
Dàn “Anh trai say hi” đến Thủ đô trải nghiệm xe bus 2 tầng (Ảnh: Ban bổ chức)
Khi sân khấu trở thành “bệ phóng” cho kinh tế địa phương
Các chương trình như “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Chị đẹp đạp gió”... không chỉ gây sốt trên mạng xã hội, mà còn đang dần thiết lập một hệ sinh thái giải trí - du lịch - tiêu dùng hoàn hảo. Đặc biệt, việc Việt Nam chuẩn bị đón siêu sao quốc tế G-Dragon đến biểu diễn khiến dòng chảy khách quốc tế, đặc biệt từ Hàn Quốc và châu Á, có khả năng bùng nổ.
Dưới góc độ kinh tế, các chương trình này là điển hình của mô hình giải trí tạo lực đẩy tiêu dùng và dịch chuyển. Với ngân sách đầu tư hàng triệu USD, quy trình tổ chức bài bản, bản quyền nội dung chuẩn quốc tế và khả năng thu hút lượng khán giả lên tới hàng trăm triệu lượt xem trực tuyến lẫn trực tiếp, các show diễn đã tạo ra tác động dây chuyền đến ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, bán lẻ và truyền thông.
Các chuyên gia ngành công nghiệp văn hóa nhận định, chúng ta đang chứng kiến một cuộc dịch chuyển giá trị từ nghệ thuật thuần túy sang nghệ thuật tích hợp kinh tế. Khi một chương trình giải trí có thể khiến hàng ngàn người sẵn sàng mua vé máy bay để đến xem trực tiếp, thì giá trị mà nó tạo ra không đơn thuần nằm ở vé vào cửa.
Theo Báo cáo Tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam 2024 - 2025, sự sáng tạo của thế hệ nghệ sỹ trẻ kết hợp với kinh nghiệm của các nghệ sỹ đi trước không những làm phong phú thêm đời sống văn hóa trong nước, mà còn khẳng định được vị thế của âm nhạc Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều nghệ sỹ đã đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới và cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm âm nhạc đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu, Mỹ…
Đơn cử, chương trình “Anh trai say hi” ghi nhận lượng khách du lịch nội địa đến Đà Nẵng tăng 12% trong 2 tuần sau khi show lên sóng tại thành phố này. Các dịch vụ lưu trú 3 - 4 sao gần khu vực ghi hình đều kín phòng. Doanh thu ẩm thực cũng ghi nhận mức tăng 15 - 18% trong thời gian phát sóng. Những con số này là minh chứng cho sự dịch chuyển của hành vi tiêu dùng trong bối cảnh giải trí trở thành nhu cầu thiết yếu, song hành với du lịch.
Bên cạnh thị trường nội địa, các show như “Chị đẹp đạp gió” (format chuyển nhượng từ Trung Quốc) có sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng trong và ngoài nước đã khiến khán giả quốc tế chú ý đến Việt Nam. Ngoài ghi hình tại các địa danh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, show còn khéo léo lồng ghép hình ảnh quảng bá du lịch qua các màn trình diễn. Từ đó, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được truyền tải một cách sinh động, hấp dẫn.
Ngày 21/6 tới, “ông hoàng Kpop” G-Dragon cùng dàn sao đình đám như CL (2NE1), TEMPEST, tripleS, DPR IAN sẽ biểu diễn tại đại nhạc hội quốc tế VPBank K-Star Spark tại sân vận động Mỹ Đình.
Thông tin về giá vé và cách đặt chỗ đã chính thức được công bố trên fanpage của VPBank. Đáng chú ý, cổ phiếu VPB của VPBank tăng kịch biên độ với thanh khoản kỷ lục khi chuẩn bị chia cổ tức tiền mặt và tổ chức đại nhạc hội quốc tế với sự hiện diện của loạt thần tượng Kpop. Điều này kéo theo làn sóng nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam trong mảng sáng tạo nội dung, sản xuất và truyền hình thực tế.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mô hình du lịch theo show không mới, nhưng tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên một chương trình như vậy được tổ chức bài bản, có chiến lược. Trước kia, khán giả Việt phải sang Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan để xem biểu diễn đỉnh cao, nhưng giờ đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến biểu diễn, đồng nghĩa chúng ta đang nhập cuộc vào sân chơi của công nghiệp giải trí.
Cần chính sách “mở đường” cho công nghiệp biểu diễn
Trước sự quan tâm đặc biệt của công chúng dành cho các chương trình biểu diễn quy mô lớn, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Thành phố định hướng phát triển công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Văn hóa được xem là “sức mạnh mềm” đặc thù của Thủ đô, có vai trò mở đường, tạo động lực cho các lĩnh vực khác như du lịch, dịch vụ và kinh tế sáng tạo phát triển.
Dù tiềm năng rất lớn, nhưng để các chương trình biểu diễn thực sự trở thành “đòn bẩy” cho kinh tế, du lịch, cần có sự “tiếp sức” mạnh hơn từ chính sách. Hiện tại, quy trình cấp phép, hỗ trợ tổ chức các chương trình biểu diễn quy mô lớn tại Việt Nam còn nhiều thủ tục phức tạp, thiếu thống nhất giữa các địa phương. Ngoài ra, hạ tầng để tổ chức show (hội trường, sân vận động, khu vực tổ chức sự kiện ngoài trời đạt chuẩn quốc tế) còn thiếu và yếu.
Xét về mặt tài chính, các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn tại Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi chưa tiếp cận được chính sách ưu đãi, nguồn tài trợ hay cơ chế gọi vốn đầu tư như những lĩnh vực công nghiệp khác. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, công nghiệp biểu diễn đã được xác định là ngành “xuất khẩu văn hóa”, được hỗ trợ toàn diện về truyền thông, tài chính và xúc tiến tại thị trường quốc tế.
Nếu có chiến lược phát triển bài bản, đồng thời được hỗ trợ chính sách, công nghiệp biểu diễn hoàn toàn có thể trở thành ngành mũi nhọn, dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo Việt Nam trong vòng 5 - 10 năm tới.
PGS-TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM nhận định, chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 đang tạo nền tảng quan trọng cho sự bứt phá của các ngành sáng tạo, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc. Theo bà, hệ thống chính sách hiện nay không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất, nghệ sỹ hoạt động chuyên nghiệp, mà còn góp phần xây dựng hạ tầng văn hóa.
“Việc từng bước hình thành các chương trình tài trợ và quỹ đầu tư cho sáng tạo âm nhạc sẽ mở đường cho sự ra đời của nhiều sản phẩm nghệ thuật độc đáo, giàu bản sắc Việt, góp phần quảng bá âm nhạc Việt Nam ra thị trường quốc tế, đồng thời định vị hình ảnh một ngành công nghiệp âm nhạc năng động, chuyên nghiệp và phát triển bền vững trong tương lai”, PGS-TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm nhấn mạnh.