Cổ đông cần được bảo vệ bằng luật pháp và xử sự đúng mực về quyền lợi của họ - Ảnh: Đức Thanh

Cổ đông cần được bảo vệ bằng luật pháp và xử sự đúng mực về quyền lợi của họ - Ảnh: Đức Thanh

Rủi ro về quản lý trong các doanh nghiệp

Trên TTCK Việt Nam hiện nay đang có những dấu hiệu về những tuyền trưởng - CEO không tốt, có những quyết định mang nặng lợi ích cá nhân.

Trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi mỗi DN ngoài định hướng phát triển đúng đắn, phát huy hết lợi thế của mình, xây dựng hệ thống chuẩn hóa, tuân thủ những quy luật của thị trường…, thì người lãnh đạo có đủ năng lực, tố chất, đặc biệt lòng đam mê và văn hóa, đạo đức lãnh đạo là sức mạnh đóng vai trò không thể thiếu trong việc chèo lái con thuyền DN đi đúng hướng và vươn tới thành công.

Những dẫn chứng dễ nhận thấy cho điều này có thể kể ra là Giám đốc điều hành (CEO) Steve Ballmer của Microsorf, CEO Steve Jobs của Apple, CEO Roberto Goizueta của Cocacola... Đó là những công ty thuộc hàng vĩ đại trên tế giới. Điều đó không có nghĩa là tất cả các CEO khác phải giống như họ, mà để chúng ta thấy một điều rằng, vai trò của CEO quan trọng như thế nào để một công ty có thể phát triển vững mạnh và trở nên vĩ đại. Đằng sau sự thành công đó là nhiệt huyết, kiến thức, kinh nghiệm và hơn cả là đạo đức của người dẫn dắt DN.

Khi mà các cơ hội càng trở nên khan hiếm, rủi ro cao, thách thức đặt ra luôn nhiều hơn thuận lợi, thì người đứng mũi chịu sào, gánh vác những khó khăn, xử lý các vấn đề sống còn của DN không ai khác chính là các CEO. Họ cần phải đưa ra các giải pháp đối phó, thoát khỏi những khó khăn đó và chịu trách nhiệm với quyết định của mình, chứ không thể ngược lại là chùn bước, đùn đẩy trách nhiệm.

Đối với một DN cổ phần hóa thì đây là vấn đề các cổ đông luôn quan tâm, vì nó có thể làm cho giá trị cổ phiếu của họ trở thành tờ giấy có giá trị rất cao hoặc ngược lại, thậm chí đơn thuần chỉ là tờ giấy lộn. Vấn đề này càng khó giải quyết khi mà người lãnh đạo lúc này không còn là người chịu thiệt hại lớn nhất nữa, mà người gánh chịu hậu quả là các cổ đông của công ty.

Khi một con thuyền ra khơi, người thuyền trưởng là quan trọng nhất, ông ta là người điều hành trực tiếp con tàu, đưa ra những quyết định tức thời và có tác động rất lớn tới hướng đi và cả vận mệnh của con tàu khi biển bình yên cũng như lúc có bão táp và sóng dữ. Một người thuyền trưởng tốt là người  thường xuyên quan tâm theo dõi tình trạng của con tàu, đảm bảo sự an nguy cho người trên tàu trước khi tính tới sự an nguy của mình, người rời bỏ con tàu cuối cùng khi cần thoát chạy. Ngược lại, họ có thể để cho người khác thay mình điều khiển con tàu để nghỉ ngơi, là người bỏ chạy đầu tiện khi biết có chuyện không hay xảy ra và để cho những người khác tự đối phó với sóng dữ.

Người lãnh đạo DN cũng giống như người thuyền trưởng. Vậy cái gì sẽ quyết định đến việc người thuyền trưởng là người cuối cùng ra đi hay là người bỏ mặc tất cả để bảo đảm cho tính mạng của mình. Đó chính là văn hóa lãnh đạo.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và các DN như những con thuyền nhỏ ra biển lớn. Đối mặt với nhiều thách thức sóng to gió lớn, để tồn tại và phát triển tốt thì người lãnh đạo cần phải là những người thuyền trưởng tốt.

Trên TTCK Việt Nam hiện nay đang có những dấu hiệu về những tuyền trưởng - CEO không tốt, có những quyết định mang nặng lợi ích cá nhân. Vì vậy, cổ đông cần được bảo vệ bằng luật pháp và xử sự đúng mực về quyền lợi của họ. Cùng với đó là văn hóa lãnh đạo cần được xây dựng như là một nền tảng niềm tin lớn cho nhà đầu tư và toàn xã hội.

Chúng ta đã có những doanh nhân lớn như Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch VPL Phạm Nhật Vượng hay doanh nhân đầy tâm huyết với thương hiệu cafe quốc gia Đặng Lê Nguyên Vũ... Việt Nam đang cần hơn nữa những người như thế và cùng với đó là cả một văn hóa lãnh đạo để các DN Việt Nam có thể sánh ngang tầm thế giới.