Sau gia đình Chủ tịch bị bán giải chấp, tới lượt người thân lãnh đạo DIC Corp (DIG) mua vào mà chưa đăng ký giao dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Người thân lãnh đạo Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG - sàn HoSE) báo cáo kết quả giao dịch.
Sau gia đình Chủ tịch bị bán giải chấp, tới lượt người thân lãnh đạo DIC Corp (DIG) mua vào mà chưa đăng ký giao dịch

Cụ thể, ông Trần Quang Sơn, em trai ông Trần Quang Hùng, thư ký HĐQT vừa mua vào 10.000 cổ phiếu để nâng sở hữu từ 20 cổ phiếu lên 10.020 cổ phiếu, giao dịch được thực hiện ngày 13/12/2022.

Ông Trần Quang Sơn chưa đăng ký mua vào cổ phiếu DIG

Ông Trần Quang Sơn chưa đăng ký mua vào cổ phiếu DIG

Được biết, trên hệ thống công bố thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ ngày 26/8 đến ngày 14/12 không ghi nhận đăng ký giao dịch của ông Trần Quang Sơn.

Theo quy định, điểm 1a, Điều 33 của Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 03 ngày làm việc, người nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII hoặc Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này.

Như vậy, căn cứ theo Thông tư 96/2020/TT-BTC, ông Trần Quang Sơn có dấu hiệu không đăng ký trước khi thực hiện giao dịch.

Liệu cổ đông có nộp tiền sau biến cố bán giải chấp của gia đình Chủ tịch

Sau năm 2021 thăng hoa của cổ phiếu Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) và thu hút được số lượng nhà đầu tư tham gia kỷ lục. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, cổ đông lớn và cổ đông nội bộ liên tục giảm sở hữu và đồng thời giá cổ phiếu lao dốc.

Được biết, từ ngày 21/7/2021 đến ngày 11/1/2022, cổ phiếu DIG tăng 4,45 lần từ 18.030 đồng lên 98.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ ngày 11/1/2022 đến ngày 15/11/2022 đã giảm 9,7 lần về 10.100 đồng/cổ phiếu và sau đó, từ ngày 15/11 đến ngày 14/12/2022, cổ phiếu DIG hồi phục tăng 76,2% lên 17.800 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn đang giảm tới 5,5 lần so với đỉnh ngày 11/1/2022.

Thời điểm cổ phiếu DIG đạt đỉnh, nhóm cổ đông lớn cũng liên tục giảm sở hữu. Cụ thể, đầu năm DIC Corp có 4 cổ đông lớn gồm ông Nguyễn Thiện Tuấn (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Hùng Cường (Phó Chủ tịch HĐQT), CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân và CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam sở hữu tổng cộng 48,99% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, tính tới đầu tháng 12/2022, Công ty chỉ còn 3 cổ đông lớn là ông Nguyễn Thiện Tuấn, ông Nguyễn Hùng Cường và CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân sở hữu 28,32% vốn điều lệ, giảm 20,67% vốn điều lệ so với đầu năm.

Biến động cổ đông lớn tại DIC Corp
Biến động cổ đông lớn tại DIC Corp

Được biết, với 609,85 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính nhóm cổ đông lớn đã bán ra 126,1 triệu cổ phiếu ra bên ngoài cho cổ đông nhỏ lẻ.

Điểm đáng lưu ý, một phần nhóm cổ đông Thiên Tân và Địa ốc Him Lam chủ động bán ra giảm sở hữu từ đầu năm và một phần các cổ đông thuộc sở hữu của gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn và Thiên Tân bị bán giải chấp.

Thống kê từ ngày 4/11 đến 16/11, gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn bị bán giải chấp tới 31.858.450 cổ phiếu DIG, tương ứng 5,22% vốn điều lệ. Trong đó, thời điểm bán giải chấp, cổ phiếu DIG giao dịch vùng từ 16.600 đồng về 10.800 đồng/cổ phiếu.

Thêm nữa, trong hai ngày 27/10 và ngày 10/11, cổ đông Thiên Tân bị bán giải chấp hơn 10 triệu cổ phiếu DIG.

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân được thành lập năm 2007, địa chỉ tại số B11/10 Khu đô thị Chí Linh, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu (dự án Khu đô thị Chí Linh do DIC Corp làm chủ đầu tư) và đại diện pháp luật là ông Đỗ Thanh Tùng.

Trong năm 2020, DIC Corp ghi nhận khoản phải thu khách hàng ngắn hạn là 59 tỷ đồng và phải thu khác dài hạn 1.298,2 tỷ đồng liên quan tới CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân. Tính tới 30/9/2022, DIC Corp tiếp tục ghi nhận 1.298,2 tỷ đồng phải thu dài hạn đối với CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân. Trong đó, DIC Corp chỉ thuyết minh phải thu dài hạn là các khoản tiền góp vốn để hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Đức Hoà III – Resco và CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân theo hợp đồng ký ngày 30/11/2020.

Ở một chi tiết ít ai để ý, tại thời điểm tháng 10/2020, bà Lê Thị Hà Thành, vợ Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn từng là Chủ tịch HĐQT Thiên Tân, trong khi đó các con ông Tuấn là Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng nắm vị trí Thành viên HĐQT công ty này. Dù vậy, các cá nhân kể trên sau đó không lâu đã rời khỏi các vị trí cấp cao ở Thiên Tân.

Có thể thấy, ngoài Địa ốc Him Lam, nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn và Công ty Thiên Tân đã liên tục bị bán giải chấp, giảm sở hữu trong gần 12 tháng vừa qua.

Mặc dù cổ đông và ban lãnh đạo vừa bị bán giải chấp khi giá cổ phiếu về gần mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên, DIC Corp mới đây tiếp tục thông qua kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.500 tỷ đồng, thời gian triển khai dự kiến trong quý I/2023.

Toàn bộ số tiền 1.500 tỷ đồng huy động được sẽ được Công ty sử dụng để đầu tư vào dự án Khu đô thị du lịch Long Tân. Trong đó, 780 tỷ đồng là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; 250 tỷ đồng chi phí xây lắp; 220 tỷ đồng lãi trái phiếu; 200 tỷ đồng tiền sử dụng đất; và còn lại 50 tỷ đồng là chi phí tư vấn.

Theo tìm hiểu dự án Khu đô thị du lịch Long Tân nằm tại xã Long Tân và xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với quy mô 331,998 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu chỉ là 12.618 tỷ đồng. Tính tới ĐHĐCĐ bất thường lần 2 vào ngày 12/10/2022, Công ty đã đền bù giải phóng được 156,15ha/331ha với tổng kinh phí 1.324,5 tỷ đồng và dự kiến đầu năm 2023 sẽ được giao đất đợt 1 với diện tích 82,11ha, đủ điều kiện khởi công đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 12/10/2022, ông Nguyễn Thiện Tuấn đã tỏ ra bất ngờ khi giá cổ phiếu DIG liên tục giảm trong thời gian qua. Ông Tuấn cho biết, con gái Nguyễn Thị Thanh Huyền đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu và khẳng định nếu giá cổ phiếu DIG sau ngày 30/10/2022 vẫn dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, bản thân ông sẽ đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu.

Tuy nhiên, kết thúc thời gian đăng ký, con gái vị Chủ tịch chỉ mua 4.571.000 cổ phiếu trong tổng đăng ký 20 triệu, chiếm 22,9%. Thêm nữa, sau đó, bà Huyền đã liên tục bị bán giải chấp 8.399.600 cổ phiếu DIG, nhiều hơn 3.828.600 cổ phiếu đã mua vào.

Mặc dù giá cổ phiếu DIG chỉ còn 17.800 đồng/cổ phiếu nhưng ông Nguyễn Thiện Tuấn vẫn không có động thái thực hiện cam kết với cổ đông, thậm chí còn bị bán giải chấp khi giá cổ phiếu thấp hơn giá chào bán sắp tới 15.000 đồng/cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/12, cổ phiếu DIG giảm 650 đồng về 17.800 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan