Rủi ro thương mại: Không chỉ là các tranh chấp

(ĐTCK) Những cảnh báo về việc các nhà xuất khẩu không nhận được tiền từ đối tác nhập khẩu ngoại đã liên tục được phát ra trong thời gian gần đây, rủi ro đang tăng lên trong thời kỳ kinh tế thế giới khủng hoảng.

Trong cuộc hội thảo mới đây do Techcombank và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức, các chuyên gia đã cho rằng, rủi ro trong quan hệ thương mại quốc tế không chỉ là rủi ro trong tranh chấp thương mại mà còn phát sinh từ rất nhiều yếu tố khác như giá cả, tiền tệ… Việc siết chặt hơn các điều kiện trong tài trợ thương mại của các ngân hàng cũng khiến chi phí thương mại tăng lên, ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo thống kê của IFC, do khủng hoảng kinh tế, nguồn tài trợ thương mại của các ngân hàng trên toàn cầu đang thiếu hụt khoảng 25 tỷ USD. Nhiều ngân hàng đều đánh giá lại tổng thể rủi ro và đưa ra các tiêu chuẩn thắt chặt hơn trong tài trợ thương mại. Cụ thể, tín dụng được thắt chặt hơn, tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn với thời gian ngắn hơn, phí tín dụng cao hơn…

Theo ông Ricardo Coreces, chuyên gia của IFC, ngân hàng đóng vai trò trung gian quan trọng trong quan hệ thương mại hiện nay, tại Việt Nam, việc siết chặt các điều kiện thương mại này đã xảy ra. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải tính toán các yếu tố trên trong quá trình đàm phán và thực hiện giao dịch.

Còn theo bà Lưu Thị Ánh Xuân, Phó tổng giám đốc Techcombank, những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động thương mại tại Việt Nam chủ yếu là rủi ro giá cả, rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, rủi ro ngoại hối… thể hiện trong nhiều vấn đề như giảm giá hàng hóa, thiếu vốn, lãi suất tăng cao, tỷ giá không ổn định.

Trên thực tế, chỉ cần một đợt tỷ giá tăng cao vào giữa năm, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã gặp khó khăn lớn như không mua được ngoại tệ, hàng nhập về khi quy đổi ra nội tệ thì giá quá cao không bán được. Việc lãi suất tăng nhanh trong thời gian ngắn vào đầu năm ngoái đã khiến nhiều doanh nghiệp không kịp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, buộc phải chấp nhận vay với lãi suất rất cao và chấp nhận lỗ. Giá cả và nhu cầu giảm nhanh, khiến nhiều kế hoạch đầu tư bị đổ bể vì hàng không bán được…

Điều đáng lưu ý hiện nay, theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn có "thói quen" dễ dãi trong điều kiện thanh toán quốc tế. Điều này thể hiện rõ ở việc thiếu kiểm tra uy tín và năng lực tài chính của bạn hàng, chấp nhận những điều kiện thanh toán khá dễ dãi.

Trong các tranh chấp thương mại phát sinh của các doanh nghiệp thủy sản, da giầy..., gần đây đều do những nguyên nhân trên. Do tâm lý muốn bán được hàng, nhiều doanh nghiệp không thẩm định kỹ đối tác nhập hàng, chấp nhận những phương thức thanh toán rủi ro như trả sau, nhờ thu D/A hay D/P, khiến hàng đã xuất mà tiền thì rất khó thu.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong điều kiện thương mại rất nhiều rủi ro hiện nay, các doanh nghiệp khi đàm phán với đối tác ngoại nên chọn phương thức thanh toán có mức độ rủi ro thấp. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu nên chọn phương thức thanh toán qua L/C để đảm bảo khả năng trả tiền của nhà nhập khẩu. Đặc biệt, việc thẩm định uy tín và năng lực khách hàng cũng cần phải chú trọng, các ngân hàng với mạng lưới quan hệ đại lý rộng khắp có thể trở thành một kênh thông tin giúp các doanh nghiệp thẩm định về đối tác của mình.