Nguồn cung shophouse Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Nguồn cung shophouse Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Shophouse “se duyên” với thương mại điện tử

(ĐTCK) Sự phát triển của thương mại điện tử (e-commerce) tưởng chừng như sẽ đe dọa tới thanh khoản thị trường nhà phố thương mại (shophouse), nhưng thực tế cho thấy, shophouse không những tồn tại, mà còn có thể lớn mạnh cùng e-commerce.

Nhiều dư địa phát triển

Hiện tại, loại hình kinh doanh e-commerce đang phát triển tốt tại Việt Nam. Nếu tính cả các hoạt động buôn bán nhỏ lẻ, cá nhân trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo…, thì e-commerce tại Việt Nam đang phát triển cực kỳ mạnh mẽ, dù còn thiếu tính đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ.

Sự phát triển của e-commerce tưởng chừng như nguy hiểm đối với thị trường shophouse, nhưng thực tế lại cho thấy, e-commerce và shophouse có thể lớn mạnh cùng nhau.

Điểm mạnh lớn nhất của e-commerce là sự tiện lợi cho khách hàng. Khách hàng có thể truy cập nhiều mặt hàng, nhiều mẫu mã, giá cả từ nhiều nơi chỉ trong thời gian ngắn và món hàng của họ có thể được giao đến tận nơi, giúp tiết kiệm thời gian và công sức.

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh tại Việt Nam 

Tuy vậy, trải nghiệm mua hàng vẫn là một trong những yếu tố quan trọng đối với người tiêu dùng, đặc biệt là đối với những sản phẩm quần áo, sản phẩm điện tử, hay những sản phẩm cao cấp, có giá trị cao. Đối với những sản phẩm này, việc có thể cảm nhận sản phẩm trên tay, hay việc trải nghiệm quá trình sử dụng sản phẩm là rất cần thiết.

Theo ông Huân Nguyễn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn thị trường bất động sản Colliers Việt Nam, thị trường shophouse không có dấu hiện chậm lại bất chấp nhiều sự nghi ngờ về tính thanh khoản, hiệu quả đầu tư, hay khả năng chống chọi với áp lực từ thương mại điện tử. Lý do chính cho sự phát triển này là sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của hình thức “bán lẻ khu vực”.

Hai yếu tố quan trọng nhất đối với hình thức bán lẻ này là địa điểm thuận lợi và sự nhận diện thương hiệu rộng rãi. Điều này có thể thấy được qua việc các thương hiệu bán lẻ như 7-Eleven, VinMart, hay Circle K… bành trướng khắp các thành phố lớn.

Quan sát diễn biến thị trường tại TP.HCM, ông Huân Nguyễn cho biết, hiện nay, nguồn cung shophouse trên địa bàn Thành phố vẫn đang thiếu hụt so với nhu cầu. Minh chứng rất rõ cho điều này là các dự án shophouse mới trên thị trường, trong các khu dân cư khép kín như Saigon Pearl (quận Bình Thạnh), Scenic Valley (quận 7), Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh)… đều đã được mua chỉ trong thời gian rất ngắn được tung ra thị trường. Dù mức giá cao, nhưng với việc các thương hiệu bán lẻ lớn trên thị trường đều đang “khát” các địa điểm tốt tại khắp các quận của TP.HCM, loại hình shophouse vẫn còn rất nhiều tiềm năng có thể khai thác. 

 Shophouse sẽ luôn được các thương hiệu lựa chọn để vừa tăng sự nhận diện thương hiệu, vừa làm nơi trải nghiệm cho khách. Ảnh: Thành Nguyễn

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, shophouse là mô hình khá quen thuộc với Việt Nam, do gắn liền với thói quen tiêu dùng và mức độ thuận tiện trên các tuyến phố. Shophouse vừa có thể sử dụng để ở, vừa có không gian kinh doanh. Hiện tại, tỷ lệ shophouses vẫn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong nguồn cung thị trường (bao gồm các dự án khu đô thị), chỉ chiếm khoảng 7% tổng số căn đã mở bán.

Theo ông Huân Nguyễn, trong tương lai, các dự án shophouse có thể sẽ trở thành những trung tâm trải nghiệm (experience center) của những thương hiệu cao cấp, giúp người tiêu dùng khám phá các sản phẩm họ muốn mua. Điều này vừa giúp gắn kết người tiêu dùng với thương hiệu, vừa giúp các thương hiệu có thể xây dựng hình ảnh của mình theo những thiết kế riêng, không chịu sự ràng buộc về diện tích, thiết kế, cấu trúc… như trong các trung tâm thương mại.

Trong khi đó, theo bà An, e-commerce không chỉ ảnh hưởng đến một loại hình nhà phố riêng biệt nào, mà có tác động ở các mức độ khác nhau đến các cửa hàng kinh doanh truyền thống, bao gồm cả nhà phố cũng như trung tâm thương mại… Tuy nhiên, nhìn chung e-commerce sẽ tác động đến khía cạnh hoạt động của các cửa hàng/đơn vị kinh doanh là chính.

Nhìn rộng để lạc quan

Theo các chuyên gia, nhìn sang các thành phố lớn khác trong khu vực, có thể thấy rằng, những chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn như 7-Eleven hay Family Mart xuất hiện với mật độ dày đặc tại khắp các tuyến đường, hay các khu dân cư. Với tốc độ phát triển của các đô thị trong nước, không khó để thấy tương lai của thị trường shophouse tại Việt Nam cũng có thể đạt đến tầm cao tương tự.

Theo đại diện Colliers Việt Nam, tiềm năng đầu tư của loại hình shophouse không chỉ nằm ở khả năng cho thuê giá cao, mà chủ sở hữu shophouse có thể hưởng lợi cả sự tăng giá của tài sản. Đặc biệt, tại các quận khu vực trung tâm, với giá thuê quá cao, tiền thuê mặt bằng bán lẻ sẽ cao hơn là sở hữu một shophouse lâu dài.

Một lợi thế nữa cho shophouse trong tương lai là việc các dự án shophouse tồn tại trong cùng một khu vực có thể tìm được nhiều khách thuê trong cùng một lĩnh vực kinh doanh. Chẳng hạn, khu phố trà sữa trên đường Ngô Đức Kế, khu phố hàng may mặc xung quanh chợ Bến Thành… Điều này có thể giúp các thương hiệu bán lẻ này tiếp xúc được nhiều khách hàng hơn, cũng như chia sẻ chi phí sử dụng các nhà cung cấp.

Theo các chuyên gia, trong tương lai, khi các thương hiệu toàn cầu tiến vào thị trường Việt Nam ngày một đông, thị trường shophouse sẽ có dịp nở rộ. Các khu dân cư lớn như Khu đô thị Sala (TP.HCM) hiện nay có rất nhiều shophouse, nhưng vẫn còn rất ít dân cư. Khi dân cư đã đông lên, hoạt động kinh doanh chắc chắn cũng sẽ phát triển tương xứng. Hiện nay, người tiêu dùng tại Việt Nam còn thiếu lựa chọn, nhưng với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu quốc tế, ngành bán lẻ tại Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh.

Đưa ra những nhìn nhận tích cực về triển vọng của shophouse, các chuyên gia cũng chỉ ra những khó khăn mà các dự án shophouse hiện nay đang phải đối mặt. Đó là sự khác biệt lớn, thiếu tính nhất quán giữa các khu vực trong thành phố gây khó khăn trong việc tìm kiếm những dự án shophouse mang tính tương tự về diện tích, hình ảnh, cơ sở vật chất… Ngoài ra, sự chênh lệch lớn về giá cả theo khu vực cũng gây không ít khó khăn cho các thương hiệu bán lẻ mong muốn bành trướng trong thị phố.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan