Sau mất mát là cơ hội

Sau mất mát là cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một số nhịp lao dốc mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được giao dịch ở vùng định giá thấp, kỳ vọng sẽ sớm bước vào giai đoạn tích luỹ và chuẩn bị cho một con sóng hồi phục.

Định giá P/E thấp nhất kể từ năm 2016

Từ năm 2016 tới nay, thị trường đã trải qua 3 đợt bán tháo, giá giảm mạnh. Trong đó, đợt 1 diễn ra từ ngày 9/4/2018 đến 9/1/2019, chỉ số VN-Index giảm 26,8%, về 878,22 điểm; đợt 2 diễn ra từ ngày 7/11/2019 đến 31/3/2020, VN-Index giảm 35,3%, về 662,53 điểm; đợt 3 (chưa tạo đáy) diễn ra từ 6/4/2022 đến 14/11/2022, chỉ số giảm 37,4%, từ trên 1.500 điểm xuống 941,04 điểm.

Nguyên nhân của đợt bán tháo lần 1 liên quan tới chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, với chủ nghĩa bảo hộ dâng cao, quan hệ thương mại rạn nứt giữa hai cường quốc; đợt 2 liên quan tới đại dịch Covid-19 làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn (tuy nhiên, chu kỳ điều chỉnh ngắn); đợt 3 liên quan tới lạm phát gia tăng trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, dòng vốn ngoại có động thái rút ròng, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá năng lượng, lương thực tăng cao.

Diễn biến định giá P/E của VN-Index.

Diễn biến định giá P/E của VN-Index.

Định giá P/E của VN-Index trong 7 năm qua dao động từ 9,9 lần đến 21 lần. Theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đáy đợt bán tháo lần 1 ngày 3/1/2019 có P/E là 14,6 lần; đáy đợt bán tháo lần 2 ngày 31/3/2020 là 9,9 lần; còn ngày 14/11/2022, P/E là 9,5 lần, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Có ý kiến lo ngại, định giá thị trường có thể giảm thêm, trong bối cảnh dòng tiền hạn hẹp, thanh khoản suy giảm, tâm lý nhiều nhà đầu tư chưa ổn định, số lượng nhà đầu tư mới ít dần...

Tuy nhiên, dữ liệu lịch sử cho thấy, P/E thấp là chỉ báo đáng quan tâm, nhất là đối với các nhà đầu tư dài hạn, có thể tích lũy dần các cổ phiếu tốt, sau đó kiên nhẫn chờ giá phục hồi và đón nhận thành quả đầu tư.

Tính chu kỳ của một số ngành

Trên thị trường có nhiều nhóm cổ phiếu biến động mạnh cả về giá cũng như kết quả kinh doanh theo xu hướng mở rộng và thu hẹp của ngành. Dễ nhận thấy nhất là nhóm sản xuất thép và xuất khẩu cá tra, đây là hai nhóm có chu kỳ ngắn và liên tục diễn ra.

Đối với ngành thép, do đặc thù cung cấp vật liệu cho ngành xây dựng, cũng như phần lớn tài sản là tồn kho thép, nên diễn biến giá thép ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh. Khi giá thép tăng cao, doanh nghiệp sản xuất thép ngay lập tức cải thiện được biên lợi nhuận và doanh số tiêu thụ. Ngược lại, khi giá thép đi xuống giống hiện tại, lợi nhuận của doanh nghiệp suy giảm, thậm chí kinh doanh dưới giá vốn và ghi nhận lỗ.

Tương tự, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thường có chu kỳ ngắn, từ 2 - 3 năm. Khi giá cá tra ở mức cao, người dân ồ ạt thả nuôi, vòng đời nuôi cá tra chỉ khoảng 6 - 7 tháng/lứa nên dễ dẫn tới tình trạng dư cung và giá bán giảm trở lại. Giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 6/2022, giá cá tra có xu hướng tăng, thời gian gần đây điều chỉnh giảm và ngành này có dấu hiệu đã đi qua thời điểm thuận lợi nhất.

Nhìn chung, lịch sử có xu hướng lặp lại ở các ngành chu kỳ, cũng như thị trường chứng khoán, dù mỗi giai đoạn có câu chuyện, nguyên nhân khác nhau dẫn tới thị trường tăng điểm hay lao dốc.

Nhìn lại dữ liệu từ năm 2002 tới nay, sau mỗi giai đoạn lao dốc, thị trường lại bước vào nhịp tích luỹ, chuẩn bị cho một con sóng mới. Thời gian tích luỹ có thể chỉ vài tháng, nhưng cũng có thể một vài năm như sau cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Hiện tại, lo ngại lớn nhất của nhà đầu tư là dòng vốn bị ách tắc do quy định chặt chẽ hơn về trái phiếu doanh nghiệp, trong khi hạn mức tín dụng cạn dần và lãi suất gia tăng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nhất là đối với doanh nghiệp bất động sản...

Nếu dòng vốn sớm được khơi thông, tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa, thị trường chứng khoán có khả năng sẽ tạo sóng hồi mạnh mẽ.

Tin bài liên quan