Thị trường vừa có nhịp hồi mạnh mẽ sau giai đoạn rơi sâu vì bão margin call.

Thị trường vừa có nhịp hồi mạnh mẽ sau giai đoạn rơi sâu vì bão margin call.

Sau bão bán giải chấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự hoảng loạn, sợ mất vốn, quy trình xử lý không chuyên nghiệp cộng với cho vay định giá cao cổ phiếu của một vài công ty chứng khoán đã đẩy thị trường vào vòng xoáy giảm giá do bán giải chấp mới đây.

Hoảng và cắt

Một lãnh đạo doanh nghiệp cho biết: “Khi nhận được thông báo bán cổ phiếu giải chấp, chúng tôi liên hệ với nhân viên môi giới phụ trách tài khoản để đề nghị nộp thêm tiền, tăng tài sản đảm bảo nhưng không được, cổ phiếu đã bị bán ngay sau khi thông báo. Chúng tôi phải đến tận công ty chứng khoán làm việc thì được biết bộ phận quản trị rủi ro từ Hồng Kông sang quyết định việc này và bên môi giới không giúp gì được. Chúng tôi đề xuất nộp thêm tiền mới chỉ kịp ngăn công ty chứng khoán bán một phần nhỏ trong số lượng cổ phiếu mà họ định giải chấp”.

Công ty chứng khoán trong câu chuyện này Mirae Asset Việt Nam, công ty có đến gần 20 thông báo bán giải chấp cổ phiếu của người nội bộ/lãnh đạo doanh nghiệp vừa qua, trong đó có liên quan đến 3 cổ phiếu nóng bị bán giải chấp khối lượng lớn, giá giảm sâu là NVL, PDR và HPX.

Theo hợp đồng khung, “lệnh gọi yêu cầu ký quỹ bổ sung là yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo được công ty chứng khoán gửi đến khách hàng vào bất kỳ thời điểm nào khi tài sản đảm bảo của khách hàng bị sụt giảm do giá chứng khoán giảm (có thể do các nguyên nhân từ tổ chức phát hành: trả cổ tức, phát hành thêm, thưởng cổ phiếu, chốt quyền…) hoặc do chứng khoán trong tài khoản của khách hàng bị loại khỏi danh mục chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ theo quy định".

Trong đợt sụt giảm vừa qua của thị trường chứng khoán, không ít lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu do công ty chứng khoán loại chứng khoán khỏi danh mục ký quỹ hoặc giảm tỷ lệ cho vay, dẫn đến giá trị ký quỹ bổ sung rất lớn, thậm chí phải trả lại toàn bộ vốn vay khiến bên vay không kịp xoay vốn nộp vào tức thời.

Một số công ty chứng khoán thông báo cắt margin có hiệu lực ngay trong ngày như cách cưỡng chế bán cổ phiếu margin để thu hồi vốn, điều này đẩy thị trường vào trạng thái mất thanh khoản, nhất là khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu bất động sản.

Vốn vay margin là vốn phục vụ nhu cầu giao dịch chứng khoán ngắn hạn. Không ít lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn này liên tục trong thời gian dài và chỉ phải trả lãi vay.

Nhưng một điểm quan trọng là theo thông lệ bình thường, ngay cả khi công ty chứng khoán đánh giá rủi ro loại cổ phiếu khỏi danh mục cho vay hay giảm tỷ lệ cho vay thì vẫn có 5-10 ngày để các cổ đông lớn thu xếp tiền trả nợ.

Các ông chủ lớn có tài sản ở các kênh khác như bất động sản để bổ sung nên đã không lường đến tình huống cá nhân cũng bị mất thanh khoản do lệnh yêu cầu ký quỹ bổ sung cấp tốc, có hiệu lực tức thời.

Ấm ức với cách hành xử của công ty chứng khoán, một số lãnh đạo doanh nghiệp đã giải trình lý do bị bán giải chấp do công ty chứng khoán không hợp tác và ngay lập tức công bố mua vào lượng cổ phiếu đã bị bán ra.

Đơn cử, trong nội dung công bố thông tin, ông Lê Viết Liên, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) có nêu bị bán giải chấp do công ty chứng khoán thiếu tinh thần trách nhiệm và thiện ý, hạ tỷ lệ margin về 0 một cách đột ngột, nên mặc dù đã liên hệ đề xuất trong vòng 1 tuần sẽ bổ sung tài sản nhưng không được chấp thuận.

Hay như trường hợp của tài khoản ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo Capital bị bán giải chấp 4,6 triệu cổ phiếu BCG, theo thông tin từ BCG, đây là sự cố đáng tiếc, xuất phát từ việc phối hợp không kịp thời trong việc quản lý tài khoản giữa đại diện quản lý tài khoản chứng khoán với cá nhân ông Nguyễn Hồ Nam. Khi phát hiện ra sai sót ngoài ý muốn này, ông Nam đã thực hiện công bố thông tin đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu BCG trong thời gian ngắn để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp.

Ghi nhận thông tin ở nhiều trường hợp, lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy “ngao ngán” trước cách hành xử quyết liệt, ngừng cho vay, đẩy rủi ro về phía khách hàng của công ty chứng khoán nên đã tìm cách “nộp tiền giữ cổ phiếu, sau đó nhanh chóng chuyển tài khoản ngay sang nơi khác”. Bên cạnh đó, có không ít lãnh đạo doanh nghiệp lần đầu tiên đối diện áp lực force sell và chứng kiến tài sản bốc hơi nhanh chóng, tỷ lệ sở hữu sụt giảm khiến họ “sốc không nhẹ”.

Tích nước vỡ đập

Một thành viên thị trường cho biết, thực tế, trước khi có cú vỡ trận margin toàn diện, dư nợ vay deal (cho vay dư nợ lớn với nhà đầu tư thường là cổ đông lớn của công ty niêm yết) trên thị trường đã bắt đầu tăng dần từ năm 2018. Kể từ thời điểm đó, bất chấp việc thị trường có những nhịp giảm mạnh, dư nợ margin tăng không ngừng.

Đó cũng là một cách cạnh tranh lấy thị phần của các công ty chứng khoán có vốn rẻ (nước ngoài) hoặc có ngân hàng đứng sau. Đến quý III/2022, khi kênh trái phiếu bị rút vốn, room tín dụng hết, kênh chứng khoán phải gồng gánh tất cả áp lực thiếu hụt tiền, nên cho dù thị trường giảm mạnh, nhưng margin toàn thị trường đã tăng lên thêm khoảng 10.000 tỷ đồng.

Trong số đó, dư nợ cá nhân nhỏ lẻ giảm xuống, trong khi các deal ước tính tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng.

Khi cú call margin cấp độ chủ doanh nghiệp xảy ra, nhiều chứng khoán giảm sàn liên tiếp, con số bán hơn 19.000 tỷ đồng của nhà đầu tư cá nhân trong tháng 11 có phần không nhỏ call margin của các cổ đông lớn. Với một số cổ phiếu cụ thể, có xảy ra hiện tượng mất vốn như giải chấp PDR, NVL.

Nhiều công ty chứng khoán không tìm được tiếng nói chung với doanh nghiệp và không tin tưởng doanh nghiệp thêm nữa đã chấp nhận bán bằng mọi giá để thu hồi được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nhưng một số công ty chứng khoán linh hoạt hơn, đã âm vốn nhưng chưa bán, đợi thị trường hồi để thanh lý khoản vay.

Hiện sau cơn call margin, nhiều công ty chứng khoán đã hạ tỷ lệ cho vay các mã có rủi ro cao, thậm chí cắt hẳn. Vì thế, rủi ro hiện tại của margin với thị trường là không cao. Để rủi ro margin cao, cần đợt tích lũy margin mới và sử dụng đòn bẩy tiếp theo, ở đó các công ty chứng khoán phải có động thái nới ra và kích thích nhà đầu tư sử dụng margin.

Bão giải chấp đi qua để lại những hậu quả nhất định. Một số công ty chứng khoán phải trích lập dự phòng do bán giải chấp dưới giá vay phụ thuộc vào định giá cho vay của công ty đó. Có công ty định giá cho vay deal cổ phiếu NVL hơn 40.000 đồng/cổ phiếu, nhưng có công ty định giá 10.000 đồng/cổ phiếu và bán giải chấp ở giá hơn 25.000 đồng/cổ phiếu. Điều này sẽ được lộ rõ hơn trong báo cáo tài chính quý IV sắp tới.

“Tôi không ôm phễu”

Trong cơn bão bán giải chấp cổ phiếu, lãnh đạo một công ty chứng khoán nói: “Giẫm đạp nhau để chất lệnh bán giải chấp” thì cả công ty chứng khoán và doanh nghiệp đều bị động vì nó tạo ra hiệu ứng bán dây chuyền. Ở chiều ngược lại, lãnh đạo một doanh nghiệp bị bán giải chấp nói: “Tôi không ôm phễu”.

Điều đó có nghĩa là khi xác định giá cổ phiếu có rủi ro giảm tiếp do hiệu ứng bán tháo, xuất phát từ động thái bán, lệnh đặt bán giải chấp của công ty chứng khoán thì bên bị giải chấp dù không muốn cũng không nộp tiền ngay để ngăn giải chấp mà chấp nhận bị bán. Sau đó, khi cổ phiếu giảm xuống mức thấp hơn, nhà đầu tư lớn sẽ mua lại từ một tài khoản khác, hoặc khi đà rơi chững lại mới công bố mua vào để tạo hiệu ứng tâm lý tốt, đẩy giá cổ phiếu đi lên.

Với những cổ đông lớn, ông chủ doanh nghiệp sắp xếp được nguồn tài chính để giao dịch sẽ giảm được thiệt hại trong cơn bão này nhờ kỹ thuật mua bắt đáy, thay vì “ôm miệng phễu”. Hình ảnh phễu được dùng để mô tả diễn biến giảm giá của chứng khoán.

Hệ quả cuối cùng là những nhà đầu tư cá nhân bị ảnh hưởng giải chấp thua lỗ khi giá chứng khoán giảm sâu. Họ nắm giữ cổ phiếu lâu dài hay mua ở vùng định giá thấp nhưng không ngờ giá cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh vì nguyên nhân mà nhà đầu tư không biết hết thông tin là margin của cổ đông lớn và cách ứng xử của một vài công ty chứng khoán trong tình huống được đánh giá là rủi ro cao và cấp bách.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) phân tích, ở giai đoạn hiện tại, “cục máu đông” các khoản vay ký quỹ nhóm bất động sản đã được giải tỏa, thị trường đã và đang bình ổn trở lại. Nhu cầu của khách hàng luôn luôn có, thậm chí còn nhiều hơn khi tình trạng thiếu thanh khoản không chỉ diễn ra ở thị trường chứng khoán, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Sau sự kiện này, có thể sẽ có sự thay đổi cách thức quản lý ở một số công ty chứng khoán trong nghiệp vụ cho vay, theo hướng an toàn và khoa học hơn. Công tác định giá, xây dựng các kịch bản rủi ro, kiểm tra sức chịu đựng (stress test) cũng được nâng cao, thay vì cuốn theo giá thị trường của nhiều cổ phiếu.

Lo cho vị thế “vương quyền”

Thông tin trên thị trường cho biết, trong cơn bão bán giải chấp vừa qua, tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), các nhóm cổ đông lớn đã có sự thay đổi. Một nhóm cổ đông lớn đã rút vốn, một nhóm cổ đông có tỷ lệ nhỏ hơn đã nâng tỷ lệ sở hữu để chiếm lợi thế về quyền chi phối ngân hàng này.

Ở không ít doanh nghiệp khác, nỗi lo các cổ đông bên ngoài với tiềm lực tài chính lớn và có cả nguồn tiền từ nhà đầu tư ngoại sẽ gom mua cổ phiếu khối lượng lớn với giá thấp để trở thành cổ đông lớn, một thế lực đối trọng với nhóm cổ đông lớn đang điều hành doanh nghiệp trong mùa đại hội cổ đông sắp tới.

Cơ hội cho nhà đầu tư cá mập săn hàng là cực lớn trong đợt bán tháo vừa qua khi mà nhà đầu tư lớn có thể mua cổ phiếu khối lượng lớn với giá vừa hấp dẫn để đầu tư, thay vì phải trả một mức chênh lệch giá lớn để gom mua số lượng lớn trong bối cảnh bình thường. Chính vì thế, các cổ đông lớn phải đăng ký mua lại lượng cổ phiếu đã bán giải chấp như một cách để khẳng định thương hiệu cá nhân, đồng thời cũng là đảm bảo tỷ lệ sở hữu không thay đổi nhằm khẳng định vị thế chi phối doanh nghiệp.

Hay tại một doanh nghiệp ngành thủy sản, khi một cổ đông lớn bị bán giải chấp thì các cổ đông khác trong nhóm điều hành doanh nghiệp lập tức đăng ký mua vào vừa để đầu tư khi định giá P/E giảm xuống chỉ còn 7 lần so với định giá 11 lần của các năm trước vừa để phòng việc giá cổ phiếu bị thả rơi là cơ hội các cổ đông bên ngoài mua gom. Các cổ đông bên ngoài là nhóm đã đôi lần đánh tiếng muốn mua lại một phần công ty này.

Đó là những câu chuyện có thể ghi nhận trên thị trường thông qua diễn biến giá và khối lượng giao dịch. Trên thực tế, với mặt bằng giá cổ phiếu như vừa qua, sẽ có những cuộc thâu tóm âm thầm trên sàn mà chỉ đến mùa đại hội sắp tới, bước sang năm 2023 mới lộ diện những ông chủ mới của doanh nghiệp.

Khi giá chứng khoán giảm sâu với định giá thấp trong lịch sử là cơ hội 10 năm có một không chỉ với những nhà đầu tư chứng khoán mà với cả với những nhà đầu tư săn doanh nghiệp.

Mà lần này bên mua hoạt động còn sôi động hơn cả thời điểm thị trường tạo đáy khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, vì chứng khoán giảm khốc liệt hơn và còn ở vùng đáy dài ngày hơn, trong khi vũ khí chống thâu tóm là mua cổ phiếu quỹ đã bị vô hiệu hóa bởi quy định và lực mua của cổ đông lớn hiện hữu đã suy yếu do áp lực dòng tiền.

Tin bài liên quan