Những kết quả khả quan giữa thời điểm khó khăn chính là động lực cho SCB nỗ lực hơn nữa trong giai đoạn "bình thường mới".

Những kết quả khả quan giữa thời điểm khó khăn chính là động lực cho SCB nỗ lực hơn nữa trong giai đoạn "bình thường mới".

SCB tăng trưởng tích cực, phát triển ổn định bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nằm trong nhóm ngân hàng có tổng tài sản hàng đầu Việt Nam, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) luôn nỗ lực trong các hoạt động nhằm thực hiện tốt vai trò với nền kinh tế, đồng thời vẫn bảo đảm được hiệu quả kinh doanh ổn định, bền vững.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp 2 năm vừa qua, các ngân hàng đã nỗ lực hết mình với vai trò "huyết mạch" của nền kinh tế. Bất chấp nhiều khó khăn, các tổ chức tín dụng đều sẵn sàng, chủ động trong việc thực thi các chủ trương, chính sách của Chính phủ và chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm khơi thông dòng vốn hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Bằng các chính sách hỗ trợ thực thi hiệu quả, việc tín dụng tăng trưởng đã cho thấy tín hiệu lạc quan trong quá trình phục hồi nền kinh tế. Tính từ đầu năm đến hết 31/3/2022, tín dụng đã tăng 5,04%, cao hơn hẳn so với mức tăng 2,16% của quý I/2021. Với định hướng của NHNN, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% và có thể điều chỉnh theo diễn biến thực của nền kinh tế vĩ mô.

Là một trong những tổ chức tín dụng có quy mô lớn trong hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam, SCB luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Chính phủ và NHNN để triển khai các hoạt động phù hợp, vừa thực hiện tốt vai trò với nền kinh tế, đồng thời vẫn bảo đảm được hiệu quả kinh doanh ổn định bền vững.

Trước đó, năm 2021, SCB đã đạt được kết quả kinh doanh tích cực nhờ tinh thần lấy khó khăn, thách thức làm động lực cùng chiến lược linh hoạt chuyển dịch cơ cấu hoạt động, từ đó gia tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, cơ cấu lại danh mục nguồn vốn theo hướng tiết giảm chi phí.

Cụ thể, hoạt động phi tín dụng tăng trưởng mạnh 114% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.434 tỷ đồng, vượt 9,5% kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông giao phó. Ngân hàng cũng đã tăng vốn thành công lên 20.020 tỷ đồng, thu hút thêm 4.788 tỷ đồng nguồn vốn mới bổ sung cho vốn kinh doanh, cải thiện hiệu quả an toàn hoạt động.

“Dựa trên dự báo triển vọng tích cực của kinh tế vĩ mô trong năm 2022, SCB đã đẩy mạnh triển khai các

hoạt động tín dụng nhằm cung cấp kịp thời nhu cầu vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh giai đoạn tái phục hồi. Đồng thời, Ngân hàng tiếp tục tăng tốc chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ hơn nữa các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng theo định hướng đa dạng hóa nguồn thu”, ông Trương Khánh Hoàng, Quyền Tổng giám đốc SCB cho biết.

Theo đó, SCB vừa ghi nhận quý kinh doanh đầu năm với những con số lạc quan. Báo cáo tài chính quý I/2022 cho thấy, tổng thu nhập hoạt động đạt 3.137 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của Ngân hàng ghi nhận cao gấp 2,4 lần so với kết quả cùng kỳ 2021. Lợi nhuận trước thuế theo đó đạt 616 tỷ đồng, đánh dấu mức tăng trưởng 93%.

Những kết quả này chính là động lực cho cán bộ, nhân viên SCB nỗ lực hơn nữa trong giai đoạn "bình thường mới". Mục tiêu năm 2022 của SCB là ROE đạt tối thiểu 5%, giữ vững tốc độ tăng trưởng thu phí dịch vụ tối thiểu 30% và quản trị chi phí hoạt động hiệu quả, nâng cao lợi nhuận.

Ông Trương Khánh Hoàng cũng khẳng định, bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, SCB vẫn tập trung vào mục tiêu trọng tâm là tái cơ cấu hiệu quả và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn theo yêu cầu của NHNN.

Được biết, SCB đang trong quá trình làm việc với đối tác KPMG Việt Nam để xây dựng lộ trình triển khai chuẩn mực quốc tế Basel II. Hiện Ngân hàng đã hoàn thiện khung chính sách quản lý rủi ro, bao gồm các chiến lược quản lý 6 rủi ro trọng yếu, hoàn thành hệ thống Tính toán tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định của NHNN. Dự án Đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) dự kiến được hoàn thành trong quý II/2022.

Với các kết quả tích cực trong giai đoạn vừa qua, đến nay, nhiều chỉ tiêu tái cơ cấu của SCB đang bám sát hoặc hoàn thành sớm so với kế hoạch.

Song song với đó, SCB cũng kỳ vọng đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán, dự kiến hoàn thành trong năm 2023 để đảm bảo lợi ích lâu dài của cổ đông.

Tin bài liên quan