Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Rộng đường tăng sức khỏe cho các ngân hàng

(ĐTCK) Việc Quốc hội thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng vào ngày 20/11 vừa qua được nhìn nhận sẽ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, qua đó giúp các tổ chức này hoạt động lành mạnh và “khỏe” hơn.

Kỳ vọng ấy dựa trên cơ sở mục đích của việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này không phải trực diện mở ra những mô hình hoạt động mới cho hệ thống ngân hàng, hay định hình cơ chế cho phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, mà trọng tâm chính là đáp ứng yêu cầu cấp bách về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đồng thời hạn chế, ngăn ngừa tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Sở dĩ “đầu bài”của lần sửa Luật Các tổ chức tín dụng này được đặt ra như vậy là bởi theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Ðến nay, vẫn còn tồn tại một số tổ chức tín dụng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống, nhưng chưa có biện pháp toàn diện để xử lý, phục hồi do thiếu khuôn khổ pháp lý…

Số tổ chức tín dụng có cổ đông sở hữu chiếm trên 15% cổ phần hiện còn 4 tổ chức. Số tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau vẫn còn 2 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp hiện cũng còn 2 cặp...

Ðể nhanh chóng phát huy những tác động tích cực của nhiều nội dung mới tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng trong tái cơ cấu các ngân hàng đạt hiệu quả cả về lượng và chất, được biết, đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị các thông tư để ngay khi luật có hiệu lực thì cơ quan này sẽ ban hành kịp thời và triển khai.

Trong đó, các nội dung hướng dẫn tại các thông tư này sẽ tập trung vào gia tăng các quy định về kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các ngân hàng trên cơ sở tiệm cận các thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tăng cường các quy định giám sát về việc góp vốn mua cổ phần, các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; nâng cao năng lực và chất lượng của công tác thanh tra, giám sát ngân hàng...

Với một loạt nội dung mới quy định cụ thể về giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; tăng thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước…, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng vừa được thông qua không chỉ rộng đường cho tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang bộc lộ trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, mà như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội mới đây khẳng định, những bước tiến mới về quy định pháp lý sẽ tạo ra giải pháp rất quan trọng và cơ bản, có tính lâu dài để xử lý triệt để những tồn tại, hạn chế và yếu kém trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Dẫu vậy, thực tế cho thấy quy định pháp lý dù tiến bộ, nhưng luôn có khoảng cách so với thực tiễn triển khai. Ðiều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần quyết liệt tổ chức triển khai luật để rút ngắn tối đa khoảng cách này. Hy vọng khung pháp lý mới sẽ tạo ra những bước tiến dài trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, qua đó, đưa nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh và bền vững.

Tin bài liên quan