SCIC lập công ty chứng khoán là hợp lý

SCIC lập công ty chứng khoán là hợp lý

(ĐTCK) Đó là khẳng định đại diện Bộ Tài chính khi nói về đề xuất cho phép SCIC được thành lập CTCK, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư...

>> 9 tháng, thu NSNN ước đạt 543.835 tỷ đồng

Tăng quyền nhưng phải làm đúng

Dự thảo Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập hoặc tham gia góp vốn thành lập công ty quản lý quỹ (QLQ), quỹ đầu tư, CTCK...

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu SCIC được mở rộng phạm vi hoạt động như Dự thảo, sẽ tăng rủi ro cho đồng vốn nhà nước, đồng thời chèn ép các CTCK, công ty QLQ do các DN ngoài Nhà nước đầu tư, nhất là trong bối cảnh tái cơ cấu để giảm số lượng CTCK, công ty QLQ đang gặp nhiều thách thức.

SCIC lập công ty chứng khoán là hợp lý ảnh 1

Theo Bộ Tài chính, việc SCIC lập CTCK không phải là đầu tư trái ngành

Trả lời câu hỏi của ĐTCK về lý do tại sao Bộ Tài chính đưa ra đề xuất gây nhiều tranh luận trên, tại cuộc Họp báo thường kỳ quý III/2013 của Bộ Tài chính, diễn ra chiều 10/10, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho hay, đề xuất này xuất phát từ quan điểm DNNN hoạt động trong lĩnh vực nào, thì tập trung đầu tư, kinh doanh chuyên sâu trong lĩnh vực đó. Do vậy, với ngành nghề hoạt động chính của SCIC là đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, nên việc cân nhắc để cho phép SCIC được thành lập hoặc tham gia góp vốn thành lập công ty QLQ, quỹ đầu tư, CTCK... là hợp lý.

“Dự thảo Nghị định đang trong quá trình hoàn chỉnh lần cuối để trình Chính phủ ban hành. Nếu các bộ ngành, Chính phủ cho phép mở rộng phạm vi hoạt động như Dự thảo, thì SCIC sẽ thực hiện...”, ông Tiến nói và cho biết thêm, là một nhà đầu tư tài chính, khi quy định pháp lý cho phép, SCIC được thành lập hoặc tham gia góp vốn thành lập công ty QLQ, quỹ đầu tư, CTCK. Điều quan trọng là SCIC phải thực hiện đúng các quy định pháp lý liên quan, để đảm bảo đồng vốn của Nhà nước được đưa vào đầu tư, kinh doanh hiệu quả.

 

Có cửa thoái vốn ngoài ngành lỗ

Một nội dung “nóng” được báo giới đặt nhiều câu hỏi cho lãnh đạo Bộ Tài chính là thông tin vừa được Thanh tra Chính phủ công bố mới đây về những sai phạm trong đầu tư ngoài ngành xảy ra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, việc EVN rót hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính như: viễn thông, bất động sản, ngân hàng…

Điều khiến dư luận bức xúc được Thanh tra Chính phủ chỉ ra, là những khoản lỗ trong đầu tư ngoài ngành được EVN hạch toán vào giá điện…

Là đơn vị gác cổng cho Chính phủ về quản lý, giám sát tài chính của DNNN, vậy những sai phạm của EVN, Bộ Tài chính có trách nhiệm gì?

Ông Tiến cho biết, theo phân cấp của Chính phủ, với tư cách là đơn vị chủ sở hữu, Bộ Công thương đang yêu cầu EVN giải trình cụ thể về các kết luận của Thanh tra Chính phủ. Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo EVN giải trình rõ ràng các khoản đầu tư ngoài ngành, cũng như kế hoạch thoái vốn, để đảm bảo giảm thiểu rủi ro cho đồng vốn nhà nước…

Liên quan đến thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang bế tắc, do thị giá các khoản đầu tư này của DN thấp hơn rất nhiều so với giá vốn đầu tư ban đầu, Bộ Tài chính có đề xuất giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, với quy định tại Nghị định 71/2013 về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, vừa có hiệu lực cách đây hơn một tháng, đã phần nào mở ra cơ chế cho phép DN được thoái vốn thấp hơn giá trị sổ sách. Theo đó, nếu muốn thoái các khoản đầu tư ngoài ngành mà hiện thị giá thấp hơn giá trị sổ sách, DN phải báo cáo và được chủ sở hữu chấp thuận.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết thêm, ngoài lý do lỗ dẫn đến làm chậm quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, một số trường hợp khác do vướng các quy định liên quan đến DN niêm yết hoặc chưa niêm yết, DN đại chúng kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tục…, cũng đang cản trở quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Do vậy, ngoài các giải pháp quy định tại Nghị định 71/2013, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành…, để đề xuất thêm các giải pháp nhằm gỡ tắc cho thoái vốn đầu tư ngoài ngành.      

 

Trả lời câu hỏi tổng giá trị của khoản vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN hiện nay là bao nhiêu, ông Tiến cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang thu thập thông tin từ các bộ, ngành, địa phương, DNNN. Khi có con số chính thức, Bộ sẽ trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội, trước khi công khai cho báo giới. Dự kiến con số này sẽ được công bố vào tháng 12 tới, chậm nhất vào tháng 1/2014.