Sau bước lùi bất ngờ, công nghiệp ICT đặt mục tiêu 149 tỷ USD trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
Sau 4 năm tăng trưởng mạnh, ngành công nghiệp ICT bất ngờ sụt giảm, được xem là do nguyên nhân khách quan. Bộ Thông tin và Truyền thông quyết đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trở lại cho ngành này.
Ngành công nghiệp ICT Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm 2023. Ảnh minh họa.

Ngành công nghiệp ICT Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm 2023. Ảnh minh họa.

Sụt giảm bất ngờ sau 4 năm tăng trưởng mạnh

Theo báo cáo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2023, doanh thu của lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 3.397.492 tỷ đồng (tương đương 142 tỷ USD). Giảm mạnh so với năm 2022 là 3.350720 tỷ đồng (148 tỷ USD).

Trong đó, phần cứng, điện tử vẫn chiếm tỷ trọng chính trong bức tranh ICT với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 127 tỷ USD, nhưng lĩnh vực chủ lực này giảm tới 4,9% so năm 2022.

Như vậy, trong 4 năm qua, đây là năm đầu ghi nhận kim ngạch xuất khẩu phần cứng điện tử giảm. Bởi thực tế trong suốt 3 năm qua, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử liên tục tăng mạnh (năm 2020 đạt 101,39 tỷ USD; năm 2021 đạt 127,654 tỷ USD; năm 2022 đạt 133,615 tỷ USD).

Dự kiến sang năm 2024, mục tiêu doanh thu công nghiệp ICT sẽ đạt 3.636.752 tỷ đồng (hơn 149,3 tỷ USD) và năm 2025 lên mức 3.828.160 tỷ đồng (157,1 tỷ USD). Cùng

Dự kiến trong năm tới, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử sẽ phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu năm 2024 đạt 135 tỷ USD và năm 2025 là 145 tỷ USD.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm doanh thu trong lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng trong những đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế ở nhiều nước chưa có dấu hiệu phục hồi, thị trường tiêu dùng công nghệ thông tin giảm sút, khả năng tăng trưởng thấp do tác động cộng hưởng của xung đột giữa Nga và Ucraina cùng với ảnh hưởng của hậu đại dịch COVID-19.

Điều này tác động trực tiếp đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nói riêng, các đơn hàng xuất khẩu công nghệ thông tin của Việt Nam sụt giảm.

Phải có tư duy đột phá

Với lĩnh vực này, Bộ Thông tin đã xác định sứ mệnh của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số là dùng công nghệ số để làm cho Việt Nam “hóa rồng, hóa hổ”, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Không gian mới của lĩnh vực là chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm "Make in Vietnam"- Làm chủ công nghệ, sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

Tại cuộc làm việc với Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã vạch định hướng, gợi mở cách làm giúp mở hướng phát triển cho đơn vị, lĩnh vực thời gian tới.

Theo đó, trọng tâm của hoàn thiện thể chế số năm 2024 là xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số và 2 chiến lược: Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn và Chiến lược Công nghiệp công nghệ số - được xác định là những việc khó, thì Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ sẽ tham gia để xây dựng những phần cốt lõi nhất.

Đối với việc nghiên cứu chuyên sâu để phát triển ngành công nghiệp ICT, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Cục cách nhìn nhận, tư duy mới: Biến câu chuyện dài hạn thành ngắn hạn; câu chuyện 5 năm, 10 năm phải thành câu chuyện 1 năm. Khi đã khởi động đúng, dẫn dắt theo một đường hướng đúng và có thành tựu của 1- 2 năm đầu, thấy được tiếp tục theo hướng này sẽ về đích đề ra thì có thể coi như đã xong việc đó.

Trước băn khoăn làm sao để công việc tốt hơn khi đơn vị ít người mà nhiều việc, Bộ trưởng cho rằng, ít người tốt hơn nhiều người, và một đơn vị cần 10 người làm việc thì nên có từ 6 - 8 người. Khi nhiều việc thì cần tối ưu, rà soát để đề xuất loại bớt những việc không tạo ra giá trị; và đặc biệt là cần dùng công nghệ số để giảm tải cho các cán bộ, công chức, người lao động.

Nhấn mạnh công nghệ số giờ đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, sẽ giúp việc cho con người, Bộ trưởng phân tích: Dùng công nghệ sẽ giúp giảm được ít nhất 3 lần số việc. Năm 2024, không chỉ Cục Công nghiệp ICT, tất cả đơn vị trong Bộ TT&TT sẽ dùng công nghệ để giảm lượng 3 lần số công việc, ví dụ như sử dụng trợ lý ảo, một số công cụ tự động hóa, tự động báo cáo, tự động lấy số liệu, tự viết báo cáo, xây dựng tri thức, dữ liệu dùng chung.

Một số quan điểm, định hướng trong phát triển ngành TT&TT nói chung và công nghiệp công nghệ số nói riêng cũng được nhấn mạnh lại khi Bộ trưởng giải đáp thắc mắc của các cán bộ, công chức và người lao động của Cục Công nghiệp ICT. Đó là: Cần tập trung phát triển AI hẹp, AI dùng riêng; phải quản lý AI chung, công cộng để giảm thiểu rủi ro; quản lý nhà nước thì cần khởi động 1% việc để 99% còn lại ‘tự chạy’; sản phẩm Make in Viet Nam được thử thách, khẳng định thông qua việc tham gia cạnh tranh ở thị trường ngoại trước sẽ chinh phục thị trường trong nước thuận lợi hơn...

Về chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” - một định hướng của ngành Thông tin và Truyền thông năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải thích điều quan trọng không nằm ở phần mềm hay phần cứng, “chìa khóa” ở đây là thay đổi cách tiếp cận. Thay vì kêu gọi các ngành, lĩnh vực chuyển đổi số; năm nay ngành TT&TT sẽ đưa đội ngũ của mình, các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số đi làm ứng dụng chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực.

Tin bài liên quan