Siba Group (SBG) muốn tăng vay nợ thêm 100 tỷ đồng trước thời điểm chào sàn HOSE

Siba Group (SBG) muốn tăng vay nợ thêm 100 tỷ đồng trước thời điểm chào sàn HOSE

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba (Siba Group, mã chứng khoán SBG) vừa thông qua kế hoạch vay vốn kỳ hạn 12 tháng tại Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Sài Gòn.

Siba Group vừa thông qua việc vay vốn, bảo lãnh, mở L/C tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Sài Gòn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh theo hình thức hạn mức tín dụng/theo món.

Trong đó, hạn mức 100 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng, và dự kiến sử dụng các hợp đồng tiền gửi mở tại Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Sài Gòn làm tài sản đảm bảo cho khoản vay nói trên.

Được biết, tại thời điểm 30/9/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Siba Group giảm 33,2% so với đầu năm, tương ứng giảm 49,95 tỷ đồng, về 100,3 tỷ đồng và chiếm 8,5% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 32,86 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 67,44 tỷ đồng.

Ngược lại, cũng tại thời điểm cuối quý III, tiền mặt của Siba Group giảm 88% so với đầu năm, tương ứng giảm 71,63 tỷ đồng, về 9,81 tỷ đồng và chiếm 0,8% tổng tài sản.

Giảm quy mô tài sản đột ngột trước thời điểm chào sàn

Một diễn biến đáng lưu ý khác, ngày 1/12/2023, Siba Group sẽ niêm yết 25 triệu cổ phiếu SBG trên sàn HOSE với giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá 375 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Siba Group được thành lập năm 2015, vốn điều lệ 90 tỷ đồng và sau đó đã trải qua hai đợt tăng vốn, tới thời điểm trước niêm yết, vốn điều lệ tăng lên 250 tỷ đồng, tăng 178% so với thời điểm thành lập.

Trải qua hai lần tăng vốn, tính tới ngày 30/9/2023, Siba Group có 2 cổ đông lớn gồm CTCP Siba Holdings sở hữu 55,6% vốn điều lệ; ông Nguyễn Văn Đức sở hữu 6,06% vốn điều lệ; còn lại 38,34% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5%.

Mặc dù được giới thiệu là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo – xây lắp nhưng lĩnh vực này đóng góp rất ít doanh thu trong những năm trở lại. Trong đó, năm 2021, doanh thu cơ khí chế tạo – xây lắp ghi nhận 114,2 tỷ đồng, chiếm 1,95% tổng doanh thu, doanh thu bán hàng hoá ghi nhận 5.750 tỷ đồng, chiếm 98% tổng doanh thu; năm 2022, doanh thu cơ khí chế tạo – xây lắp ghi nhận 401,5 tỷ đồng, chiếm 10% tổng doanh thu, doanh thu bán hàng hoá ghi nhận 3.607,8 tỷ đồng, chiếm 89,95% tổng doanh thu; và trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu cơ khí chế tạo – xây lắp ghi nhận 478,5 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng doanh thu, doanh thu bán hàng hoá ghi nhận 2.613 tỷ đồng, chiếm 84,5% tổng doanh thu …

Thêm nữa, mặc dù lĩnh vực cốt lõi là cơ khí chế tạo – xây lắp đóng góp doanh thu ít nhưng đang đóng góp lợi nhuận gộp cao. Trong đó, năm 2021 ghi nhận 22,46 tỷ đồng, chiếm 72,04% tổng lợi nhuận gộp; năm 2022 ghi nhận 76,28 tỷ đồng, chiếm 93,48% tổng lợi nhuận gộp và 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 64,92 tỷ đồng, chiếm 86,7% tổng lợi nhuận gộp.

Có thể thấy, buôn bán nông sản đang là hoạt động chiếm trọng số trong cơ cấu doanh thu của Siba Group, đơn vị này đang dịch chuyển giảm tỷ trọng doanh thu từ bán nông sản, tăng doanh thu từ lĩnh vực được xem là cốt lõi từ lĩnh vực cơ khí chế tạo – xây lắp, đồng thời lĩnh vực cơ khí chế tạo – xây lắp cũng là lĩnh vực có đóng lợi nhuận gộp cao trước thềm chào sàn.

Về hoạt động kinh doanh của Siba Group, Công ty cải thiện về biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng. Trong đó, nếu năm 2019, biên lợi nhuận gộp chỉ 0,11% và biên lợi nhuận ròng chỉ 0,04% thì tới 9 tháng đầu năm 2023, biên lợi nhuận gộp đã lên tới 2,42% và biên lợi nhuận ròng lên tới 1,02%.

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu tăng 7,4% lên 3.092,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 14,5% lên 31,41 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 2,25%, lên 2,42%.

Trong đó, điểm đáng lưu ý, tại thời điểm 30/9/2023, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận lên tới 719,46 tỷ đồng, chiếm 61,1% tổng tài sản (tổng tài sản là 1.177,6 tỷ đồng). Công ty thuyết minh các khoản phải thu ngắn hạn chủ yếu ghi nhận 635,5 tỷ đồng là phải thu của khách hàng.

Siba Group giảm quy mô tài sản mạnh trước thềm niêm yết sàn HoSE

Siba Group giảm quy mô tài sản mạnh trước thềm niêm yết sàn HoSE

Nếu nhìn rộng ra, quy mô tài sản của Công ty Siba Group có dấu hiệu suy giảm mạnh so trước thềm niêm yết. Trong đó, đỉnh điểm năm 2020 với quy mô tài sản lên tới 2.328,2 tỷ đồng nhưng tới 30/9/2023 chỉ còn 1.177,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 1.150,6 tỷ đồng.

Như vậy, việc quy mô tài sản suy giảm nhưng các khoản phải thu ngắn hạn vẫn chiếm trọng số, chủ yếu là phải thu của khách hàng, điều này cho thấy Công ty đang có dấu hiệu cơ cấu lại cơ cấu tài sản, cũng như dịch chuyển sang lĩnh vực cơ khí chế tạo – xây lắp.

Quá phụ thuộc vào sự phát triển của hệ sinh thái Tập đoàn Long Tân

Quay trở lại về cơ cấu cổ đông, cổ đông lớn nhất của Siba Group là CTCP Siba Holdings. Trong đó, ông Trương Sỹ Bá đang là Chủ tịch HĐQT tại CTCP Siba Holdings, đồng thời là Chủ tịch HĐQT tại CTCP Tập đoàn Tân Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF – sàn HOSE). Như vậy, Siba Group là đơn vị nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Tân Long.

Được biết, Tập đoàn Tân Long được thành lập năm 2000, hoạt động trong lĩnh vực chính gồm cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi; sản xuất – kinh doanh gạo; xuất khẩu – nhập khẩu hạt; khai thác và chế biến khoáng sản - sản xuất hóa chất; sản xuất cơ khí công nghệ cao.

Thêm nữa, Siba Group cho biết, Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí chế tạo – xây lắp, bao gồm hoạt động chế tạo, xây lắp phục vụ cho các lĩnh vực nhà kèo thép, nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp – môi trường, đồ gia dụng – nội thất, đầu tư xây lắp điện mặt trời … Trong đó, chủ yếu khung nhà kèo thép cho trang trại heo; nhà kèo thép cho nhà máy sản xuất, xưởng công nghiệp; Silo chứa bảo quản lương thực, thức ăn chăn nuôi; Silo chứa thức ăn chăn nuôi; hệ thống Silo sấy trữ lúa gạo…

Đặc biệt, Siba Group cho biết các hợp đồng lớn bao gồm cung cấp thiết bị, xây lắp cho CTCP Chăn nuôi Công nghệ Cao Hải Đăng trị giá 332 tỷ đồng; xây dựng và lắp đặt thiết bị cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đông An Khánh trị giá 198 tỷ đồng; xây lắp cho Công ty TNHH Đầu tư Trang trại Xanh 2 trị giá 105 tỷ đồng; cung cấp thiết bị, xây lắp cho CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh trị giá 85 tỷ đồng …

Trong đó, hầu hết các khách hàng lớn của Siba Group đều là đơn vị liên quan cùng Tập đoàn Siba Holdings, cũng như Tập đoàn Tân Long.

Như vậy, có thể thấy, các sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo – xây lắp, cũng như các hợp đồng lớn mà Siba Group đang ký và đang triển khai chủ yếu liên quan tới các đơn vị trong hệ sinh thái Tập đoàn Tân Long.

Ngoài ra, trong hệ sinh thái Tập đoàn Tân Long, một đơn vị đã niêm yết là Công ty BaF Việt Nam, đơn vị này niêm yết trên sàn HOSE ngày 3/12/2021. Trong đó, sau khi niêm yết, Công ty BaF Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực trang trại nuôi heo, đồng thời mở rộng cung cấp thức ăn cho các trang trại nuôi heo quy mô lớn.

Việc đơn vị thành viên của Tập đoàn Tân Long mở rộng lĩnh vực chăn nuôi heo, điều này đã giúp Siba Group triển khai cung cấp lĩnh vực cơ khí chế tạo – xây lắp, đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, quan sát bức tranh tài chính sau niêm yết của Công ty BaF Việt Nam có dấu hiệu chững lại, kinh doanh lao dốc kể từ khi niêm yết.

Đơn cử, trong 9 tháng đầu năm 2023, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 3.625,4 tỷ đồng, giảm 25,8%, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 52,84 tỷ đồng, giảm 81,5% và mới hoàn thành 17,5% kế hoạch năm (trước đó, năm 2022, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận lợi nhuận giảm 10,6%, về 287,8 tỷ đồng).

Trong thời gian tới, để tiếp tục chiến lược mở rộng xây dựng trang trại, Công ty BaF Việt Nam đang lên kế hoạch huy động 684,3 tỷ đồng từ cổ đông để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động chăn nuôi heo, kinh doanh nông sản và tăng vốn cho Công ty con để triển khai xây dựng dự án trang trại nuôi heo…

Có thể thấy, Siba Group đang phụ thuộc vào các đơn vị thành viên của Tập đoàn Tân Long từ kinh doanh nông sản đến xây dựng trang trại chăn nuôi, vì vậy rủi ro liên quan tới hệ sinh thái Tân Long gặp khó khăn, kế hoạch mở rộng bị chậm lại, kết quả kinh doanh của Siba Group có thể bị ảnh hưởng sau khi niêm yết.

Tin bài liên quan