Sẽ cụ thể hóa chính sách khuyến khích hộ cá thể chuyển sang mô hình doanh nghiệp
Sáng 16/5/2025, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ - đặc biệt là nỗ lực của Bộ Tài chính và Ủy ban Kinh tế và Tài chính trong việc kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
![]() |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. |
"Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đất nước đang tăng tốc phát triển bước vào kỷ nguyên mới. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm 51% GDP, đóng góp 33% tổng thu ngân sách Nhà nước và 55% tổng vốn đầu tư xã hội nên cần nhiều cơ chế đặc biệt hỗ trợ để phát huy vai trò động lực, kinh tế tư nhân cũng được xác định là động lực quan trọng nhất giai đoạn tới", ông Ngân nhấn mạnh.
Theo đại biểu, Nghị quyết 68 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phải đạt 2 triệu doanh nghiệp (tức tăng thêm khoảng 200.000 doanh nghiệp/năm - PV). Ông Ngân cho rằng, trong bối cảnh mỗi năm cả nước chỉ tăng thêm 30.000 - 40.000 doanh nghiệp, để đạt mục tiêu trên, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phải đưa ra những cơ chế, chính sách đặc biệt để hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang mô hình hoạt động doanh nghiệp. Đồng thời, cũng cần chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ vươn lên thành các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.
Một trong những giải pháp khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp là theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, từ ngày 1/7/2026, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp thuế khoán mà phải nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.
Theo số liệu của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2024, cả nước có 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, đóng góp 25.953 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Trong số này, có gần 2 triệu hộ đang áp dụng phương pháp thuế khoán. Tuy nhiên, mức thuế bình quân hàng tháng của gần 2 triệu hộ kinh doanh theo hình thức khoán trong quý I/2025 chỉ vào khoảng 700.000 đồng/tháng.
Tán thành với quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp thuế khoán và thực hiện nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, song đại biểu Mai Thanh Hải (Thanh Hóa) đề nghị nhà nước không chỉ hỗ trợ kinh phí xây dựng hoặc thuê, mua các nền tảng số, phần mềm kế toán để cấp miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, mà cần phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng việc sử dụng các nền tảng số, phần mềm cho các hộ kinh doanh cá thể để có thể thực hiện kết nối liên thông, kê khai nộp thuế.
Để chuẩn bị cho việc kê khai nộp thuế, không áp dụng hình thức khoán đề nghị cần phải có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và đề nghị lui thời gian thực hiện sau ngày 1/7/2026.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. |
Trao đổi thêm với đại biểu về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, bỏ thuế khoán là chủ trương lớn, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, đồng thời khuyến khích được các hộ kinh doanh chuyển sang mô hình hoạt động doanh nghiệp.
Việc bỏ thuế khoán đã được Bộ Tài chính triển khai ở một số địa bàn và đã chứng minh được tính hiệu quả, cần sớm triển khai rộng rãi trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, Bộ Tài chính đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện về hạ tầng cơ sở vật chất cũng như công nghệ, dữ liệu để sớm triển khai thống nhất trên toàn quốc.
Để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh kê khai nộp thuế sau khi bỏ thuế khoán thì Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chính sách thuế, phương án, phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực thuế như là sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho hộ kinh doanh.
Đồng thời, để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số, dự thảo Nghị quyết đã quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê mua các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung để cho hộ kinh doanh sử dụng miễn phí.
Về một số giải pháp, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho hộ kinh doanh cá thể để có thể phát triển thành doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết nội dung này khi mà Chính phủ họp thì cũng đã được đưa ra và bàn bạc rất là kỹ về các cái giải pháp, các chính sách cụ thể. Chính phủ cũng xác định đây là một trong những cái giải pháp trọng yếu để phấn đấu đạt cái mục tiêu về số lượng doanh nghiệp đến năm 2030 là 2 triệu doanh nghiệp và đến năm 2045 là 3 triệu doanh nghiệp, cũng như là đạt các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế cũng như là thu ngân sách.
"Các chính sách ưu đãi khá lớn, sẽ được thiết kế tại Nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ, các chương trình hành động của Chính phủ và các luật liên quan để khuyến khích được các hộ kinh doanh cá thể, mong muốn và sớm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Hỗ trợ kinh tế tư nhân không làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước
Tán thành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, song đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị bổ sung nội dung hỗ trợ về chính sách thương mại và hội nhập quốc tế, vì hiện nay, doanh nghiệp rất khó đưa sản phẩm ra cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như hỗ trợ về tư pháp và mỗi khi tranh chấp thương mại với nước ngoài, Việt Nam luôn chịu thua thiệt.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) ủng hộ chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả, chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các "công ty ma" lợi dụng.
Thực tế cho thấy, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung rõ yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm như liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; kiểm tra thực địa; ứng dụng công nghệ số trong giám sát; và chế tài đủ sức răn đe. Cùng với đó, cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực buộc phải tiền kiểm trên cơ sở rủi ro để tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo.
Đại biểu Mai Thanh Hải đánh giá rất cao các nội dung mang tính đột phá của dự thảo Nghị quyết, song tỏ ra băn khoăn về chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, tại khoản 4, khoản 5 Điều 7 quy định: Đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới sau Nghị quyết này có hiệu lực thì UBND tỉnh xác định đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng diện tích khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng để dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại. Nếu sau 2 năm kể từ ngày khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và không có doanh nghiệp thuê thì chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới được quyền cho các doanh nghiệp khác thuê, thuê lại".
Đại biểu cho rằng, quy định này gây khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp và làm mất cơ hội thu hút các nhà đầu tư thứ cấp khác đến thuê, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hơn nữa nếu quy định sau 2 năm nếu không có doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thuê, thì doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sẽ chịu thiệt hại.
Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, cơ quan soạn thảo đã nhận diện được rủi ro này và cũng đã đưa ra giải pháp trong dự thảo. Trong thực tế, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải 2 năm mới lấp đầy. Do đó, dự thảo Nghị quyết đưa ra quy định 2 năm không gây rủi ro, hoặc rất ít (nếu có) với doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Riêng với ý kiến đại biểu lo ngại quy định chỉ được thanh, kiểm tra tối đa 1 lần/năm đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần/năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng sẽ tạo lỗ hổng về thanh kiểm tra, Bộ trưởng khẳng định quy định này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 68, hướng tới việc giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tăng cường thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nên không làm giảm hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, không cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp. Dự thảo nghị quyết cũng không hạn chế đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, về việc rà soát một số cơ chế, chính sách tại dự thảo nghị quyết trong mối quan hệ với một số luật đang được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, Nghị quyết đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết số 68 để thể chế hóa ngay tại các dự án luật, dự thảo Nghị quyết lần này.
Đối với một số cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực thì có thể quy định tại dự thảo nghị quyết này. Các luật đang được sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 này thì sẽ quy định cơ chế, chính sách áp dụng chung cho các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế để bảo đảm không làm phá vỡ các thiết kế chung của luật.
Đối với những nội dung cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và đang được quy định tại các luật, nghị quyết khác về thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, xử lý các vi phạm vụ việc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết phá sản… thì dự thảo Nghị quyết đưa ra một số quy định mang tính nguyên tắc để định hướng sửa đổi, bổ sung cho các pháp luật chuyên ngành, bảo đảm tuân thủ đúng các yêu cầu của Nghị quyết 68.
Các chính sách liên quan đến ưu đãi thuế, phí được thiết kế trên cơ sở nuôi dưỡng nguồn thu. Theo đó, các chính sách hỗ trợ này có thể làm giảm nguồn thu cho ngắn hạn nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội, điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước và sự phát triển kinh tế xã hội.