“Room” cho DN chưa niêm yết: 30%, 49% hay 100%?

“Room” cho DN chưa niêm yết: 30%, 49% hay 100%?

(ĐTCK-online) Sau bài báo “440.000 tỷ đồng và khoảng trống pháp lý” đăng trên ĐTCK-online, phản ánh về việc các quy định điều tiết tỷ lệ sở hữu tối đa (room) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) hết hiệu lực đã lâu mà vẫn chưa có văn bản thay thế, Báo ĐTCK-online đã nhận được phản hồi từ một số công ty chứng khoán.

Theo các ý kiến phản hồi thì room cho nhà ĐTNN trong DN chưa niêm yết đã được nới lỏng lên mức 100% theo Nghị định 139/2007/NĐ-CP - văn bản mới được Chính phủ ban hành hồi tháng 9, chứ không còn ở mức 30% theo Quyết định 36/2003/QĐ-TTg. Vậy Nghị định 139 sẽ được thực thi trong thực tế như thế nào là vấn đề mà bài báo này muốn tiếp tục đề cập đến bạn đọc.

 

Nghị định 139: room đến 100% cho DN chưa niêm yết

Nghị định 139 (Điều 10) quy định, chỉ trừ 4 trường hợp (sẽ được liệt kê sau), tất cả các tổ chức là pháp nhân, gồm cả DN có vốn ĐTNN không phân biệt nơi đăng ký trụ sở chính và mọi cá nhân, không phân biệt quốc tịch và nơi cư trú, nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4, Điều 13, Luật Doanh nghiệp, đều có quyền  góp vốn, mua cổ phần với mức không hạn chế tại DN theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp. 4 trường hợp không áp dụng điều khoản trên là DN niêm yết;  DN có đặc thù kinh doanh theo các quy định của các luật chuyên ngành; DNNN cổ phần hoá và các DN kinh doanh dịch vụ áp dụng theo Biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ (Phụ lục Nghị định thư gia nhập WTO). Như vậy, tại Nghị định 139, Chính phủ đã đưa ra thông điệp là chính thức nới room đến 100% cho DN, trừ những trường hợp ngoại lệ nói trên. Theo một số công ty chứng khoán thì hiện nay, khách hàng nước ngoài đang hiểu rằng, họ được đầu tư không hạn chế vào DN chưa niêm yết, nhưng chính các DN Việt Nam và một số cơ quan thực thi pháp luật  lại chưa thông suốt về vấn đề này.

Trao đổi với ĐTCK về Nghị định 139, ông Nguyễn Đình Cung, thư ký Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp khẳng định, Nghị định 139 đã chính thức nới room cho nhà ĐTNN trong DN chưa niêm yết lên 100%, trừ 4 trường hợp nói trên. Ông Cung cho rằng, Luật Doanh nghiệp và nay là Nghị định 139 đã quy định rất rõ ràng như vậy, nên có thể thực thi ngay, không cần chờ thêm bất kỳ văn bản hướng dẫn nào. Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc bán cổ phần cho nhà ĐTNN trong DN chưa niêm yết hiện vẫn bị khống chế ở tỷ lệ 30% như tại Quyết định 36/2003/QĐ-TTg, ông Cung cho rằng, như vậy là DN và nhà đầu tư chưa nắm bắt được quy định mới của Chính phủ, còn Quyết định 36/2003/QĐ-TTg đã hết hiệu lực từ lâu, nên không thể căn cứ vào quyết định này để tiếp tục khống chế tỷ lệ đầu tư của nhà ĐTNN trong DN chưa niêm yết.

 

Bộ Tài chính: room mở đến 49% cho các công ty đại chúng

Đặt câu hỏi về việc có thực hay không việc DN chưa niêm yết không bị khống chế tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà ĐTNN với đại diện UBCK, ông này thừa nhận Nghị định 139 đã quy định như vậy, nhưng việc áp dụng vào thực tiễn vẫn gặp khó khăn do chưa có sự hướng dẫn rõ ràng từ các cơ quan chức năng.

Theo đại diện UBCK, tinh thần Luật Đầu tư (ra đời cùng với Luật Doanh nghiệp) đã chia các DN trong nền kinh tế thành 3 loại: DN bị cấm đầu tư; DN bị hạn chế đầu tư và DN được đầu tư không hạn chế. Theo đó, có 14 ngành nghề bị hạn chế đầu tư, nhưng tiêu chí nào để phân loại một DN cụ thể có thuộc hay không thuộc ngành nghề hạn chế đầu tư thì Luật Đầu tư không đề cập. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư và Nghị định 139 hướng dẫn Luật Doanh nghiệp nhưng cũng không đề cập chi tiết hơn về vấn đề này. Đây chính là lý do khiến UBCK gặp khó khăn khi cân nhắc các khả năng soạn thảo một văn bản thay thế Quyết định 238/2005/QĐ-TTg và Quyết định 36/2003/QĐ-TTg về tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà ĐTNN trong DN niêm yết và chưa niêm yết.

Theo thông tin mới nhất từ UBCK, Bộ Tài chính vừa ký quyết định phê duyệt Đề án tổ chức giao dịch cho công ty đại chúng chưa niêm yết, trong đó, tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà ĐTNN trong các DN này được quy định như DN niêm yết, tức là 49%. Lý giải cho vấn đề này, đại diện UBCK cho biết, quyết định trên được đưa ra một cách khó khăn do phải cân nhắc nhiều phương án: giữ room ở mức 30% cũng không được, mở đến 100% thì chưa đủ căn cứ pháp lý để thực hiện, nên cách tốt nhất là dẫn chiếu theo thị trường niêm yết để có căn cứ pháp lý điều tiết room trên thị trường cho cổ phiếu của công ty đại chúng.

Theo kế hoạch của UBCK, thị trường cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ ra mắt công chúng vào quý I năm 2008. Thị trường này tạm gọi là thị trường đăng ký giao dịch, là nơi giao dịch cổ phiếu của những DN đại chúng chưa niêm yết. Hiện nay, có khoảng 800 DN đã đăng ký với UBCK làm công ty đại chúng và trong giai đoạn đầu, cơ quan quản lý sẽ khuyến khích các DN thuộc diện này tham gia, chứ không ép buộc. Như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều DN thuộc diện công ty đại chúng tiếp tục đứng ngoài thị trường được quản lý (thị trường niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch) và còn rất nhiều DN khác không thuộc diện công ty đại chúng nhưng cổ phiếu của họ cũng được quyền giao dịch theo Luật Doanh nghiệp. Vậy với những DN đứng ngoài thị trường được quản lý, room cho nhà ĐTNN là bao nhiêu?

 

Room của DN nằm ngoài thị trường được quản lý: hiểu thế nào làm vậy?

Với việc Bộ Tài chính vừa ký ban hành Đề án tổ chức giao dịch cho công ty đại chúng chưa niêm yết, thị trường cổ phiếu tự do của Việt Nam sẽ được thu hẹp một phần, nhưng trong thực thể chung của toàn TTCK Việt Nam, thị trường cổ phiếu tự do vẫn đương nhiên tồn tại. Trên thị trường này, rõ ràng, không thể dẫn chiếu quy định của thị trường niêm yết để áp tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà ĐTNN vào DN, mà DN và nhà đầu tư sẽ phải thực hiện theo Nghị định 139, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành khác.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, trên thị trường cổ phiếu tự do, nếu DN không thuộc 4 trường hợp nói trên thì nhà ĐTNN được mua cổ phần không hạn chế, như nội dung tại Nghị định 139. Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc nhà ĐTNN hoặc DN sẽ phải làm gì khi DN hoặc nhà ĐTNN không thực thi đúng Nghị định 139 (ví dụ DN cản trở nhà ĐTNN mua quá tỷ lệ cổ phần tại DN…), ông Cung cho rằng, nhà ĐTNN hoặc DN có thể gửi đơn kiện lên toà hành chính để buộc đối tác phải thực thi đúng quy định pháp luật.

Theo ghi nhận của người viết, không phải DN Việt Nam nào cũng muốn nới rộng tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà ĐTNN (thậm chí nhiều DN rất lo lắng về khả năng mất quyền kiểm soát khi nhà ĐTNN sở hữu quá nhiều cổ phần). Và cũng không phải DN nào nhà ĐTNN cũng muốn rót vốn đầu tư (trên thị trường niêm yết hiện có trên 230 DN, nhưng cũng chỉ có dưới 20 DN nhà ĐTNN đầu tư đến 49% vốn). Tuy nhiên, nếu không có hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ đầu tư tối đa trong DN chưa niêm yết thì có thể dẫn đến tình trạng ai hiểu thế nào làm thế đó. Bên cạnh việc quản lý thêm thị trường đăng ký giao dịch với room cho nhà ĐTNN được quy định ở mức 49%, cơ quan chức năng nên sớm soạn thảo một văn bản mới hướng dẫn chi tiết room cho nhà ĐTNN trong DN nằm ngoài thị trường được quản lý. Có hai lý do để lý giải cho việc cần thiết phải có một văn bản cụ thể hơn về room là thứ nhất, hiện có nhiều văn bản pháp lý cùng điều tiết hoạt động của một DN (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật chuyên ngành…) mà ở tầm của mỗi DN hoặc nhà đầu tư họ khó nắm hết được. Thứ hai, ngay cả UBCK cũng còn gặp khó khăn để hiểu rõ room cho từng loại hình DN là như thế nào nói chi là đến DN và nhà đầu tư. Chỉ khi một văn bản được ban hành chi tiết, dễ hiểu và dễ thực thi thì DN và nhà đầu tư mới có thể nắm bắt được và thực thi đúng quy định pháp luật.

                                                                                         Tường Vi

Tin liên quan:

>> 440.000 tỷ đồng và khoảng trống pháp lý