối của Công ty Russian Fish - Công ty phân phối cá đứng đầu thị trường Nga với thị phần hơn 5%, hợp tác với Coop Mart và chính quyền địa phương để đưa sản phẩm vào chợ và các siêu thị. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như bị bỏ ngỏ với thực tế nhãn tiền là hiệu quả kinh doanh của HVG không như mong đợi.

Còn nhớ, tại Đại hội đồng cổ đông 2015, ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HVG nêu khát vọng đến năm 2018, đúng 15 năm sau thành lập, Công ty sẽ đạt doanh số 40.000 tỷ đồng, với mức cổ tức 50%/mệnh giá (trong đó năm 2016 là 25.000 tỷ đồng (đã không đạt được); 2017 là 35.000 tỷ đồng). Gánh nặng nợ dường như đang đè lên vai Ban lãnh đạo HVG, làm sao giải tỏa bớt mới mong thực hiện các khát vọng to lớn hơn.

Trong khi chỉ số VN-Index liên tục thiết lập các đỉnh cao mới, giá cổ phiếu HVG đã giảm mạnh 50% trong hơn 1 năm trở lại đây. Sau khi công bố báo cáo kiểm toán niên độ tài chính 2015 - 2016, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM đã đưa cổ phiếu HVG vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm.

HVG là “đứa con tâm huyết” của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Dương Ngọc Minh, đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu đến gần 40%.

Ông Minh cũng là một trong những người đã đưa tên tuổi cá tra Việt Nam đến với thị trường thế giới. Tình cảnh hiện tại của HVG là nét vẽ rõ nhất trong bức tranh khó khăn chung của ngành cá tra Việt Nam.

Làm thế nào để Công ty bớt chông chênh về tài chính, về tương lai là điều các cổ đông trung thành với HVG này mong mỏi được thấy lời giải đáp trong Đại hội đồng cổ đông 2017 tổ chức tháng 4 tới.     

Tin bài liên quan