Việc sáp nhập sẽ giúp thương hiệu Xi măng Hà Tiên chiếm lĩnh một thị trường xây dựng lớn ở Nam Bộ.

Việc sáp nhập sẽ giúp thương hiệu Xi măng Hà Tiên chiếm lĩnh một thị trường xây dựng lớn ở Nam Bộ.

Sáp nhập HT1 vào HT2: Mấu chốt là tỷ lệ đổi cổ phiếu

(ĐTCK-online) Theo dòng lịch sử, Nhà máy Xi măng Hà Tiên được thành lập năm 1964 với dây chuyền cung cấp clinker ở Kiên Giang và trạm nghiền xi măng tại Thủ Đức. Năm 1981, Nhà máy tách ra thành Nhà máy xi măng Kiên Lương và Nhà máy xi măng Thủ Đức.

Đến năm 1983, hai nhà máy này sáp nhập lại trước khi tách thành hai vào năm 1993, tạo thành Nhà máy xi măng Hà Tiên 2 ở Kiên Giang và Nhà máy xi măng Hà Tiên 1 ở Thủ Đức. Trong đó, Hà Tiên 2 có dây chuyền đồng bộ, sản xuất clinker và xi măng; còn Hà Tiên 1 là trạm nghiền xi măng, mua clinker từ bên ngoài. Hiện tại, hai nhà máy này hoạt động dưới hình thức CTCP với tên gọi CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) và CTCP Xi măng Hà Tiên 2 (HT2), đều là thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng (VICEM). Với chiến lược dài hạn là thống nhất thương hiệu VICEM, Tổng công ty đang muốn sáp nhập hai công ty này thành CTCP Xi măng Hà Tiên 1. Phương án mà nhà tư vấn đưa ra là HT1 sẽ phát hành thêm cổ phần, đổi lấy số cổ phiếu đang lưu hành của HT2 theo tỷ lệ 1:1.

 

HT1 lợi hơn

HT1 là công ty được lợi hơn khi mà sự sáp nhập sẽ đem lại cho HT1 báo cáo tài chính lành mạnh hơn, dòng tiền tốt hơn.

Hiện HT1 đang đứng trước nguy cơ gặp khó khăn trong năm tới khi Nhà máy Bình Phước đi vào hoạt động. Sẽ là rất khó để một nhà máy mới đi vào hoạt động đạt công suất thiết kế ngay trong năm đầu tiên, bởi một lượng cung lớn (2,2 triệu tấn xi măng/năm) khó được thị trường hấp thụ hết. Nếu Nhà máy Bình Phước, tổng vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng, không hoạt động hết công suất thì trong ngắn hạn, lợi nhuận HT1 sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí khấu hao và chi phí tài chính. Bảng cân đối kế toán của HT1 trở nên rủi ro khi tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) quá cao (gần 5 lần). Ngoài ra, tiền thu được từ hoạt động kinh doanh khó có thể đủ để vừa chi trả nợ gốc vay, lãi vay cũng như tài trợ cho vốn lưu động.

Trong khi đó, HT2 là doanh nghiệp có khả năng sinh lời tốt (tỷ suất lợi nhuận sau thuế khoảng 12%, trong khi HT1 chỉ khoảng 7%), bảng cân đối lành mạnh (D/E khoảng 1,1 lần), cũng như có dòng tiền dồi dào (tiền và tương đương tiền khoảng 200 tỷ đồng). Hơn nữa, HT2 là doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt trong dài hạn khi các dự án tăng năng lực sản xuất vẫn đang được đầu tư và thị trường tiêu thụ vẫn tốt.

Như vậy, đứng trên góc độ của HT1, thì việc sáp nhập sẽ là sự trợ giúp cho Công ty trong thời điểm khó khăn trong năm sau, khi mà rủi ro về thị trường dẫn đến lợi nhuận bị thu hẹp và khó khăn về dòng tiền.

 

Cổ đông HT2 phản đối

Trong ngắn hạn, việc sáp nhập không mang lại cho HT2 nhiều lợi ích, mà cổ đông HT2 cũng không thấy được sự cộng hưởng rõ ràng của Công ty sau khi được sáp nhập. Không những thế, việc bộ máy quản lý trở nên cồng kềnh hơn, cộng với việc thay đổi thương hiệu cũng khiến cho nhiều cổ đông e ngại về tính hiệu quả trong việc cạnh tranh của Công ty ngay sau sáp nhập. Một điều dễ nhận thấy sự cộng hưởng qua việc sáp nhập, đó là HT2 sẽ cung cấp clinker cho HT1, qua đó tăng sự ổn định về nguyên liệu đầu vào, cũng như giảm chi phí giá vốn cho HT1. Tuy nhiên, với công suất thiết kế hiện tại là 900.000 tấn clinker/năm và 1.000.000 tấn xi măng/năm, lượng clinker dư thừa của HT2 cho HT1 là không nhiều. Sự tương hỗ chỉ xảy ra khi dây chuyền Kiên Giang 2.2 của HT2 hoàn thành vào năm 2011, với công suất thiết kế là 1.260.000 tấn clinker/năm và 600.000 tấn xi măng/năm.

 

Thành công hay thất bại?

Với những gì đã trình bày ở trên thì mức đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 mà nhà tư vấn đưa ra khó có thể coi là hấp dẫn đối với cổ đông HT2, nhất là khi giá thị trường của 2 cổ phiếu là tương đối ngang bằng. Với chiến lược trong dài hạn của VICEM là thống nhất thương hiệu, sự sáp nhập nhiều khả năng sẽ thành công, tất nhiên là với mức trao đổi cao hơn, hấp dẫn hơn với cổ đông HT2. Nhưng nếu trong trường hợp xấu nhất là sáp nhập thất bại, việc định hướng cho HT1 và HT2 trở thành những công ty mạnh nhất ở 2 vùng tương đối riêng biệt là Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cũng là một kết quả tốt đẹp và hợp lý của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam.