Ảnh minh họa: Shutter

Ảnh minh họa: Shutter

Rủi ro suy thoái vẫn hiện hữu sau cuộc khủng hoảng ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khu vực đồng euro đã rơi vào suy thoái và dữ liệu kinh tế của Trung Quốc gây thất vọng là những dấu hiệu cảnh báo cho thị trường thế giới.

Benjamin Jones, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Invesco cho biết: “Chúng ta đang hướng tới một cuộc suy thoái và nó thay đổi theo từng khu vực. Có rất nhiều cuộc tranh luận và mức độ tự tin của tôi khá thấp”.

Nguy cơ suy thoái đã giảm xuống hay chưa?

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa nâng triển vọng tăng trưởng năm 2023 khi Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn so với dự báo, mặc dù năm nay vẫn sẽ đánh dấu một trong những năm tăng trưởng chậm nhất trong 5 thập kỷ qua.

Goldman Sachs đã hạ tỷ lệ xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ trong năm tới xuống 25% từ mức 35% trước đó, do căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng đã giảm bớt và thỏa thuận về trần nợ mà họ cho rằng chỉ dẫn đến cắt giảm chi tiêu nhỏ.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện không còn mong đợi một cuộc suy thoái ở Anh trong năm nay. Một cuộc thăm dò của Reuters dự đoán khu vực đồng euro sẽ phục hồi ở mức khiêm tốn.Tuy nhiên, WB dự đoán tăng trưởng năm 2024 sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với dự kiến trước đây do lãi suất cao hơn và tín dụng thắt chặt hơn.

Trong khi đó, một chỉ số của Citigroup cho thấy dữ liệu kinh tế toàn cầu đang mang đến những bất ngờ tiêu cực với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 9.

Chính sách tiền tệ có quá thắt chặt?

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, việc tăng lãi suất hiện đang tác động tới hoạt động cho vay của ngân hàng.

Tăng trưởng cho vay chậm lại trong tháng 4 sau khi các ngân hàng trong quý đầu năm báo cáo nhu cầu cho vay của doanh nghiệp giảm ở mức cao nhất kể từ năm 2008 và các tiêu chuẩn cho vay vẫn ở mức chặt chẽ nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro năm 2011.

Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng khu vực của Mỹ đã phục hồi kể từ tháng 3 và dòng tiền tiết kiệm bị rút ra đã giảm bớt. Tuy nhiên, các ngân hàng đã thông báo về việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay vào cuối quý I, ngay cả trước khi tác động đầy đủ của cuộc khủng hoảng ngân hàng được cảm nhận.

Deutsche Bank lưu ý rằng, trong lịch sử, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách khi mức độ sẵn sàng cho vay được đo lường bằng một chỉ số trong Khảo sát Ý kiến của Cán bộ Cho vay Cấp cao được theo dõi chặt chẽ gần bằng 0. Chỉ số này hiện đang nằm sâu trong mức âm và đây không phải là một dấu hiệu tích cực.

Tình trạng cắt giảm việc làm

Thị trường lao động trên khắp các nền kinh tế phát triển vẫn chặt chẽ, nhưng tình trạng cắt giảm việc làm đang gia tăng.

Theo công ty cung cấp việc làm toàn cầu Challenger, Grey & Christmas, việc cắt giảm việc làm do các nhà tuyển dụng có trụ sở tại Mỹ công bố đã tăng 20% lên 80.089 trong tháng 5.

Nhà cung cấp dịch vụ di động và băng thông rộng lớn nhất của Anh, BT Group cho biết vào tháng trước rằng, họ sẽ cắt giảm tới 55.000 việc làm vào năm 2030, có khả năng là hơn 40% lực lượng lao động. Tập đoàn viễn thông Vodafone có kế hoạch cắt giảm 11.000 việc làm trên toàn cầu trong ba năm tới.

Rủi ro vỡ nợ

Các công ty đang bắt đầu cảm nhận được sự khó khăn do các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn và nguồn tài trợ đắt đỏ hơn. Deutsche Bank dự báo một làn sóng vỡ nợ sắp xảy ra, với đỉnh điểm là vào quý IV/2024. Deutsche Bank cũng dự báo tỷ lệ vỡ nợ cao nhất đối với các khoản vay của Mỹ sẽ gần đạt mức cao kỷ lục là 11,3%.

Tuy nhiên, thị trường dường như ít bận tâm về vấn đề này cho đến nay. Phí bảo hiểm rủi ro đối với trái phiếu rác của Mỹ và châu Âu đã giảm xuống mức đầu tháng 3 sau khi tăng mạnh do tình trạng hỗn loạn của ngân hàng.

Nếu không phải bây giờ, thì bao giờ?

Thị trường hiện không còn kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, khác xa so với kỳ vọng cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 3. Thay vào đó, thị trường đang dự báo lãi suất của Mỹ sẽ giảm xuống còn khoảng 3,9% vào tháng 9/2024, từ mức 5% - 5,25% hiện tại.

Vì vậy, đường cong lợi suất của trái phiếu Kho bạc Mỹ vẫn bị đảo ngược sâu, có nghĩa là chi phí đi vay dài hạn thấp hơn so với chi phí đi vay ngắn hạn, và chỉ ra một tín hiệu suy thoái.

"Nếu đường cong lợi suất tiếp tục đảo ngược, đó có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường tin rằng các đợt tăng lãi suất mạnh hơn dự đoán trước đây sẽ được theo sau bởi các đợt cắt giảm lãi suất sớm hơn và nhanh hơn", Jussi Hiljanen, Giám đốc chiến lược lãi suất châu Âu của SEB cho biết.

Tin bài liên quan