Chạy theo tâm lý đám đông, nhiều người đã chuốc lấy rủi ro.

Chạy theo tâm lý đám đông, nhiều người đã chuốc lấy rủi ro.

Rủi ro khi chạy theo biến động giá vàng và USD

Nhiều mặt hàng rơi vào những cơn "sốt giá" khó hiểu, khiến cho người dân và cả cơ quan quản lý bất ngờ. Thay vì bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, nhiều người dân đã lao vào mua bán để cho một bộ phận lướt sóng kiếm lời.

Trong thời điểm "sốt giá", tất cả đang quay cuồng với những thông tin rỉ tai không chính thức và những bảng giá thay đổi từng giờ. Mọi cảnh báo và lời khuyên đều bị gạt bỏ sang một bên để dành chỗ cho những quyết định mua nhanh - bán chóng. Chỉ đến khi cơn sốt đi qua, người ta nhìn lại thì mọi sự đã muộn.

 

Chuyện của dân kinh doanh vàng

 

Năm 2006 và 2007, thị trường vàng trải qua những cơn sốt bất thường, giá vàng tăng từng giờ. Người dân đổ xô đi mua vàng, các công ty kinh doanh vàng bạc không kịp phục vụ lượng khách đông khủng khiếp. Khắp nơi thấy cảnh xếp hàng, đăng ký số để mua vàng. Thời điểm đó, các công ty đúc vàng không kịp, nhập khẩu không kịp. Do thiếu vàng, các đại lý chuyển qua hình thức ghi giấy nhận tiền hẹn ngày sau giao hàng, nhưng vẫn được nhiều người chấp nhận

 

Đã có rất nhiều bài học về rủi ro trong mua bán vàng và USD
Đã có rất nhiều bài học về rủi ro trong mua bán vàng và USD

Tuy nhiên, chỉ qua một đêm, giá vàng đã giảm mạnh, rất nhiều người hôm qua mua được vàng hôm nay lại đau buồn vì thua lỗ; nhiều người đã nộp tiền mà chưa cầm được vàng đã gánh lấy thua lỗ. Chuyện như thế vẫn xảy ra nhiều lần nhưng lạ thay mỗi lần thị trường lên cơn sốt là tất cả lại lao ra mua. Càng mua nhiều, giá cả càng lên, dân đầu cơ càng kiếm lợi còn người dân lại gánh lấy thiệt hại chỉ sau một vài ngày.

 

Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty Vàng bạc - Đá quý Minh Châu cho rằng, nhiều người quan niệm đầu tư vàng là an toàn tài chính là đúng. Tuy nhiên, lời khuyên của ông là không nên chạy theo những cơn sốt giá vì có nhiều rủi ro. Bản thân ông là dân kinh doanh vàng, nhưng ông cũng mong có một thị trường ổn định hơn là liên tục biến động.

 

Chuyện của dân kinh doanh USD

 

Hồi tháng 3/2008, giá USD trên thị trường tự do liên tục sụt giảm, có lúc đã xuống 15.450 đồng/USD. Các ngân hàng từ chối mua vào do đang trong tình trạng dư thừa ngoại tệ thương mại. Lo lắng giá USD còn xuống nữa, rất nhiều người đã mang USD đến các đại lý, chấp nhận giá thỏa thuận ở mức thấp, cố sao để đổi ra tiền đồng.

 

Lúc đó, phó giám đốc một công ty kinh doanh vàng bạc là chủ hệ thống đại lý thu đổi ngoại tệ lớn hàng đầu Hà Nội cho biết, ngân hàng mà công ty ông làm đại lý cũng đang ở tình trạng thừa USD nên khống chế mua vào của mỗi đại lý chỉ 5.000USD mỗi ngày. Không ít đại lý và ngân hàng đã từ chối mua USD.

 

Tuy nhiên, vị phó giám đốc cho biết, ông vẫn chỉ đạo các đại lý mua vào đều đặn. Ông khẳng định, "chúng tôi vẫn mua vào và tự điều tiết, rồi khi thị trường ổn định thì tính toán lại để cân đối". Đúng như vậy, chỉ thời gian ngắn sau đó, USD đã trở lại trên mốc trên 16.000 đồng, các đại lý lãi to còn người vội vàng bán USD rẻ thì tiếc nuối.

 

Cũng tại thời điểm đó, rất nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo không nên vội bán USD giá rẻ. Ông Nguyễn Mạnh - Giám đốc nguồn vốn Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam đã nhận định, "thời điểm khó khăn về thanh khoản VND đã qua..." Đúng như nhận định, chỉ 1 - 2 tuần sau giá USD tự do đã lên trở lại và hàng loạt ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất ngoại tệ. TS Phạm Tất Thắng - chuyên viên cao cấp của Bộ Công thương đã nhận định trên thị trường Hà Nội đã xuất hiện hiện tượng “âm thầm” thu gom USD.

 

Cách đây 1 tuần, giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh vượt ngưỡng 17.000 đồng và có lúc lên đến 17.700 đồng/USD, người dân đổ xô đi mua USD vì lo giá còn tăng nữa. Tuy nhiên, một lần nữa những cơn sốt luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn, khi cơn sốt USD trên thị trường tự do đã hạ nhiệt sau hai ngày leo thang.

 

Thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước phát đi vào thời điểm đó: USD không thiếu, NHNN đủ sức can thiệp, diễn biến giá USD có yếu tố đầu cơ, người dân cần thận trọng. Ngay ngày hôm sau, USD xuống giá, nhiều người đã chấp nhận mua USD giá cao trong ngày hôm trước đã phải âm thầm ôm lỗ. Giá cả lên nhanh một cách chóng vánh, những kẻ đầu cơ đã kiếm lời không ít nhưng cũng không ít người dân do tác động tâm lý, nóng ruột đi mua USD đã thua lỗ và chỉ biết trách mình.

 

Ai gánh chịu rủi ro?

 

Một chuyên gia đến từ Ngân hàng Nhà nước cho rằng, có hai nguyên nhân khiến người dân chạy theo các cơn sốt giá. Thứ nhất là sức hấp dẫn trong lựa chọn đầu tư ngắn hạn của người dân đối với các tài sản có giá trị như USD và vàng. Rất nhiều người hy vọng vào những cơn sốt để tạo “sóng” cao để sinh lợi lớn. Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận nhỏ chủ động đầu cơ là kiếm lãi, còn đa số người dân bị cuốn vào dòng xoáy tâm lý là bị thua lỗ. Thứ hai, nhiều người dân vẫn quen tích trữ vàng và USD như là tài sản đảm bảo. Khi giá chớm biến động, người dân sợ mất giá trị tài sản nên vội đổ ra mua bán gây xáo trộn thị trường, tạo nên cơn sốt.

 

Trong diễn biến mới đây, NHNN đã khẳng định những biến động tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do có nguyên nhân chính do nhu cầu mua USD từ một bộ phận dân cư, xuất phát từ tâm lý trong dân và sự thao túng của giới đầu cơ. Biến động tỷ giá trên thị trường tự do mặc dù không gây những xáo trộn đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhưng có nguy cơ rủi ro đối với người dân.

 

Bằng thực tế đã diễn ra và những phân tích chuyên môn, các chuyên gia vẫn kêu gọi người dân hãy bình tĩnh trước các biến động ngắn hạn. Giá cả có thể lên xuống, nhưng chỉ là một phần bề nổi của thị trường và có rất ít tác động đến cân đối vĩ mô về USD hay vàng.

 

Những cơn sóng trên thị trường tự do không dành cho hầu hết những người dân thiếu kiến thức và kinh nghiệm về tiền tệ. Đừng vì tâm lý mà bị cuốn vào vòng xoáy của những cơn sốt ngắn hạn để chuốc lấy những rủi ro.

 Đã có rất nhiều bài học về rủi ro trong mua bán vàng và USD.