Tính đến cuối tháng 9/2018, nợ xấu tiêu dùng chiếm hơn 4,2% tổng dư nợ trên địa bàn TP. HCM.

Tính đến cuối tháng 9/2018, nợ xấu tiêu dùng chiếm hơn 4,2% tổng dư nợ trên địa bàn TP. HCM.

Rủi ro khi tín dụng bất động sản “núp bóng” tiêu dùng gia tăng

(ĐTCK) Theo quy định hiện hành, các khoản vay ngân hàng với mục đích đầu tư bất động sản được xếp vào nhóm tín dụng bất động sản, trong khi cho vay mua nhà, sửa nhà lại được xếp vào mảng tín dụng tiêu dùng. Trước đà tăng trưởng mạnh của tín dụng bất động sản “núp bóng” tiêu dùng, nếu không được kiểm soát chặt thì rủi ro nợ xấu tăng là khó tránh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay, tín dụng của các ngân hàng vào bất động sản đang được duy trì trong khoảng 7-8% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Tỷ lệ này đã giảm rất nhiều so với ngưỡng xấp xỉ 30% giai đoạn 2010-2011.

Tuy nhiên, nếu tính cả tiền cho dân vay mua, sửa nhà dưới hình thức cho vay tiêu dùng cá nhân, thì tín dụng đổ vào bất động sản lên tới 20%.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM cho biết, dư nợ tín dụng tiêu dùng đã tăng mạnh trong những năm qua. Cụ thể, năm 2008 tín dụng tiêu dùng chỉ chiếm 3,9% tổng dư nợ trên địa bàn Thành phố, thì đến cuối tháng 10/2018 tăng lên 19,4%.

Cũng theo ông Minh, tín dụng cho vay tiêu dùng trong lĩnh vực bất động sản đang chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 38-40% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn (tương đương khoảng 116.000-180.000 tỷ đồng).

Trong khi tín dụng bất động sản tăng cao, nguồn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, kinh doanh) có dấu hiệu giảm. Ông Minh cho hay, trước giai đoạn 2015-2016, khoảng 78% tín dụng được dành cho sản xuất - kinh doanh, nhưng hiện tại giảm về 70%, một phần do dòng vốn chuyển sang tín dụng tiêu dùng. Tính đến cuối tháng 9/2018, nợ xấu tiêu dùng (tại công ty tài chính và ngân hàng) trên địa bàn Thành phố chiếm trên 4,2% tổng dư nợ.

"Việc một phần tín dụng dành cho sản xuất, kinh doanh chuyển sang tín dụng tiêu dùng đã tác động lên lãi suất, bởi lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với cho vay sản xuất, kinh doanh. Khi tín dụng tiêu dùng tăng sẽ kéo theo cuộc đua lãi suất huy động đầu vào, từ đó tác động lên lãi suất đầu ra.

Mặt khác, lãi suất cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính thường cao hơn đáng kể so với ngân hàng, trong khi các khoản vay tiêu dùng chủ yếu là tín chấp. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn nên cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh nguy cơ nợ xấu gia tăng", ông Minh nhấn mạnh.

Thực tế, báo cáo tài chính quý III/2018 của một số ngân hàng có công ty tài chính trực thuộc cho thấy, nợ xấu của các công ty tài chính này đang gia tăng.

Chẳng hạn, tại HDBank, mức trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu (LLR) của Ngân hàng mẹ trong quý III/2018 là 84,2%, tăng so với con số 78,3% của cùng kỳ năm trước; tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,2% xuống 1,1%. Tuy nhiên, với công ty con HD Saison, nợ xấu đã tăng từ 5,6% lên 6,5%, kéo chi phí dự phòng tăng 27,3% so với cùng kỳ.

Tại VPBank, lợi nhuận quý III/2018 tiếp tục giảm 26%, khiến lợi nhuận 9 tháng hợp nhất chỉ tăng nhẹ 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chính là do mức đóng góp của FE Credit - vốn được xem là “gà đẻ trứng vàng” của VPBank đang ngày một giảm sút, từ mức 45-50% trong tổng lợi nhuận trước đây, nay giảm về 37%.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 cũng cho thấy, nợ xấu tuyệt đối tính đến cuối tháng 9/2018 của VPBank đã lên tới 9.401 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 3,39% lên 4,7% một do nợ xấu của FE Credit tăng.

Một chuyên gia kinh tế - tài chính đưa ra nhận định, dòng vốn tín dụng tiêu dùng chảy vào khu vực bất động sản là một trong những động lực hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục thời gian qua. Tuy nhiên, do cho vay tiêu dùng tăng trưởng "nóng" nên rủi ro xuất hiện.

Nắm bắt được thực trạng này, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng siết chặt việc cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có tín dụng tiêu dùng, nhưng nếu không bóc tách cho vay mua nhà khỏi cho vay tiêu dùng thì việc nợ xấu tăng là khó tránh.

TS. Cấn Văn Lực cho hay, bản chất của hoạt động cho vay mua nhà, sửa nhà khác với cho vay bất động sản, nên không thể đánh đồng với cùng một trọng số rủi ro.

"Vào đầu năm 2019, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản được nâng lên 200% theo quy định Thông tư 19/2017/TT-NHNN, song hệ số rủi ro cho vay mua nhà cần được về mức thấp hơn để tránh bị sai lệch trong cách tính toán về dòng vốn tín dụng bất động sản", ông Lực đề xuất.

Tin bài liên quan