Sau loạt động thái bán tài sản, Nhà Thủ Đức (TDH) muốn xóa lỗ lũy kế, tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
Đây là 2 trong số các nội dung dự kiến trình tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Dự kiến tổ chức vào tháng 12, cuộc họp này trễ tới gần nửa năm so với hạn chót quy định.
Trụ sở Nhà Thủ Đức được đặt tại "đất vàng" TP.HCM.

Trụ sở Nhà Thủ Đức được đặt tại "đất vàng" TP.HCM.

Cuối cùng cũng họp thường niên

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa thông báo ngày chốt quyền tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức. Danh sách cổ đông sẽ được lập vào ngày 19/11. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 18/11.

Cuộc họp dự kiến tổ chức thông qua hình thức trực tuyến vào tháng 12/2020, nghĩa là đã trễ gần nửa năm so với thời hạn chót đã được gia hạn (30/6/2021).

Thông tin từ phía công ty cho biết nội dung họp dự kiến gồm việc thông qua quy chế tổ chức họp trực tuyến và bỏ phiếu điện tử. Công ty sẽ trình báo cáo hoạt động của hội đồng quản trị và ban kiểm soát, báo cáo của tổng giám đốc về tình hình sản xuất - kinh doanh năm 2020, kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020 và kế hoạch sản xuất dự kiến cổ tức cho năm 2021...

Ngoài ra, một nội dung bất thường được trình ở kỳ họp lần này là việc chuyển toàn bộ quỹ đầu tư phát triển sang bù đắp lỗ lũy kế tại báo cáo tài chính công ty mẹ kiểm toán ngày 31/12/2020. Công ty còn trình phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Theo quy định hiện hành, nếu còn khoản lỗ lũy kế, các doanh nghiệp dù vẫn được tăng vốn qua phát hành riêng lẻ nhưng không được chào bán ra công chúng như trường hợp phát hành cho cổ đông hiện hữu. Đến ngày 31/12/2020, công ty mẹ Nhà Thủ Đức lỗ lũy kế 299,5 tỷ đồng; quỹ đầu tư phát triển xấp xỉ 279 tỷ đồng. Việc xóa lỗ lũy kế bằng các nguồn vốn chủ sở hữu có thể là cách nhanh chóng để Nhà Thủ đức có thể thực hiện phương án tăng vốn với số lượng nhà đầu tư tham gia lớn.

Cùng đó, một nội dung khác cũng sẽ bàn ở cuộc họp thường niên tháng 12 tới là câu chuyện nhân sự. Công ty dự kiến sẽ miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên trong hội đồng quản trị và ban kiểm soát.

Nội dung chi tiết về các tờ trình thường sẽ được công bố hai tuần trước khi cuộc họp được tổ chức, theo quy định về công bố thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp vi phạm. Giữa tháng 10/2021, chính Nhà Thủ Đức cũng nhận án phạt đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát đặc biệt bởi lý do vi phạm quy định công bố thông tin sau khi cổ phiếu đã được đưa vào diện cảnh báo. Cổ phiếu TDH do đó chỉ được giao dịch vào phiên chiều từ ngày 21/10.

Cũng phải lưu ý rằng, vì lý do vi phạm công bố thông tin, thị trường từng ghi nhận trường hợp doanh nghiệp phải hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu trên sàn.

Ồ ạt bán tài sản sau biến cố phạt thuế

Đến thời điểm hiện tại, đã gần một năm kể từ thời điểm Cục thuế TP.HCM đã ban hành quyết định thu hồi số thuế giá trị gia tăng đã hoàn cùng tiền chậm nộp với giá trị hàng trăm tỷ đồng để khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính kỳ hoàn thuế giá trị gia tăng. Đây là một biến cố lớn trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp bất động sản này. Lãnh đạo Nhà Thủ Đức từng thừa nhận quyết định thu hồi số thuế và tiền phạt gần 400 tỷ đồng có thể tạo ra rủi ro thanh khoản, rủi ro tài chính và khủng hoảng cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo tài chính quý III, Nhà Thủ Đức ghi nhận cả khoản phải thu và phải nộp theo các quy định của cục thuế với số tiền 440 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng tài sản của doanh nghiệp này. Tuy vậy, lượng tiền mặt hay tiền gửi ngân hàng có thể sử dụng để chi trả ngay lại thấp hơn nhiều. Trong năm 2020, công ty mẹ Nhà Thủ Đức đã trích 303 tỷ đồng chi phí dự phòng, qua đó kéo tăng chi phí quản lý doanh nghiệp và là nguyên nhân chính khiến công ty mẹ lỗ lũy kế.

Gần một năm qua, đã có nhiều biến động tại Nhà Thủ Đức, hàng loạt tài sản bị bán đi. Ngay từ đầu năm 2021, Nhà Thủ Đức thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Tam Bình - Thủ Đức (công ty con) và Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị (công ty liên kết).

Hội đồng quản trị công ty cũng sớm họp về việc bán trụ sở tại số 3-5 Pasteur có vị trí "vàng" tại quận 1, TP.HCM. Tháng 3/2021, công ty chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Song Hỷ Quốc tế - chủ đầu tư dự án Cao ốc hỗn hợp Aster Garden tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Giá chuyển nhượng là 962 tỷ đồng, tương ứng công ty thu về khoản lãi chênh lệch 225 tỷ đồng.

Giá trị đầu tư tại dự án Khu đô thị Nam Cần Thơ cũng không còn. Vào tháng 9/2021, UBND Thành phố Cần Thơ đã ban hành quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án này. Trong khi, giá trị đầu tư vào các dự án bất động sản lại không tăng lên đáng kể trong 9 tháng qua.

Hoạt động bán tài sản mang về dòng tiền chính và cũng là yếu tố “cứu” lợi nhuận của Nhà Thủ Đức thời gian này. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, dòng tiền từ hoạt động đầu tư thu vào thêm 754 tỷ đồng, trong đó thu hồi đầu tư vốn góp mang về 681 tỷ đồng, thu thanh lý nhượng bán tài sản cố định 107 tỷ đồng và thu hồi từ cho vay cũng đạt hơn 94 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm gần 111 tỷ đồng. Công ty cũng phải dồn lực để chi trả nợ gốc vay(1.076 tỷ đồng), trong khi lượng vay mới thấp (296 tỷ đồng) kéo dòng tiền hoạt động tài chính âm 780 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền vì vậy cũng giảm mạnh từ mức 231 tỷ đồng hồi đầu năm giảm về còn 94 tỷ đồng.

Một biến động khác đáng chú ý là những thay đổi trong cơ cấu cổ đông cùng diễn biến có phần bất thường của cổ phiếu TDH trên sàn. Công ty cổ phần Louis Land (BII) từng công bố rót vốn vào TDH vì muốn mở rộng mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản sau đợt tái cấu trúc, nhưng doanh nghiệp này rút lui ở cả tuyên bố hợp tác và vị trí cổ đông sở hữu cổ phần.

Đến ngày 18/10, BII đã bán toàn bộ 11,3 triệu cổ phiếu TDH, giảm tỷ lệ sở hữu từ 10,07% về 0% sau chưa đầy một tháng trở thành cổ đông lớn. Nhiều cổ đông nội bộ cũng có động thái thoái vốn. Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc Nhà Thủ Đức đã bán hết 1,46 triệu cổ phiếu chỉ trong một ngày 29/10/2021. Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc đăng ký bán hơn 1,75 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 2 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, và cũng đã bán thành công trong ngày 1/11. Cả hai giao dịch đều thông qua phương thức thỏa thuận.

Sự xuất hiện của cổ đông lớn BII hồi tháng 9 đã gây xáo động diễn biến cổ phiếu TDH trong thời gian ngắn. Tương tự mô hình parabol, giá cổ phiếu có thời gian tăng chóng mặt từ 8.000 đồng lên hơn 14.000 đồng/cổ phiếu, nhưng cũng lao dốc nhanh khi sang giai đoạn tuột dốc. Hiện cổ phiếu đang được giao dịch ở mức 12.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan