Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện Nghị định về hộ kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện Nghị định về hộ kinh doanh.

Về lâu dài, đề nghị quy định hộ kinh doanh là chỉ do cá nhân thành lập

0:00 / 0:00
0:00
Góp ý Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chọn phương án 1 trong hai phương án được bàn để xác định hộ kinh doanh.

Liên quan đến phương án xác định “Hộ kinh doanh”, VCCI cho rằng, trước mắt chọn phương án 1, nhưng về mặt lâu dài, hộ kinh doanh là do cá nhân thành lập. Đây là nội dung VCCI trả lời Công văn số 7309/BKHĐT-ĐKKD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh.

Hai phương án xác định hộ kinh doanh

Trong Dự thảo, Ban soạn thảo đang đưa ra hai phương án quy định về đối tượng thành lập hộ kinh doanh. Phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành, đối tượng thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình. Phương án 2, đối tượng thành lập hộ gia đình chỉ là cá nhân

Hiện nay, theo số liệu thống kê của các cơ quan đăng ký kinh doanh, hộ gia đình đăng ký kinh doanh chủ yếu là cá nhân. Cơ quan thuế cũng quản lý hộ kinh doanh theo mã số cá nhân và những xử lý liên quan đối với hộ gia đình đều xử lý đối với cá nhân. Như vậy, việc quy định đối tượng thành lập hộ gia đình là cá nhân, là phù hợp về mặt thực tiễn.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, hộ gia đình là chủ thể kinh doanh có tính lịch sử, việc thay đổi về khái niệm này có thể tác động đến các quy định liên quan đến hộ gia đình, và cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, VCCI lý giải đề xuất tạm áp dụng phương án 1, giữ nguyên như quy định hiện hành. Nhưng về lâu dài, phương án 2 sẽ phù hợp hơn, theo VCCI.

Thực tế, hộ kinh doanh là một chủ thể kinh doanh tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay và chiếm một số lượng khá đông đảo, với khoảng 5 triệu hộ kinh doanh.

Các quy định hiện hành để công nhận và xác định địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh còn chưa rõ ràng: hộ kinh doanh là chủ thể kinh doanh như thế nào so với các chủ thể kinh doanh khác trong nền kinh tế như doanh nghiệp, hợp tác xã.

Việc xây dựng một văn bản quy định về hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy vậy, VCCI cho rằng, Dự thảo chỉ đang tập trung vào các quy định liên quan đến đăng ký hộ kinh doanh - các thủ tục gia nhập thị trường, chưa có các quy định về quá trình hoạt động sau khi đăng ký kinh doanh (ví dụ: mối quan hệ lao động giữa các thành viên trong hộ kinh doanh, vấn đề tiền lương, tiền công, vấn đề thuế trong hộ kinh doanh…).

“Nếu Dự thảo chỉ quy định về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh thì chúng tôi kiến nghị đổi tên của Nghị định là “Nghị định về đăng ký hộ kinh doanh”, VCCI viết trong ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đề nghị hộ kinh doanh được ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh mà mình muốn

Hộ kinh doanh có những đặc điểm rất khác biệt so với doanh nghiệp, hoạt động nhỏ lẻ, đơn giản, do đó, việc thiết kế thủ tục đăng ký kinh doanh cũng cần phải đảm bảo đơn giản, thuận tiện, để thu hút các chủ thể này thực hiện hoạt động đăng ký.

Mặc dù đồng thuận với tinh thần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính mà Dự thảo đang đưa ra, tuy nhiên, VCCI vẫn có thêm một số đề xuất theo hướng đơn giản hơn nữa cho hộ kinh doanh.

Liên quan đến quy định về việc ghi ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh, theo quy định hiện hành, tại khoản 1 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc ghi ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh là ghi tự do, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Dự thảo đã sửa đổi quy định này theo hướng, hộ kinh doanh lựa chọn ngành nghề cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh chính và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của hộ kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký kinh doanh.

Theo giải trình tại Tờ trình, việc yêu cầu hộ kinh doanh ghi ngành nghề kinh doanh chính theo mã ngành cấp 4 và ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện xuất phát từ một số nguyên nhân.

Một là, phù hợp với vấn đề quản lý của các cơ quan quản lý chuyên ngành, khi các cơ quan này có thể sẽ yêu cầu hộ kinh doanh phải có giấy tờ xác nhận các ngành, nghề kinh doanh mà hộ kinh doanh đang hoạt động kinh doanh khi thực hiện hoạt động rà soát, kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh khi hoạt động kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Hai là, hệ thống VSIC được thiết kế theo chuẩn quốc tế, trên cơ sở Hệ thống ngành ISIC mà các nước trên thế giới đang áp dụng. Nội hàm cụ thể của từng ngành, nghề đã được giải thích cụ thể trong VSIC, do đó việc mã hóa ngành, nghề kinh doanh theo VSIC có đóng góp tích cực trong công tác thống kê, hoạch định chính sách phát triển đối với hộ kinh doanh và sau cùng là đảm bảo quyền lợi của hộ kinh doanh trong nền kinh tế;

Ba là, việc hộ kinh doanh tự ghi ngành, nghề kinh doanh cũng nhằm đảm bảo tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của hộ kinh doanh với tư cách là một thực thể có đóng góp tích cực trong nền kinh tế. Theo đó, hộ kinh doanh vừa có thể xác định một cách chính xác ngành, nghề phù hợp nhất với nhu cầu và điều kiện kinh doanh, vừa có cơ hội tìm hiểu chính sách, ưu đãi để đảm bảo quyền lợi tối đa của mình khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.

Song, quan điểm của VCCI cho rằng, Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm quy định này. Vì trong các văn bản chuyên ngành quy định về điều kiện kinh doanh không còn có quy định chủ thể kinh doanh phải đăng ký kinh doanh trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Hơn nữa, việc thống kê các ngành nghề đăng ký kinh doanh là cần thiết cho hoạt động quản lý nhà nước. Việc yêu cầu các chủ thể kinh doanh phải ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh theo mã ngành cấp 4 sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong việc thống kê. Tuy nhiên, để xác định được ngành nghề đăng ký kinh doanh theo mã ngành cấp 4 lại khá khó khăn đối với các chủ thể đăng ký kinh doanh.

Trong các góp ý trước đây về vấn đề này, VCCI đã phản ánh rất nhiều lần về những khó khăn, bất cập của doanh nghiệp khi phải ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh theo mã ngành cấp 4. Làm rõ ý kiến này, VCCI khẳng định không kiến nghị bỏ việc ghi mã ngành cấp 4 khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi, bổ sung ngành nghề, bởi vì việc xác định ngành nghề trong thủ tục đăng ký kinh doanh nhằm phục vụ cho các mục tiêu quản lý nhà nước.

“VCCI kiến nghị xác định chủ thể phải thực hiện việc ghi mã ngành này là cơ quan quản lý nhà nước thay vì yêu cầu doanh nghiệp. Bởi vì, cơ quan nhà nước có thể dựa vào các ngành nghề mà doanh nghiệp đăng ký để xác định các nhóm, phân nhóm phù hợp để phục vụ cho mục tiêu thống kê hoặc các mục tiêu quản lý khác”, VCCI lý giải.

Như vậy, dù doanh nghiệp đăng ký ngành nghề nào có hay không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, miễn là không phải là ngành nghề cấm kinh doanh, thì doanh nghiệp cũng sẽ được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật, do đó việc xác định mã ngành nghề nào tại thời điểm đăng ký kinh doanh là ít ý nghĩa, nếu xét ở góc độ của doanh nghiệp.

Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh khi đăng ký kinh doanh ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh mà mình muốn kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ dựa vào thông tin này để xác định mã ngành cấp 4 để thực hiện cho hoạt động thống kê.

Đơn giản tối đa thủ tục để thu hút hộ kinh doanh thực hiện đăng ký

Cùng với các nội dung trên, VCCI đề nghị để tạo thuận lợi cho thủ tục đăng ký kinh doanh, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng, các thông tin cá nhân của chủ hộ kinh doanh và các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, nếu không khớp với thông tin lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo tới cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hiệu chỉnh thông tin trong hệ thống dữ liệu này.

Hiện tại, Dự thảo Nghị định đang quy định trường hợp thông tin cá nhân được kê khai có sai khác so với thông tin được lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hiệu chỉnh thông tin trước khi thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.

Với tinh thần tương tự, VCCI đề nghị rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thông báo lập địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh, có thể là 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ thay vì 3 ngày theo Dự thảo. Thậm chí, VCCI đề nghị hộ kinh doanh chỉ phải tạm ngừng kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà không đáp ứng điều kiện, không áp dụng thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp hộ kinh doanh đang kinh doanh nhiều ngành nghề khác, bên cạnh ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tin bài liên quan