Lễ khai trương Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB hợp nhất)

Lễ khai trương Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB hợp nhất)

SCB diện mạo mới sau hai năm hợp nhất

(ĐTCK) Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ về việc tái cấu trúc nền kinh tế, kể từ tháng 10/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai toàn diện các biện pháp nhằm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - một trong ba trụ cột cần tái cơ cấu: DNNN, đầu tư công và hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh đó, ngày 1/1/2012, việc hợp nhất 3 ngân hàng: Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Sài Gòn để hình thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là trường hợp hợp nhất đầu tiên trong hệ thống NHTM Việt Nam.

Khó khăn trong giai đoạn đầu

Trong giai đoạn đầu, thị trường có những phản ứng trái chiều về trường hợp hợp nhất ngân hàng chưa từng có tiền lệ tại thị trường tài chính Việt Nam nêu trên, gây ra những biến động không nhỏ.

Nhìn lại thời điểm hợp nhất, không mấy ngạc nhiên khi SCB phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, do ba ngân hàng tiền thân đều thuộc nhóm tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, buộc phải tái cấu trúc toàn diện.

Trước tiên và cấp bách nhất là vấn đề thanh khoản. Thanh khoản của 3 ngân hàng tiền thân SCB suy giảm mạnh, phải nhờ đến các khoản vay tái cấp vốn từ NHNN, phụ thuộc vào huy động trên thị trường liên ngân hàng. Chất lượng tài sản của ngân hàng hợp nhất cũng có nhiều vấn đề. Tình hình chung của nền kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới khi đó dẫn đến hoạt động của các doanh nghiệp, đối tác của SCB gặp nhiều khó khăn. Cũng như tình trạng chung của không ít ngân hàng khác, chất lượng một số khoản vay của khách hàng tại SCB giảm sút, nợ xấu gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu cao, một số tỷ lệ an toàn không được duy trì, trạng thái âm vàng cao… cũng là những khó khăn, thách thức không nhỏ về mặt tài chính của SCB trong thời gian đó.

Trên khía cạnh phi tài chính, hoạt động hợp nhất, sáp nhập ngân hàng chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam khiến một bộ phận khách hàng và đối tác của SCB băn khoăn. Về nội tại, sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp, hệ thống kế toán, công nghệ giữa 3 ngân hàng cũng là những thử thách không nhỏ trong quá trình hợp nhất.

Tuy nhiên, nỗ lực phối hợp giữa SCB với các cơ quan, ban ngành liên quan, trong đó quan trọng nhất là sự hỗ trợ, giám sát và chỉ đạo chặt chẽ từ NHNN và Chi nhánh NHNN tại TP. HCM đã từng bước giúp quá trình tái cơ cấu toàn diện SCB sau hợp nhất đi đúng hướng, chắc chắn và hiệu quả. Đây có thể coi là hình mẫu cho các trường hợp hợp nhất, sáp nhập sau đó, không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, mà còn cả trong các lĩnh vực khác tại Việt Nam.

Ban Điều hành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

Diện mạo mới của SCB

Sau khi hợp nhất, SCB triển khai Đề án tái cơ cấu toàn diện trong thời gian 3 năm 2012 - 2014. Như trên đã nói, khó khăn là rất lớn, tuy nhiên, SCB có một số thuận lợi khi tiến hành hợp nhất và thực hiện tái cơ cấu. Là trường hợp hợp nhất NHTM đầu tiên trong lịch sử của ngành ngân hàng, SCB nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là NHNN, Chi nhánh NHNN TP. HCM và UBND TP. HCM. Các bước triển khai Đề án tái cơ cấu toàn diện SCB 2012 - 2014 đều được sự góp ý và giám sát chặt chẽ từ phía các cơ quan quản lý, vì đây có thể xem là việc triển khai một chủ trương lớn, một gói giải pháp cho thị trường tài chính của Chính phủ và NHNN.

Bối cảnh thị trường tài chính trong hai năm vừa qua cũng tạo điều kiện thuận lợi cho SCB tái cơ cấu, khi các chính sách kinh tế, tài chính tiền tệ của Chính phủ và NHNN là nhất quán và hiệu quả, tỷ giá và lãi suất ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào… Các đối tác, cổ đông và khách hàng thân thiết tin tưởng và đồng hành cùng SCB để từng bước thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong quá trình tái cơ cấu.

Đến nay, Đề án tái cơ cấu SCB đã được triển khai đúng hướng, hiệu quả, với những thành công đáng ghi nhận. Một hình ảnh và diện mạo mới của SCB là điều có thể nhận thấy, khi Ngân hàng đã đi qua hai phần ba chặng đường của Đề án. Hoạt động kinh doanh của SCB hiện hoàn toàn ổn định, xét trên các khía cạnh chủ yếu như thanh khoản, nợ xấu, các tỷ lệ an toàn hoạt động, mạng lưới, công nghệ, nhân sự...

Để giải quyết khó khăn về thanh khoản, ngoài sự hỗ trợ tái cấp vốn kịp thời từ NHNN, ngay sau thời điểm hợp nhất, SCB đã triển khai toàn diện các giải pháp xây dựng và củng cố niềm tin từ phía đối tác, tăng cường công tác tư vấn, chăm sóc, giữ chân khách hàng. Nhờ vậy, niềm tin của khách hàng ngày một gia tăng và nguồn tiền gửi đã trở về SCB với số lượng ngày càng lớn, mang tính bền vững. Thanh khoản của SCB đã ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Đến cuối năm 2013, nguồn vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế của SCB tăng 88% so với thời điểm hợp nhất; hoàn trả toàn bộ khoản vay tái cấp vốn từ NHNN; hoàn trả toàn bộ khoản cho vay hỗ trợ từ BIDV; đảm bảo thanh toán đúng lộ trình cam kết đối với các đối tác liên ngân hàng.

Về nợ xấu, SCB đã kết hợp các biện pháp nội bộ với những cơ chế, chính sách của NHNN. Theo đó, SCB rà soát các khoản nợ, cơ cấu nợ theo Quyết định 780, thực hiện bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), giúp tỷ lệ nợ xấu giảm xuống chỉ còn 1,6% tổng dư nợ, hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới mức 3% trong năm 2013. Nguồn thanh khoản dồi dào cũng giúp SCB tất toán thành công trạng thái vàng âm, cải thiện đáng kể các chỉ số an toàn hoạt động kể so với thời điểm bắt đầu hợp nhất.

Những khác biệt về tổ chức và văn hóa doanh nghiệp cũng đã được xóa nhòa rõ rệt sau hai năm tái cơ cấu. Sự đồng lòng của cổ đông, sự giám sát và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và đối tác, sự thống nhất cao trong HĐQT và Ban điều hành SCB đã góp phần tạo nên một SCB hợp nhất với đội ngũ nhân sự trẻ trung, đoàn kết, vững lòng tin vào hướng đi mới của Ngân hàng. Kế thừa truyền thống của các ngân hàng tiền thân trong công tác cộng đồng và trách nhiệm xã hội, SCB tiếp tục khẳng định thương hiệu qua những sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng và hiệu quả, qua hình ảnh một ngân hàng luôn hướng tới lợi ích của khách hàng và quan tâm chia sẻ với cộng đồng, xã hội.

n Những bài học của quá trình
    tái cơ cấu

Nhìn lại chặng đường tái cơ cấu của SCB trong hai năm 2012 - 2013 với nhiều gian nan, nhưng cũng không ít niềm vui và trải nghiệm thú vị, nhiều bài học đã được rút ra. Trước hết, việc tái cơ cấu toàn diện một TCTD phải được thực hiện với một chiến lược rõ ràng ngay từ đầu, duy trì nhất quán trong suốt quá trình triển khai. Sự hợp tác chặt chẽ, sự tin tưởng và đồng hành của các chủ thể liên quan như cổ đông, khách hàng, đối tác, người lao động, cơ quan quản lý nhà nước… là rất quan trọng trong quá trình tái cơ cấu. Do đặc thù của ngành tài chính ngân hàng, tính ổn định của từng NHTM có ảnh hưởng tới an toàn của cả hệ thống. Vì vậy, cơ chế chính sách hiệu quả, linh hoạt, thông thoáng, bám sát thực tế thị trường tài chính Việt Nam của NHNN là điều kiện giúp các trường hợp tái cơ cấu đạt hiệu quả và thành công.

Việc hợp nhất thành công SCB đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương tái cơ cấu toàn diện hệ thống NHTM mà NHNN đã và đang triển khai. Xét riêng với 3 ngân hàng tiền thân của SCB, việc hợp nhất giúp mở rộng quy mô hoạt động và thị phần, nâng cao năng lực tài chính, tiết giảm chi phí, điều phối nguồn lực, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc hợp nhất và sau đó là triển khai các công việc của Đề án tái cơ cấu SCB 2012 - 2014 thành công là nhờ có sự hỗ trợ từ NHNN, các đối tác trên thị trường liên ngân hàng, khách hàng và cổ đông của SCB. Môi trường kinh doanh ngành tài chính ngân hàng Việt Nam trong thời gian SCB tái cơ cấu cũng có những điểm thuận lợi rất riêng, khi NHNN đưa ra một loạt chính sách, công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình tái cơ cấu ở các TCTD, nổi bật nhất là việc thành lập VAMC để mua nợ xấu từ các NHTM.

Về cơ bản, việc mua bán nợ xấu của VAMC giúp các ngân hàng giảm nhanh nợ xấu, có thời gian làm “sạch” bảng cân đối kế toán, lành mạnh hóa tình hình tài chính. Hơn nữa, thông qua việc tái cấp vốn các trái phiếu đặc biệt của VAMC, khi cần thiết, NHNN vẫn có thể bơm thanh khoản cho các NHTM.

Xử lý nợ xấu qua VAMC là cơ chế đặc thù của Việt Nam, có thể xem đây là một sáng kiến rất đáng giá nằm trong gói giải pháp xử lý nợ xấu của NHNN. Hiện nay, cơ chế xử lý nợ xấu thông qua VAMC là một cơ chế sáng tạo để xử lý vấn đề nợ xấu cho toàn hệ thống ngân hàng, xét trên tình hình thực tế của thị trường tài chính Việt Nam với những vấn đề đặc thù.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan