Hợp đồng hợp tác đầu tư là "cái mũ" được một số CTCK đội lên nhiều sản phẩm mới hiện nay - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Hợp đồng hợp tác đầu tư là "cái mũ" được một số CTCK đội lên nhiều sản phẩm mới hiện nay - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Rủi ro khó lường từ hợp đồng hợp tác đầu tư

(ĐTCK-online) Khi tham gia đầu tư chứng khoán, NĐT không chỉ chịu rủi ro từ biến động giá cả của cổ phiếu. Nếu sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính như: ký quỹ (margin), mua bán kỳ hạn (repo), bảo lãnh thanh toán, quyền chọn (option)… dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, NĐT còn phải chịu nhiều rủi ro khác.

>> Sản phẩm option: Khi cơm chẳng lành…

Với 105 CTCK đang hoạt động, hiện nay tình trạng cạnh tranh diễn ra rất khốc liệt. Bên cạnh đó, việc 10 năm chưa có một sản phẩm mới đã khiến không ít CTCK xé rào, tự cho ra đời những nghiệp vụ mới, nhằm cải thiện thanh khoản cho thị trường, gia tăng cơ hội cho NĐT. Hình thức phổ biến để thực hiện các sản phẩm mới là hợp đồng hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, do chưa có quy định từ cơ quan quản lý, nên mỗi CTCK làm một kiểu, tiềm ẩn rủi ro từ thỏa thuận giữa CTCK và NĐT, trong đó bất lợi thuộc về NĐT.

Mới đây, NĐT Trần Anh Tuấn đã phản ánh với ĐTCK về những trúc trắc liên quan đến bản hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCK VNDirect. Ông Tuấn cho biết, ông được giới thiệu về sản phẩm option do VNDirect triển khai. Theo đó, nhân viên của VNDirect đã hướng dẫn ông nộp tiền vào tài khoản số 0001013650 của Nguyễn Thị Minh Hạnh. Trong khi đó, trên hợp đồng hợp tác đầu tư ký giữa bên mua là ông Trần Anh Tuấn, bên bán là bà Lê Thị Thương và bên bảo lãnh là Phạm Thị Hoa (nhân viên VNDirect), chứ không có ai là Nguyễn Thị Minh Hạnh. Ông Tuấn cảm thấy không rõ ràng, nhưng vì có sự hướng dẫn của nhân viên VNDirect nên ông đã làm theo.

Do CTCK và NĐT cách xa nhau nên mọi việc diễn ra qua điện thoại, email. Trong thời gian Công ty chuyển hợp đồng cho ông Tuấn ký thì ông Tuấn đã chuyển tiền để sử dụng dịch vụ trên. Sau khi nhận được hợp đồng, vì nhiều lý do nên ông Tuấn đã không ký. Ông đề nghị VNDirect trả lại số tiền đã nộp 3 lần, với tổng giá trị gần 500 triệu đồng. Vậy nhưng, đến thời điểm này, VNDirect mới hoàn trả cho ông Tuấn 84 triệu đồng.

Theo giải thích của VNDirect, số tiền 84 triệu đồng ông Tuấn nộp vào tài khoản của VNDirect (ông Tuấn cho biết, riêng khoản tiền này, bà Hoa yêu cầu ông nộp như vậy), do chưa phát sinh giao dịch nên Công ty trả lại. Liên quan đến các khoản tiền 64,4 triệu đồng và 351,4 triệu đồng, VNDirect không có bất cứ cơ sở nào để hoàn trả, do ông Tuấn chuyển vào tài khoản của cá nhân khác mở tại VNDirect. Đây được coi là thỏa thuận giữa các cá nhân với nhau và Công ty không chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Tuấn cho biết, ông không hề biết các cá nhân Nguyễn Thị Minh Hạnh, Lê Thị Thương là ai, nên không thể thỏa thuận để đòi lại.

Như vậy, một rủi ro rất lớn ở đây là NĐT đã nộp tiền vào tài khoản của các cá nhân để thực hiện giao dịch một sản phẩm do CTCK đứng ra triển khai. Khi có tranh chấp phát sinh, NĐT sẽ yêu cầu công ty hay cá nhân hoàn trả? Rõ ràng, ở đây, NĐT đã bất lợi nếu không chứng minh được rằng, việc nộp tiền vào tài khoản của các cá nhân là theo hướng dẫn, yêu cầu từ phía CTCK.

Liên quan đến hợp đồng hợp tác đầu tư, trước tình trạng khan hiếm tiền mặt, một số CTCK đã "nghĩ" ra cách huy động tiền nhàn rỗi của NĐT thông qua hình thức hợp đồng này. Theo đó, khách hàng nộp tiền vào tài khoản tại CTCK, cho phép CTCK sử dụng số tiền này, sau một thời gian nhất định, khách hàng sẽ được CTCK trả cả gốc lẫn lãi vào tài khoản. Về bản chất, đây là một hình thức huy động tiền gửi "trá hình". Khách hàng sẽ chịu rủi ro lớn nếu TTCK xấu đi, CTCK cho vay quá mức hoặc sử dụng vào hoạt động tự doanh và không có khả năng thanh toán.

Trao đổi với ĐTCK, một số NĐT cho biết, họ được một CTCK chào sử dụng dịch vụ hợp tác đầu tư chứng khoán, sau đó phân chia lợi nhuận. Theo đó, NĐT góp 20% vốn, CTCK góp 80%. Nếu giá chứng khoán giảm, làm tỷ lệ góp 20% của NĐT giảm xuống, thì NĐT phải bổ sung tài sản để duy trì trạng thái ban đầu. Khi tất toán hợp đồng, nếu có lãi thì NĐT được hưởng và chỉ phải trả phần chi phí cho 80% phần vốn được hỗ trợ. Mặc dù mang tên hợp đồng hợp tác đầu tư, nhưng đây thực chất là hợp đồng cho vay vốn, vì cho dù NĐT lãi hay lỗ thì họ vẫn phải trả khoản phí vay cố định cho CTCK. Lãi thì CTCK không nhận và lỗ thì họ cũng không phải chịu.

"Hợp đồng có 4 trang thì chỉ có trang đầu (có thông tin về các bên tham gia giao dịch) và trang cuối (có chữ ký các bên) đóng dấu giáp lai của CTCK. Hai trang giữa không có dấu nên khi có vấn đề gì người ta có thể thay đổi nội dung hai trang giữa và đóng thêm dấu vào. Thua thiệt sẽ thuộc về NĐT nếu xảy ra tranh chấp", một NĐT có kinh nghiệm tham gia hợp đồng đầu tư cho biết.

Hợp đồng hợp tác đầu tư là "cái mũ" được một số CTCK đội lên nhiều sản phẩm mới hiện nay. Cơ quan quản lý một mặt cần đẩy nhanh việc cho phép CTCK áp dụng các sản phẩm mới, mặt khác cần rà soát lại các hợp đồng hợp tác đầu tư hiện có và có những cảnh báo cần thiết để hạn chế rủi ro cho NĐT.