Sáng tạo ra cổ phiếu “ảo” VSOP, ITD có sai?

Sáng tạo ra cổ phiếu “ảo” VSOP, ITD có sai?

(ĐTCK) Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu thưởng ESOP đã có trong luật dịnh, Ban lãnh đạo ITD còn xây dựng chương trình thưởng cổ phiếu "ảo" VSOP (Virtual Stock Options Program). Điều này khiến cổ đông ITD lo ngại do việc thưởng cổ phiếu VSOP chưa được đề cập trong các văn bản pháp luật liên quan.

Theo quy chế hoạt động của CTCP Công nghệ Tiên Phong (mã ITD - sàn HOSE), Tổng giám đốc sẽ đề xuất chương trình VSOP khi lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong năm đó đạt từ 12% trở lên. Ông Lâm Thiếu Quân - Tổng giám đốc ITD cho biết, ITD và các công ty con đã áp dụng cả 2 chương trình ESOP và VSOP từ năm 2005.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, một trong những công ty con có vốn góp lớn nhất của ITD là CTCP Kỹ thuật điện Toàn Cầu (mã GLT - sàn HNX) đã áp dụng chương trình VSOP. Cụ thể, Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018 của GLT đã thông qua chương trình VSOP với tỷ lệ 2,5% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Theo báo cáo hợp nhất, ROE của GLT đạt 37,1% tính đến ngày 31/3/2018 (ngày kết thúc năm tài chính 2017). Tuy vậy, doanh thu và lợi nhuận 2017 của GLT không có sự tăng trưởng, giảm lần lượt 25% và 7% so với năm 2016.

Như vậy, theo cách tính trên, chỉ cần mức ROE từ 12% trở lên thì năm nào Ban lãnh đạo ITD cũng có thể đề xuất thưởng cổ phiếu "ảo". Chi phí cho VSOP nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào EPS, mà không phụ thuộc vào sự tăng trưởng của Công ty, hay mức độ hoàn thành kế hoạch năm.

 "Năm 2017, tổng giá trị phát hành VSOP của ITD chỉ là 140 triệu đồng. Trước đó, dựa trên kết quả kinh doanh năm 2016, ĐHCĐ năm 2017 đã thông qua chương trình VSOP với tỷ lệ 2%, tương ứng 381.265 cổ phiếu 'ảo', dành cho 22 người thuộc Ban quản trị và Ban điều hành Công ty. Vì vậy, cổ đông không nên lo ngại việc chi phí VSOP quá cao", ông Lâm nói.

Theo cổ đông Phạm Văn Hải, tuy giá trị phát hành không lớn, nhưng cơ sở pháp lý của chương trình VSOP là vấn đề gây lo ngại, vì không thể tìm thấy thông tin về cổ phiếu "ảo" trong Luật Chứng khoán hay Luật Doanh nghiệp. Hơn nữa, cổ đông này cho rằng, việc ITD áp dụng cả 2 chương trình ESOP và VSOP gây ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông.

Nhìn vào Báo cáo tài chính 2017 của ITD, mục chi phí khác chỉ thể hiện con số tổng hợp, phần thuyết minh cũng không nêu rõ chi phí dành cho VSOP. Tại Đại hội, một cổ đông khác kiến nghị, ITD phải có báo cáo và con số cụ thể về chi phí thưởng cổ phiếu "ảo" của từng năm.

Trước các chất vấn của cổ đông, ông Lâm giải thích, việc triển khai chương trình VSOP là sự sáng tạo của ITD và được quy định rõ ràng trong quy chế của Công ty. 

"ESOP tuy là hình thức thưởng, nhưng nhân viên vẫn phải bỏ tiền thì mới được sở hữu cổ phiếu. Mặt khác, lý do mà ITD thêm chương trình VSOP vì HĐQT chỉ được trả thù lao, chứ không được thưởng khi vượt kế hoạch năm, trong khi thành viên HĐQT là người có ảnh hưởng, có kinh nghiệm, nếu thù lao quá thấp sẽ rất khó để giữ chân họ", ông Lâm nói và cho biết thêm, VSOP là chương trình thưởng cổ phiếu rất phổ biến ở Mỹ và châu Âu.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về chương trình VSOP, ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc điều hành Khối Tài chính doanh nghiệp CTCK TP.HCM (HSC) cho biết, hình thức thưởng cho các nhân viên cấp cao của doanh nghiệp ở mỗi nước sẽ có sự khác nhau. Việt Nam đang áp dụng ESOP và thưởng trên phần vượt kế hoạch. Bắc Mỹ thì phổ biến là Stock Options (thưởng cổ phiếu) và Options Award (thưởng quyền mua cổ phiếu), một số công ty đa quốc gia trụ sở ở nước ngoài có công ty con tại Việt Nam như Prudential, AIA... cũng áp dụng những chương trình này cho những nhân viên ở Việt Nam.

"Tại nước ngoài, chi phí thưởng cho các loại hình thưởng hầu hết được hạch toán từ chi phí nhân sự hay chi phí quản lý doanh nghiệp. Còn tại Việt Nam, chi phí thưởng được lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế, tức trả thuế trước rồi mới tính đến trả thưởng. Tuy nhiên, chính sách thuế và chu trình kiểm toán của nước ngoài phức tạp và chặt chẽ hơn nhiều", ông Bích nói và cho biết thêm, chính sách thuế và kiểm toán của Việt Nam mới chỉ tập trung vào ESOP, còn với các hình thức thưởng khác chưa rõ ràng. Việc luật định không theo kịp các hình thức mới và chưa có phương án xử lý cụ thể khiến doanh nghiệp ngại áp dụng. Ngoài ra, thời gian để sửa đổi hay chờ chính sách mới cũng rất lâu.

Theo quy chế của ITD, năm 2018 Công ty không đề xuất VSOP, vì ROE năm 2017 chỉ đạt 10,04%. Giả sử, năm nay, ITD hoàn thành kế hoạch đạt 33.5 tỷ đồng lãi sau thuế và vốn chủ sở hữu không tăng, thì ROE sẽ chỉ là 9,94%. Như vậy, để phát hành VSOP năm 2019, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của ITD phải đạt tối thiểu 40,4 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch đề ra. 

VSOP là chương trình thưởng theo giá trị gia tăng của cổ phiếu và là một phần trong chính sách đãi ngộ dành cho nhân viên cấp cao của ITD. Theo quy chế của ITD, Tổng giám đốc sẽ đề xuất chương trình VSOP khi lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong năm đó đạt từ 12% trở lên và tổng lượng cổ phiếu "ảo" thưởng cho các cán bộ chủ chốt không quá 3% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá trị của một cổ phiếu "ảo" bằng lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) ở thời điểm chọn bán.

Đáng chú ý, cổ phiếu ảo chỉ có hiệu lực trong 2 năm và mỗi năm người được hưởng phải chọn bán tối thiểu 50% lượng cổ phiếu ảo đang nắm giữ. Ngoài ra, cổ phiếu ảo không đem lại quyền hưởng cổ tức và các quyền khác như ở cổ phiếu phổ thông. HĐQT Công ty sẽ hủy bỏ việc chọn bán nếu Công ty gặp khó khăn, hoặc cá nhân rời khỏi Công ty hay bị kỷ luật…

Sự khác biệt lớn nhất giữa ESOP và VSOP đó là chi phí phát hành. Với ESOP, chi phí lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế năm trước, còn với VSOP thì tính vào chi phí hoạt động (mục chi phí khác) của Công ty trong năm đó.

Tin bài liên quan