Dự án Centa Park của Seaprodex Saigon được quảng bá và mở bán từ năm 2017, nhưng tới nay vẫn chưa được triển khai

Dự án Centa Park của Seaprodex Saigon được quảng bá và mở bán từ năm 2017, nhưng tới nay vẫn chưa được triển khai

Seaprodex Saigon (SSN) “khát” vốn triển khai dự án

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tài sản của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon, mã chứng khoán SSN) chủ yếu nằm ở bên thứ ba mà Công ty không trực tiếp quản lý, trong khi lượng tiền mặt chỉ chiếm 0,3% tổng tài sản, khiến kế hoạch triển khai các dự án bất động sản gặp khó khăn, nhất là khi đang bị buộc mở thủ tục phá sản.

Kết quả kinh doanh lao dốc

Seaprodex Saigon dự kiến tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2022 vào ngày 30/6. Năm nay, Công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 30 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2 tỷ đồng.

Năm ngoái, Seaprodex Saigon cũng đặt kế hoạch kinh doanh như trên, nhưng thực tế chỉ đạt doanh thu 21 tỷ đồng và lợi nhuận 66 triệu đồng. Hai năm trước đó, Công ty đạt lợi nhuận ở mức thấp hơn.

Seaprodex Saigon tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, thành lập năm 1993 với tên gọi Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản TP.HCM, hoạt động là kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản. Từ năm 2015, Ban lãnh đạo Công ty thay đổi định hướng kinh doanh, tập trung vào hoạt động kinh doanh bất động sản, nhằm khai thác nguồn quỹ đất đang quản lý.

Trong 2 năm 2015 - 2016, Seaprodex Saigon ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, đỉnh điểm là năm 2016 đạt lợi nhuận 83,5 tỷ đồng, tăng 614,5% so với năm 2015. Trong đó, lợi nhuận được đóng góp chủ yếu bởi hoạt động tài chính khi ghi nhận 80,75 tỷ đồng, gồm lãi 47,09 tỷ đồng từ bán cổ phần góp vốn tại đơn vị khác và 33,4 tỷ đồng lãi cho vay. Tuy nhiên, các năm tiếp theo, tình hình kinh doanh của Công ty liên tục lao dốc, lợi nhuận 3 năm gần nhất đều dưới 100 triệu đồng.

Kế hoạch triển khai dự án bất động sản

Năm 2022, Seaprodex Saigon lên kế hoạch phát triển 3 nhóm dự án mà Công ty đang sở hữu. Trong đó, dự án Centa Park (khu phức hợp chung cư và thương mại dịch vụ) tại số 678 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để thi công phần thân công trình; các mặt bằng tại số 665-667 Lò gốm, 1534 Võ Văn Kiệt, khu đất tại Phú Viễn và 87 Hàm Nghi tiếp tục khai thác, hợp tác kinh doanh trong khi chờ triển khai dự án; dự án tại số 6 Phạm Phú Thứ, phường 6, quận Tân Bình đã thực hiện việc góp vốn hợp tác đầu tư với đối tác, tổng số tiền là 731 tỷ đồng.

Trong các dự án trên, đáng chú ý nhất là Centa Park có quy mô 2,2 ha, hơn 1.500 căn hộ và nằm ở vị trí 4 mặt tiền: đường Âu Cơ, Đồng Đen, Thoại Ngọc Hầu và Bàu Cát 8. Khu đất này từng là kho bãi của Seaprodex Saigon, đến năm 2016 được UBND TP.HCM chấp thuận cho đầu tư dự án bất động sản. Mặc dù được quảng bá và mở bán từ năm 2017, nhưng dự án tới nay vẫn chưa được triển khai.

Tính tới 31/3/2022, Seaprodex Saigon ghi nhận 28,3 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn. Công ty thuyết minh, đây là chi phí liên quan đến xây dựng dự án Centa Park. Về phần nguồn vốn, doanh nghiệp ghi nhận 22,1 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn, gồm 19,7 tỷ đồng người mua đặt cọc mua căn hộ Centa Park.

Nguy cơ khó huy động vốn trong bối cảnh bị buộc mở thủ tục phá sản

Tính đến cuối tháng 3/2022, Seaprodex Saigon có 3,55 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 0,3% tổng tài sản. Trong khi đó, tài sản của Công ty hầu hết là các khoản phải thu ngắn hạn, đạt 1.024,9 tỷ đồng, chiếm 94,4% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn là 28,3 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng tài sản (thực hiện dự án Centa Park).

Các khoản phải thu ngắn hạn bao gồm 200 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bưu chính Viễn Thông, 35 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn Công ty cổ phần Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình, 305,3 tỷ đồng phải thu từ hợp tác đầu tư Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Nam Tiến, 225,8 tỷ đồng phải thu từ hợp tác đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bưu chính Viễn thông, 199,9 tỷ đồng phải thu từ hợp tác đầu tư Công ty cổ phần Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình.

Seaprodex Saigon có tổng tài sản hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận 3 năm gần nhất chưa đến 100 triệu đồng.

Đáng lưu ý, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn 200 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bưu chính Viễn thông đã xuất hiện từ năm 2016 đến nay, nhưng Seaprodex Saigon vẫn ghi nhận là phải thu về cho vay ngắn hạn.

Như vậy, tài sản của Seaprodex Saigon chủ yếu nằm ở bên thứ ba mà Công ty không trực tiếp quản lý, trong khi lượng tiền mặt rất hạn chế (cuối tháng 3/2022 chỉ có hơn 3,5 tỷ đồng). Vì vậy, nếu có được giấy phép triển khai các dự án bất động sản, doanh nghiệp sẽ phải huy động thêm vốn.

Thêm nữa, Seaprodex Saigon đang trong quá trình kiện tụng với Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Fortuna (Fortuna). Ngày 27/4/2022, Tòa án nhân dân TP.HCM đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với Seaprodex Saigon do mất khả năng thanh toán nợ đến hạn theo đơn yêu cầu của Fortuna.

Seaprodex Saigon hiện đang chờ quyết định từ Tòa án sau khi giải trình về vụ việc rằng, khoản nợ hơn 100 tỷ đồng gồm gốc 59,2 tỷ đồng và lãi 47,4 tỷ đồng đến từ hợp đồng mua bán hàng hóa năm 2011 mà Fortuna nêu ra là không đúng, đó là hợp đồng giả tạo.

Trong bối cảnh trên, Seaprodex Saigon khó có thể vay vốn tại các tổ chức tín dụng, ngay cả huy động vốn từ cổ đông cũng không dễ.

Thực tế, năm 2022, Seaprodex Saigon lên kế hoạch đa dạng hoá nguồn vốn hoạt động, huy động từ các nguồn khác như cán bộ, nhân viên Công ty, các khách hàng, đối tác, nhằm chủ động trong kinh doanh và không lệ thuộc nguồn vốn vay ngân hàng.

Có thể thấy, mặc dù sở hữu nhiều bất động sản nhưng do thủ tục pháp lý vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và thiếu vốn nên Seaprodex Saigon chưa triển khai dự án lớn nào để có thể sớm mang lại lợi nhuận. Việc chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản từ năm 2015 chưa mang lại hiệu quả, lợi nhuận 3 năm gần đây không quá 100 triệu đồng, trong khi quy mô tài sản lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty vướng vào rủi ro pháp lý khiến ngân hàng và nhà đầu tư e ngại rủi ro.

Tin bài liên quan