Rộng cửa bất động sản nghỉ dưỡng ven đô Hòa Bình

Rộng cửa bất động sản nghỉ dưỡng ven đô Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi bất động sản khu vực trung tâm dần trở nên bão hòa, làn sóng đầu tư bất động sản sẽ có xu hướng dịch chuyển theo vết dầu loang sang những vùng đất mới tiềm năng, đặc biệt các khu vực vùng ven ngoại thành Hà Nội.

Đây là nội dung được chia sẻ tại Tọa đàm “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình” do Tạp chí Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức chiều ngày 5/1/2022.

Làn sóng người Hà Nội và các đô thị lớn tìm về các vùng quê cách khoảng 1 – 2h xe chạy mua vườn, mua đồi, sở hữu biệt thự nghỉ dưỡng riêng không phải bây giờ mới xuất hiện. Cách đây khoảng 10 - 20 năm, nhiều đại gia ở Hà Nội đã tìm đến Lương Sơn (Hòa Bình), Hòa Lạc (Hà Tây cũ) mua lại các khu trang trại, nhà vườn để thiết kế không gian nghỉ dưỡng riêng cho gia đình.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

“Dịp dịch bệnh bùng phát, lượng người tìm kiếm nhà vườn, trang trại và các sản phẩm bất động sản sinh thái gắn với thiên nhiên nhưng mang tính cá nhân hóa tăng lên đột biến. Rất nhiều gia đình đã có sẵn căn hộ thứ hai ở khu vực này, để chuyển ra ngoại ô sinh sống”, ông Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô chia sẻ.

Ngoài nhu cầu hưởng thụ cuộc sống yên tĩnh, điền viên tăng lên, đồng thời người mua cũng xác định đây là một tài sản có thể gia tăng giá trị theo thời gian. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh và điều kiện sống ngày càng ô nhiễm ở nơi phố thị thì việc tìm đến các khu nghỉ dưỡng ven đô như Hòa Bình là một phương án được nhiều người có tiền tính đến.

Khảo sát của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, ngay kể trong những giai đoạn cao điểm về dịch vừa qua, Hòa Bình vẫn là trong số ít khu vực nhận được sự quan tâm nhiều nhất, nhất là ở các khu vực như: TP. Hoà Bình, huyện Lương Sơn, Kim Bôi... Trong vài năm trở lại, hàng loạt dự án với quy mô cả trăm héc-ta và tổng mức đầu tư nghìn tỷ đồng được cấp phép, đi vào triển khai thi công xây dựng và đã có nhiều thời điểm tạo ra cơn “sốt” trong giới đầu tư bất động sản.

Hiện đã có hàng loạt các dự án quy mô của “ông lớn” trên thị trường như: Vingroup, Tập đoàn An Thịnh, Apec Group, Công ty Địa ốc Sài Gòn, Ngoại Ô Corp, CTCP Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình… kích hoạt giao dịch bất động sản trở nên sôi động.

“Nhu cầu đầu tư tăng rất nhanh khi 8 triệu người dân Hà Nội đã ý thức trong đầu rằng, họ cần một nơi để nghỉ dưỡng khi Thủ đô đã quá ngột ngạt”, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), sự phát triển của các dự án như tuyến Đại lộ Thăng Long – Hòa Bình, cao tốc Sơn La, các tuyến đường tỉnh... là một trong những tác nhân thúc đẩy làn sóng đầu tư nói trên.

Bên cạnh đó, động lực từ nhu cầu của các nhà đầu tư, thị trường bất động sản Hòa Bình cũng có sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu sản phẩm. Nếu như vài năm trước, các dự án nghỉ dưỡng tại Hòa Bình vẫn còn khá nhỏ lẻ, manh mún với quy mô mỏ thì hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã chú trọng đến việc đầu tư bài bản những dự án lớn, có đơn vị vận hành uy tín hơn.

“Rất nhiều dự án nghỉ dưỡng hiện tại ở Hòa Bình không kém cạnh về quy mô đầu tư, sự độc đáo trong các không gian trải nghiệm so với các dự án nghỉ dưỡng biển, thậm chí còn hơn. Không những vậy, các dự án nghỉ dưỡng núi Hòa Bình còn mang tới nhiều trải nghiệm độc đáo hơn khi khách được gần gũi với thiên nhiên”, ông Đính nói và chia sẻ thêm, thay vì bỏ ra 2 - 4 triệu đồng mua vé máy bay đi Nha Trang, du khách chỉ mất vài trăm nghìn tiền xăng là đã đến Hoà Bình. Vì không phải bỏ ra nhiều chi phí đi lại nên du khách sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho phòng ở và dịch vụ.

Tuy nhiên, theo ông Đính, dù tiềm năng, nhưng Hòa Bình mới chỉ trong giai đoạn đầu của làn sóng đầu tư. Vì vậy, để tận dụng được nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế ở địa phương, cần có quy hoạch bài bàn, tổng thể, đồng bộ về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, tránh gây lãng phí đầu tư, chỗ nhiều, chỗ ít, đầu tư theo phong trào, tự phát.

Đồng thời, các nhà đầu tư lớn đã “xí đất” cần đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa dự án theo một quy hoạch tổng thể khoa học, minh bạch của chính quyền tỉnh để tránh những cơn sốt đất ăn theo không đáng có.

“Nếu có được một quy hoạch bài bản, hệ thống hạ tầng kết nối hoàn thiện, chắc chắn bất động sản Hòa Bình với tiềm năng lớn về bất động sản nghỉ dưỡng núi sẽ phát triển mạnh”, ông Đính nhận xét.

Tin bài liên quan