Sân vận động Chi Lăng ở Đà Nẵng từng bị “xẻ thịt” giờ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
100 ngôi nhà tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) là tài sản kê biên trong vụ án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đã và đang được khẩn trương tháo dỡ.
Các ngôi nhà kề Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng đang được tháo dỡ để bàn giao mặt bằng sạch cho cơ quan có thẩm quyền. Ảnh: P.V

Các ngôi nhà kề Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng đang được tháo dỡ để bàn giao mặt bằng sạch cho cơ quan có thẩm quyền. Ảnh: P.V

Nhiều ngôi nhà trên đường Lê Duẩn, Ngô Gia Tự, Hùng Vương và Chi Lăng, Đà Nẵng (kề Sân vận động Chi Lăng, thuộc Dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng sân Chi Lăng) đã và đang được tháo dỡ để phục vụ công tác thi hành án liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, Cục Thi hành Án dân sự TP. Đà Nẵng là đơn vị bảo quản, xử lý tài sản quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng sân Chi Lăng theo lệnh kê biên tài sản số 06 ngày 21/8/2014 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an để bảo đảm thi hành bản án số 30 năm 2017 của TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Tuy nhiên, dù hạn cuối cùng các hộ dân đang thuê tạm để kinh doanh, buôn bán phải bàn giao là ngày 10/4, nhưng đến nay, việc tháo dỡ, bàn giao này vẫn chưa hoàn tất.

Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, Dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng sân Chi Lăng được UBND TP. Đà Nẵng thực hiện thu hồi đất từ năm 2010. Đến năm 2011, UBND TP. Đà Nẵng tiếp tục phê duyệt Phương án đền bù, giải tỏa. Dự án này có 100 hồ sơ. Trong các năm 2012 và 2013, UBND quận Hải Châu đã di dời, giải tỏa 74/100 hồ sơ.

“Trong thời gian chờ thực hiện Dự án, UBND TP. Đà Nẵng có chủ trương cho UBND phường Hải Châu 2 và các hộ thuê lại kinh doanh. Để triển khai thu hồi đất, bàn giao cho Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng theo bản án của Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. HCM, đến nay, UBND quận Hải Châu đã bàn giao cho Cục Thi hành án TP. Đà Nẵng 82/100 hồ sơ. Những hộ tiếp theo chúng tôi tiếp tục vận động bàn giao”, ông Thạnh nói.

Theo ông Thạnh, trong quá trình bàn giao, nhiều hộ dân có tháo dỡ, thu hồi tài sản của mình. Việc này được sự thống nhất của Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng, UBND quận Hải Châu đã cùng với UBND phường Hải Châu 2 giám sát thực hiện. “Tuy nhiên, việc tháo dỡ ảnh hưởng nhiều đến môi trường, cảnh quan khu vực, cũng như an ninh trật tự tại địa phương”, ông Thạnh nói và cho biết, UBND quận Hải Châu đã chỉ đạo Công an quận, cùng với phường Hải Châu 2 phối hợp quản lý việc này.

Tiến trình vụ việc liên quan đến Sân vận động Chi Lăng

Năm 2010, Sân vận động Chi Lăng được Đà Nẵng bán cho Tập đoàn Thiên Thanh (lúc này do ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT) để xây dựng Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng. Thay vì triển khai Dự án, Sân vận động Chi Lăng lại được chia thành 14 lô và đã cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh.

Năm 2013 và 2014, các công ty này thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng. Ngày 29/7/2014, Phạm Công Danh, nguyên Chhủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số lãnh đạo VNCB và Tập đoàn này bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Năm 2016 và 2017, Phạm Công Danh và các bị cáo được đưa ra xét xử tại TAND các cấp. Bản án hình sự phúc thẩm số 30/2017/HSPT của TAND cấp cao tại TP. HCM đã tuyên giữ nguyên toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm (số 332/2016/HSST) của TAND TP. HCM. Nhiều tài sản là bất động sản của Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh được yêu cầu kê biên, đảm bảo thi hành án, trong đó có Sân vận động Chi Lăng.

Ngày 26/4/2018, Cục Thi hành án dân sự TP. HCM ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng, thi hành án bản của Phạm Công Danh và đồng phạm, xử lý tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực Sân vận động Chi Lăng. Tuy nhiên, việc thi hành án đối với Sân vận động Chi Lăng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý.

Tài sản thế chấp là 10 lô đất trong Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng. Nhưng theo Luật Đất đai 2003, Khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng thuộc diện đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nên thời hạn sử dụng đất có thời hạn. Trong khi đó, 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại dự án này được cấp năm 2011 với thời hạn sử dụng đất lâu dài là vi phạm pháp luật đất đai về thời hạn sử dụng đất. Căn cứ kết luận của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng phải thu hồi những sổ hồng này để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất phù hợp với quy định…

Khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng mới được phê duyệt sơ đồ ranh giới, chưa được lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết nên người nhận chuyển nhượng cũng không thể sử dụng đất vì việc sử dụng đất bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch. Điều này dẫn tới việc các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản và làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án khó thực hiện.

Tin bài liên quan