Sẽ áp dụng hệ số an toàn vốn với doanh nghiệp bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
Từ chỗ chỉ giám sát thông qua biên khả năng thanh toán, cơ quan quản lý sẽ áp dụng tỷ lệ an toàn vốn với các doanh nghiệp bảo hiểm từ năm 2023, tương tự nhóm ngân hàng, chứng khoán.
Ảnh Shutter

Ảnh Shutter

Siết kiểm soát an toàn tài chính

Theo số liệu tại thời điểm cuối năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm tại Việt Nam đều đáp ứng biên khả năng thanh toán cao hơn mức tối thiểu, thậm chí gấp 10-30 lần tại các doanh nghiệp mới thành lập. Chỉ tiêu phản ánh phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả này là yếu tố duy nhất xác định nguy cơ mất khả năng thanh toán hiện nay của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, chỉ khi biên khả năng thanh toán thấp hơn mức tối thiểu, cơ quan quản lý mới có các biện pháp can thiệp.

Việc quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm theo phương thức trên sẽ có bước chuyển nhờ thay đổi tại Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Dự thảo dự kiến được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2021, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2022 và có hiệu lực từ năm 2023.

Tại Dự thảo, mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro đang được lựa chọn áp dụng. Tỷ lệ an toàn vốn được xây dựng làm nền tảng cho việc chuyển đổi mô hình này. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đáp ứng đồng thời việc trích lập dự phòng nghiệp vụ đầy đủ theo quy định pháp luật và bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Tương ứng từng mức tỷ lệ an toàn vốn “báo động”, cơ quan quản lý áp dụng 3 biện pháp gồm cải thiện, can thiệp sớm, kiểm soát, thay vì chỉ có thể can thiệp khi doanh nghiệp đã có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Theo đại diện Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo Dự luật, việc chuyển đổi mô hình quản lý vốn và biên khả năng thanh toán từ mô hình “biên khả năng thanh toán I” sang “vốn trên cơ sở rủi ro” là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và xu hướng chung của thế giới. Tỷ lệ an toàn vốn cũng đã được quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng để giám sát thành viên thị trường. Đối với thị trường bảo hiểm ở nhiều quốc gia, quản lý vốn trên cơ sở rủi ro cũng giữ vai trò mấu chốt.

Áp lực tăng vốn

Các tổ chức tín dụng áp dụng việc tính toán Hệ số an toàn vốn (CAR) từ lâu, thậm chí đã nâng tiêu chuẩn áp dụng từ Basel I lên Basel II, làm nên làn sóng tăng vốn của các ngân hàng giai đoạn 2018 - 2020. Trong một báo cáo gần đây, Bộ phận Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, việc áp dụng mô hình quản lý vốn mới với ngành bảo hiểm cũng có thể gây áp lực tăng vốn tại một số công ty.

Đánh giá về mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro, chuyên gia phân tích từ Chứng khoán SSI cho rằng, mức vốn yêu cầu được tính toán hiện nay dựa trên dự phòng kỹ thuật hoặc số tiền bảo hiểm (với công ty bảo hiểm nhân thọ) và doanh thu phí bảo hiểm (với công ty bảo hiểm phi nhân thọ) đều không tính đến các mức độ và loại rủi ro khác nhau. Nếu áp dụng mô hình trên, mức vốn yêu cầu được tính trên cơ sở rủi ro sẽ lớn hơn, tổng vốn của doanh nghiệp có thể ghi nhận một số thay đổi khi định giá tài sản sẽ được tính theo giá trị thị trường, thay vì giá trị sổ sách.

Phía cơ quan soạn thảo cho biết, sẽ có một lộ trình với tổng thời gian 5 năm cho sự thay đổi này. Trong giai đoạn 3 năm đầu khi luật mới có hiệu lực, dựa trên mô hình sẵn có, thực hiện tính toán từng thông số liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để xác định số vốn trên cơ sở rủi ro phải có, số vốn doanh nghiệp đang có để xác định chênh lệch, số vốn phải bổ sung trong 3 năm và có những điều chỉnh phù hợp, xây dựng hướng dẫn chi tiết về mô hình vốn trên cơ sở rủi ro. Giai đoạn 2 năm tiếp theo sẽ đánh giá tác động để tiếp tục có những điều chỉnh, có thể kết hợp xây dựng mô hình riêng cho Việt Nam.

Với khoảng thời gian 5 năm đệm giữa khung pháp lý và việc áp dụng trong hoạt động thực tế (2023 - 2027), Bộ phận Phân tích của Chứng khoán SSI cho rằng, điều này sẽ không gây ra những thay đổi đột ngột đối với triển vọng ngắn hạn và trung hạn của ngành.

Trong các năm gần đây, tăng tích luỹ các khoản lợi nhuận là yếu tố chính hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm nội gia tăng nguồn vốn tự có. Số lượng các đợt phát hành cổ phần mới thời gian qua khá ít ỏi. Vốn chủ sở hữu tăng lên chủ yếu nhờ nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài.

Bảo Việt Nhân thọ từng giữ vị trí số một về vốn điều lệ cách đây 6 năm, hiện tụt xuống vị trí thứ 8 trong nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trên thị trường. Trong khi đó, tổng tài sản đã tăng lên 127.000 tỷ đồng và mang về hơn 36.000 tỷ đồng tổng doanh thu trong năm 2020. Tăng vốn cho doanh nghiệp này được Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt nhấn mạnh là một nhu cầu cấp thiết. Ngoài xu hướng tăng vốn để gia tăng năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh, áp lực từ chính sách cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm định kỳ công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo tài chính bán niên, báo cáo khả năng thanh toán và quản trị rủi ro. Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin về chủ đầu tư, thành viên góp vốn; cơ cấu tổ chức bộ máy; mạng lưới hoạt động; các mục tiêu, chính sách đánh giá mức độ đủ vốn; vốn thực có và tỷ lệ an toàn vốn; các thay đổi về vốn liên quan đến từng loại rủi ro...

Tin bài liên quan