Sau mở cửa sẽ còn mạnh hơn

Sau mở cửa sẽ còn mạnh hơn

(ĐTCK-online) Có một mối lo trước khi Việt Nam hội nhập đó là liệu các ngân hàng Việt Nam có tồn tại trong cạnh tranh trước các ngân hàng toàn cầu.

Nhưng mối lo này bước đầu đã được xóa bỏ khi cổ phiếu các ngân hàng nội địa vẫn được coi là “cổ phiếu vua” trên thị trường chứng khoán. Bản thân các ngân hàng thương mại quốc doanh dù chưa có cổ phiếu do cổ phần hóa chưa hoàn tất nhưng vẫn đang được đón đợi với sự kỳ vọng rất lớn.

“Đường dài mới biết ngựa hay”, tất cả đến thời điểm hiện tại mới là sự khởi đầu, nhưng sự phát triển của kinh tế vĩ mô và sự khẳng định tên tuổi trên thị trường của các ngân hàng dù là nhỏ nhất đã bước đầu cho thấy rằng niềm tin đặt ở các ngân hàng nội địa vẫn hoàn toàn có cơ sở.

 

Sức cạnh tranh cao hơn

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại nhà nước lớn của Việt Nam nếu thực hiện được căn bản chương trình cơ cấu năm 2001 của Chính phủ thì họ không sợ bất cứ một đối thủ cạnh tranh nào trên Việt Nam.

Lý do là các ngân hàng vẫn có lợi thế căn bản tại thị trường trong nước với gần 70% thị phần đang nắm giữ, thực hiện được chương trình tái cơ cấu có nghĩa các ngân hàng này đã thực hiện được sự cải tổ khá tổng thể về quản trị, công nghệ, dịch vụ,… đảm bảo cho họ tiếp tục phát triển tốt sau hội nhập.

Cũng theo ông Nghĩa, ngay cả khi chưa cổ phần hóa, một số ngân hàng đã tạo ra sự thay đổi quan trọng về văn hoá doanh nghiệp, cung cách quản lý nhưng thay đổi này không căn bản và rất chậm chạp.

“Cổ phần hóa làm cho cuộc cải cách mạnh hơn đặc biệt là sự có mặt của cổ đông chiến lược, việc tham gia của cổ đông nước ngoài sẽ tạo ra yêu cầu minh bạch cao, thậm chí thông tin quản lý và quyền lực quản lý đòi hỏi hoạt động ngân hàng phải thực hiện một cách chuẩn tắc, phải được mô tả cụ thể và phải được kiểm soát và minh bạch”, ông Nghĩa nói. “Ngoài ra cổ đông chiến lược có thể có chương trình hỗ trợ kỹ thuật đào tạo nhân lực, kỹ năng chuyên gia quản lý cao cấp, xây dựng định chế quản trị rủi ro, tài sản và nợ… đấy là những điều kiện làm năng lực quản trị của một ngân hàng tăng lên sau cổ phần hóa”.

Bản thân các ngân hàng cổ phần, hiện mới chỉ nắm khoảng gần 20% thị phần ngân hàng, nhưng hiện tại đã có những nền tảng khá tốt để phát triển. Theo ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), thị trường vốn đang phát triển tốt sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng huy động vốn để tăng năng lực tài chính. “Với lợi thế về chất lượng tài sản tốt, cơ chế quản trị năng động, một số ngân hàng có đối tác chiến lược nước ngoài được chuyển giao các công nghệ quản trị quốc tế sẽ giúp các ngân hàng cổ phần đẩy mạnh kênh phân phối, hoàn thiện hệ thống sản phẩm dịch vụ để có thể đứng vững trên thị trường sau hội nhập”, ông Sơn nói.

 

Tiềm năng tăng trưởng

Theo một báo cáo của Ngân hàng HSBC, sự phát triển kinh tế của Việt Nam ở tốc độ cao trong nhiều năm trở lại đây đang tạo ra một tầng lớp dân cư có nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng rất lớn. Với dân số hơn 80 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ cao, nhưng đến nay mới có khoảng hơn 5 triệu người có tài khoản ngân hàng chứng tỏ tiềm năng thị trường lớn. Nếu so sánh với các lĩnh vực khác, chẳng hạn mức độ phổ cập internet, điện thoại di động thì các dịch vụ ngân hàng còn rất thấp.

Tương tự, theo đánh giá của tổ chức thẻ hàng đầu quốc tế Visa thì số người có khả năng sử dụng thẻ thanh toán của ngân hàng tại Việt Nam có thể lên tới 20 triệu người, nhưng thực tế các ngân hàng mới chỉ cung cấp khoảng ¼ tiềm năng. Đây là cơ hội để bất kỳ ngân hàng nào phát triển và mở rộng thị trường.

Thực tế, các ngân hàng trong nước đều nhận thức rất rõ về cơ hội này với bằng chứng là hầu hết các ngân hàng đều định hướng chiến lược phát triển mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ. Theo ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), sự phát triển kinh tế chung mạng lại những cơ hội phát triển thị trường trong lĩnh vực thanh toán, thị trường bất động sản, thị trường vốn… Chỉ cần tận dụng được một cơ hội thì ACB sẽ tạo được sự tăng trưởng vượt bậc.

Chỉ cần một cơ hội nhưng nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng đang phát triển nhanh sẽ mang lại nhiều cơ hội. Vấn đề là ngân hàng nào sẽ nắm bắt tốt được cơ hội phát triển này để tăng sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần thì sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào ngân hàng sẽ được trả bằng những thành quả rõ ràng.