Sản xuất “xanh”: Đến lúc phải hành động

Sản xuất “xanh”: Đến lúc phải hành động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, việc chuyển đổi sang sản xuất “xanh”, bền vững không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà chính là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.

Sản xuất bền vững trở thành yếu tố mang tính quyết định

Ông Hoàng Thành, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam
Ông Hoàng Thành, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam

Người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là EU và Mỹ, rất nhạy cảm với các hình ảnh truyền thông đưa tin về các sản phẩm thủy sản. Cụ thể, hình ảnh cá tra Việt Nam đã bị ảnh hưởng tiêu cực tại EU và Mỹ do các báo cáo và chiến dịch truyền thông tiêu cực.

Để nâng cao hình ảnh và niềm tin của người tiêu dùng vào mặt hàng thủy sản Việt Nam, sản xuất bền vững trở thành yếu tố mang tính quyết định, có xem xét đến an toàn thực phẩm, sức khỏe vật nuôi, giá cả và chất lượng, tính truy xuất nguồn gốc, sự bền vững về môi trường và xã hội. Đồng thời, các đơn vị bán lẻ tại châu Âu đang sử dụng các chương trình chứng nhận như là một biện pháp để bảo đảm chất lượng thủy sản đối với người tiêu dùng.

Việc tích hợp sản xuất và tiêu dùng bền vững phải đạt được một cách toàn diện, thông qua việc bảo đảm tính bền vững của từng khâu trong chuỗi cung ứng. Tính bền vững của sản phẩm thủy sản phải được bảo đảm, cấp chứng nhận độc lập với tính có thể truy xuất nguồn gốc và truyền thông tới người tiêu dùng thông qua các chiến dịch truyền thông, tiếp thị hiệu quả để xây dựng một hình ảnh đáng tin cậy về thủy sản Việt Nam.

Các nỗ lực này đang trở nên ngày càng quan trọng để bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Các nhà đầu tư đánh giá rủi ro khí hậu trước khi cam kết tài trợ

Ông Martin Lim, Giám đốc dự án, Văn phòng Bền vững và phục hồi, Surbana Jurong
Ông Martin Lim, Giám đốc dự án, Văn phòng Bền vững và phục hồi, Surbana Jurong

Các ngân hàng trung ương và các cơ quan giám sát khác hiện coi biến đổi khí hậu là một rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Điều này đã dẫn đến việc thành lập Tổ Công tác công khai tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD) vào năm 2015 và Mạng lưới các ngân hàng trung ương và giám sát viên đối với hệ thống tài chính xanh (NGFS) vào năm 2017. Cả hai đều quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nhận thức liên quan đến khí hậu, rủi ro quản lý và minh bạch.

Hiện tại, hơn 1.500 tổ chức trên toàn cầu, bao gồm hơn 1.340 công ty với vốn hóa thị trường 12.600 tỷ USD và các tổ chức tài chính chịu trách nhiệm về tài sản 150.000 tỷ USD hỗ trợ TCFD.

Mặc dù không được luật pháp quy định, nhiều nhà quản lý tài sản lớn và chủ sở hữu tài sản vẫn yêu cầu và khuyến khích các công ty được đầu tư tích hợp các rủi ro liên quan đến khí hậu vào các quy trình quản lý rủi ro hiện tại.

Các tài sản cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, cầu cống và các tiện ích quan trọng khác đòi hỏi khối lượng lớn vật liệu để xây dựng; quá trình xây dựng kéo dài trong nhiều năm, thường là nhiều thập kỷ và tác động đến các cộng đồng xung quanh khá lớn. Do đó, các nhà đầu tư và nhà tài trợ cho các tài sản này có thể dựa vào một hệ thống đáng tin cậy để đánh giá rủi ro khí hậu trước khi cam kết tài trợ cho sự phát triển của chúng.

Đầu năm nay, Surbana Jurong Group đã định giá thành công một trái phiếu liên kết bền vững trị giá 250 triệu đô-la Singapore sẽ đáo hạn vào năm 2031 theo chương trình phát hành nợ đa tiền tệ trị giá 1 tỷ USD. Đây là trái phiếu liên kết bền vững bằng đồng đô-la Singapore đầu tiên và là đợt phát hành trái phiếu liên kết bền vững công khai đầu tiên từ một công ty có trụ sở tại Đông Nam Á.

Nếu các mục tiêu bền vững không được đáp ứng, Surbana Jurong cam kết trả cho các nhà đầu tư khoản thanh toán phí bảo hiểm là 0,75% số tiền mua lại khi đáo hạn. Trái phiếu được phát hành theo Khuôn khổ Tài chính bền vững mới được thành lập, được hướng dẫn bởi Nguyên tắc Trái phiếu liên kết bền vững (2020) do Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế phát triển.

Nông sản nhập khẩu vào Mỹ, châu Âu sẽ phải đảm bảo trong quá trình sản xuất không làm tổn hại đến môi trường

TS. Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends
TS. Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends

Chống biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu trong gói chính sách phát triển bền vững tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các nước phát triển. Chính phủ Mỹ, EU và Anh hiện đang trong quá trình soạn thảo các quy định, theo đó, hàng hóa nông sản nhập khẩu vào các thị trường này trong tương lai phải đảm bảo trong quá trình sản xuất không làm tổn hại đến môi trường như không gây mất rừng, không ảnh hưởng tới nguồn đa dạng sinh học... Dự kiến, các quy định mới này sẽ có hiệu lực vào năm 2023.

Các mặt hàng của Việt Nam như cà phê, cao su, đồ gỗ... xuất vào những thị trường này không chỉ cần đáp ứng đầy đủ cam kết trong các hiệp định, mà còn phải tuân thủ các yêu cầu mới. Đây là một thách thức rất lớn cho nhiều công ty, đặc biệt là các công ty có quy mô nhỏ với các chuỗi cung ứng phức tạp, lệ thuộc vào mạng lưới tư thương trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào.

Tuân thủ các quy định của thị trường xuất khẩu, bao gồm các quy định về môi trường và xã hội, là yêu cầu bắt buộc đối với các công ty tham gia xuất khẩu. Điều này đòi hỏi các công ty hiểu rõ yêu cầu của thị trường, hiểu rõ chuỗi cung ứng hiện tại của mình, thay đổi và điều chỉnh chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng với toàn bộ yêu cầu thị trường.

Môi trường chính sách hiện nay nên thay đổi theo hướng thực chất và cụ thể hơn, nhằm khuyến khích việc hình thành các liên kết giữa công ty chế biến xuất khẩu và các hộ sản xuất.

Đầu tư vào quá trình chuyển dịch năng lượng mang lại lợi nhuận gấp 3 - 8 lần khoản đầu tư ban đầu

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID

Bên cạnh việc đóng góp vào quá trình hạn chế phát thải và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, việc chuyển dịch sang năng lượng carbon thấp còn mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế, môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng. Theo đó, đầu tư vào quá trình chuyển dịch năng lượng được ước tính sẽ mang lại lợi nhuận gấp từ 3 - 8 lần so với khoản đầu tư ban đầu. Tương tự, việc chính phủ đầu tư vào năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ tạo ra gấp 3 lần việc làm so với việc chi tiêu cho nhiên liệu hóa thạch…

Nhận thức được các mối liên kết và lợi ích này, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và các nước khác trong khu vực châu Á đã thực hiện nhiều nỗ lực phục hồi xanh qua các gói kích thích như Green Deal (kế hoạch hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và năng lượng tái tạo) của Hàn Quốc, Chương trình Green Green Green Program của Philippines, với mục tiêu giúp các thành phố trở nên đáng sống và bền vững hơn.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, nhu cầu cơ sở hạ tầng của châu Á giai đoạn 2016 - 2030 sẽ vượt 26.000 tỷ USD, bao gồm 14.700 tỷ USD cho lĩnh vực năng lượng, 8.400 tỷ USD cho lĩnh vực giao thông…

Nhu cầu khổng lồ này, kết hợp với chính sách tiền tệ nới lỏng và các gói kích thích tài khóa lớn, khiến việc đầu tư vào các dự án giảm lượng khí thải carbon và đảm bảo tương lai dài hạn bền vững trở thành một lựa chọn khôn ngoan hơn cho khu vực.

Tin bài liên quan