Sẵn sàng thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được nhiều nền kinh tế thực hiện ngay từ năm 2024.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Việt Nam cam kết thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, bảo vệ quyền đánh thuế, đồng thời tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thuế suất thấp, cộng thêm nhiều ưu đãi miễn, giảm thuế là thỏi nam châm hút FDI của Việt Nam. Khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu thì lực hút này đã bị trung hòa, sẽ tác động thế nào đến thu hút FDI của Việt Nam, thưa ông?

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS), hiện có 143 thành viên và Việt Nam là thành viên thứ 100 kể từ năm 2017. Việt Nam tham gia BEPS khá sớm so với nhiều nền kinh tế, cho thấy chúng ta sẵn sàng thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất, bắt buộc tất cả các thành viên phải tuân thủ là 15% và được áp dụng đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu euro trở lên.

Là một trong những nền kinh tế thu hút vốn FDI nhiều nhất trong khu vực, nên việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu liên quan trực tiếp đến các chính sách ưu đãi thuế, đặc biệt là miễn, giảm thuế. Trước mắt, ngay từ năm 2024, các đối tác đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông thực hiện ngay mức thuế tối thiểu. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam đến từ các nền kinh tế này đủ điều kiện để áp thuế tối thiểu nếu đang được hưởng ưu đãi thuế tại Việt Nam với mức thuế thấp hơn 15% sẽ phải nộp đủ số thuế tại “chính quốc”. Như vậy, việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu không chỉ tác động đến thu hút FDI, mà còn tác động đến thu ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm, giải quyết vấn đề an sinh xã hội...

Việt Nam đã có những giải pháp nào để thích ứng với hoàn cảnh mới?

Như tôi đã nói, Việt Nam tham gia BEPS từ khá sớm, nghĩa là chúng ta đã sẵn sàng cho sân chơi mới, hoàn cảnh mới, điều kiện mới trong việc thu hút FDI. Là cơ quan được giao quản lý thu ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế theo dõi sát diễn biến của các nước áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhất là các đối tác đang là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Ở tầm vĩ mô, ngay từ tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Về phía ngành tài chính, vào tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt. Trung tuần tháng 3/2023, Bộ Tài chính đã có báo cáo sơ bộ đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Tổng cục Thuế là đơn vị được Bộ Tài chính giao nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Mới đây, chúng tôi đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp có khả năng chịu sự tác động bởi thuế suất tối thiểu toàn cầu. Tổng cục Thuế đang theo dõi tình hình triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu của các nước, bao gồm cả những nền kinh tế có doanh nghiệp đầu tư trực vào Việt Nam và cả những nền kinh tế nhận đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp chịu sự tác động bởi thuế suất tối thiểu toàn cầu, nghiên cứu hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về thuế suất tối thiểu toàn cầu để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, quyết định việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam cho phù hợp, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam.

Như vậy là Tổng cục Thuế đã chủ động với thuế tối thiểu toàn cầu?

Trong khung khổ chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã có tờ trình, báo cáo đánh giá tác động trực tiếp cả trước mắt cũng như lâu dài khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu đối với hoạt động thu hút FDI. Từ các báo cáo, phân tích, đánh giá này, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các luật khác có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, với tinh thần bảo đảm ổn định môi trường đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư lớn, đồng thời thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam đối với dự án FDI tại Việt Nam, cũng như dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp FDI, đồng thời phải tuân thủ quy định chung về thuế tối thiểu toàn cầu.

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam hiện tại là 20%, tức là cao hơn mức thuế suất tối thiểu toàn cầu, đây cũng không phải là mức thuế thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đầu tư nếu đủ điều kiện sẽ được hưởng các chính sách miễn thuế, giảm thuế; miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư; cho phép khấu hao nhanh... Vì vậy, mức thuế thực tế đối với các doanh nghiệp FDI trong thời gian ưu đãi trung bình vào khoảng 12,3%, tức là thấp hơn không đáng kể so với mức thuế tối thiểu toàn cầu.

Có nghĩa, Việt Nam không phải là “thiên đường thuế”, thưa ông?

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nên rất mong muốn thu hút vốn FDI, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, công nghệ cao. Theo đó, cần phải có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ...

Xác định nguồn lực bên ngoài, doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá, nhưng Việt Nam không phải là “thiên đường thuế”, mà các chính sách ưu đãi về thuế cũng như ưu đãi khác đều nhằm mục đích tạo công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Trong hoàn cảnh mới, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW cũng như Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Việt Nam phải thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo môi trường đầu tư cạnh tranh, đủ để tiếp tục thu hút dự án lớn, công nghệ cao, hỗ trợ các đối tác mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, cũng cần có các ưu đãi khác thay vì ưu đãi thuế như hiện nay, nhưng phải bảo đảm không vi phạm các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Tin bài liên quan