SCIC được trao thêm nhiều quyền?

SCIC được trao thêm nhiều quyền?

(ĐTCK) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là một trong 22 tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Dù không được nhắc đến một cách cụ thể trong dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng với các quy định pháp lý được ban hành tới đây, SCIC có thể được trao thêm nhiều quyền.

Không chỉ là bán vốn

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn việc tiếp nhận và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đang được Bộ Tài chính xây dựng, SCIC sẽ thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại hầu hết các doanh nghiệp (công ty TNHH một hoặc hai thành viên, công ty liên doanh, công ty cổ phần mới thành lập hoặc chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước) hiện do các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu. SCIC cũng sẽ tiếp nhận vốn chủ sở hữu Nhà nước tại tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng có một quy định đáng chú ý, các doanh nghiệp đã được SCIC tiếp nhận chỉ chuyển giao lại về các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu dự thảo trên được chính thức hóa thành quy định, tới đây, SCIC có thể quản lý vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn, theo đúng chức năng được quy định ban đầu của tổng công ty này. Trên thực tế, chức năng của SCIC là gì, SCIC tiếp nhận vốn Nhà nước ở những DN nào luôn là câu hỏi gây tranh cãi. Nếu theo đúng mô hình của Temasek, nhà đầu tư của Chính phủ Singapore, thì còn rất nhiều việc phải làm với SCIC.

Trong vòng 8 năm hoạt động, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại gần 1.000 DN. SCIC đã thực hiện đánh giá và phân loại các DN tiếp nhận, trên cơ sở đó tiến hành tái cơ cấu vốn ở những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối. Tính đến cuối năm 2013, SCIC đã bán vốn tại 580 doanh nghiệp, với tổng giá trị sổ sách trên 1.800 tỷ đồng, thu về cho Nhà nước trên 4.000 tỷ đồng.

Nghị định 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC mới được ban hành cũng quy định, SCIC sẽ tiếp nhận các công ty liên doanh có vốn góp của Nhà nước do các bộ và địa phương làm đại diện chủ sở hữu. Việc chuyển giao các tổng công ty Nhà nước đã cổ phần hóa và các trường hợp khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định cũng cho phép SCIC được sử dụng nhiều hình thức bán vốn như khớp lệnh, đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, bán thỏa thuận, hoán đổi cổ phiếu. SCIC có thể hạ giá khởi điểm, khi bán đấu giá cổ phần không thành công; đấu giá bán cả lô đối với các DN thuộc đối tượng bán hết vốn Nhà nước và bán thấp hơn mệnh giá đối với các DN thua lỗ, nhằm thu hồi tối đa phần vốn Nhà nước đã đầu tư.

Chưa thể khẳng định việc giao vốn Nhà nước cũng như trao thêm quyền để SCIC chủ động việc bán vốn Nhà nước có đem lại hiệu quả tối ưu nhất cho Nhà nước hay không, nhưng theo giới chuyên gia kinh tế, ít nhất tới đây, Nhà nước cũng nắm được một đầu mối là SCIC, thay vì để nhiều đầu mối thoái vốn Nhà nước một cách dàn trải và thiếu chuyên nghiệp.

Còn vai trò đầu tư

Tuy nhiên, điều thị trường mong chờ ở SCIC không chỉ ở chức năng tiếp nhận và bán vốn Nhà nước. Chức năng đầu tư và tạo ra lợi nhuận tối ưu cho đồng vốn Nhà nước mới là điều đáng được quan tâm. Hiện chưa thấy rõ vai trò của SCIC ở lĩnh vực này. Danh mục đầu tư của SCIC tính đến cuối năm  2013 có 369 DN, với tổng giá trị theo sổ sách kế toán trên 14.000 tỷ đồng, giá thị trường trên 74.000 tỷ đồng, song phần lớn tập trung ở một số doanh nghiệp nổi trội và có nguồn gốc từ DNNN chuyển sang cổ phần.

SCIC mới công bố chung chung, bằng nguồn tiền thu được từ bán vốn và lợi nhuận tích lũy qua các năm, SCIC đã đầu tư 12.000 tỷ đồng dưới nhiều hình thức như mua cổ phiếu, trái phiếu DN, góp vốn thành lập DN mới, đầu tư tăng vốn tại các DN có lợi thế sản xuất - kinh doanh, đầu tư dự án trong các lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, hợp tác với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế triển khai các dự án trọng điểm.

Theo một lãnh đạo của SCIC, tổng công ty này đã tham gia đầu tư một số dự án quốc lộ theo hình thức BOT (đầu tư xong bán luôn quyền thu phí chứ không theo đuổi dự án để thu phí hàng năm), hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất thuốc chống ung thư, hợp tác với Bệnh viện Nhi Thụy Điển, đầu tư khu khám chữa bệnh chất lượng cao…

Dẫu vậy, đây không phải là thông tin được công bố rộng rãi. Là nhà đầu tư của Chính phủ, đầu tư bằng vốn Nhà nước, công chúng muốn có thông tin cụ thể hơn về tình hình đầu tư của SCIC. Nhiều chuyên gia như ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nên khuyến khích SCIC và  trao thêm quyền để Tổng công ty thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Trước những lo ngại về khả năng độc quyền và tạo ra thêm một cấp quản lý trung gian đối với các doanh nghiệp nếu trao thêm quyền cho SCIC, giới chuyên gia cho rằng, có thể khắc phục được điều này bằng cách yêu cầu SCIC công bố BCTC hàng năm và định kỳ hàng quý có công bố thông tin về hoạt động để công chúng có thể tham gia giám sát.                 

Tin bài liên quan