Siết chặt cơ chế quản lý đầu tư công

Siết chặt cơ chế quản lý đầu tư công

(ĐTCK) Sắp xếp lại đầu tư công là một trong ba lĩnh vực chính của chương trình tái cấu trúc nền kinh tế. Trên thực tế, tư duy quản lý đầu tư công đang có những thay đổi lớn theo hướng chặt chẽ và minh bạch hơn.

Siết chặt cơ chế quản lý đầu tư công  ảnh 1Luật Đầu tư công sẽ quy định rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định chủ trương và quyết định đầu tư

 

Giảm thiểu đầu tư dàn trải

Có thể thấy sự cẩn trọng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đầu tư công khi tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/10 vừa qua, Chính phủ xin chưa trình Quốc hội Dự thảo Luật Đầu tư công tại Kỳ họp thứ tư khai mạc vào tháng 10 này. Đây là lần thứ ba, sắc luật nền tảng đối với hoạt động đầu tư công được tạm hoãn trình Quốc hội để cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục sửa đổi, bổ sung.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2001 - 2010, tổng mức đầu tư toàn xã hội so với GDP tăng từ 35,4% năm 2001 lên khoảng 41% năm 2010. Trong cơ cấu đầu tư toàn xã hội, đầu tư từ nguồn vốn nhà nước bình quân giai đoạn 2001 - 2010 chiếm 46,3%.

Hoạt động đầu tư công chỉ được siết lại từ năm 2011, khi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước rà soát, hoãn, giãn các dự án chưa cấp bách hoặc kém hiệu quả... Cụ thể, trong năm qua, Tập đoàn Dầu khí phải đình hoãn 12 dự án, giãn tiến độ 44 dự án với tổng giá trị trên 7.250 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực tạm dừng đầu tư, dãn tiến độ thi công gần 300 công trình và hạng mục công trình với giá trị cắt, giảm vốn là 12.572 tỷ đồng; Bộ Giao thông - Vận tải có 75 dự án, tiểu dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ phải đình hoãn với tổng số vốn 1.422 tỷ đồng… Đối với các địa phương, tỉnh Quảng Ninh giãn tiến độ 26 công trình và ngừng triển khai 4 dự án lớn với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.134 tỷ đồng; An Giang đã hoãn, giãn tiến độ 115 công trình với tổng vốn đầu tư trên 124 tỷ đồng; tỉnh Trà Vinh hoãn 15 dự án với tổng vốn hơn 52,4 tỷ đồng...

Đối với hệ thống chính sách quản lý đầu tư công, theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ chế phân cấp hiện đã không còn phù hợp. Tại Bản báo cáo rà soát và xóa bỏ những rào cản đối với việc nâng cao hiệu quả đầu tư, Bộ đề xuất thay đổi cơ chế phân quyền quyết định đầu tư phân tán hiện nay theo hướng Trung ương quyết định đầu tư những công trình mang tính tổng hợp quốc gia và liên vùng; địa phương chỉ quyết định đầu tư những công trình mang tính địa phương.

Vấn đề “khoanh vùng” quyền lực cũng được đề cập, với cơ chế người có thẩm quyền quyết định đầu tư chỉ quyết định các dự án trên cơ sở cân đối và bố trí được nguồn vốn, tức là thẩm quyền chỉ trong phần vốn được quyết định.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, tháng 7/2012, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2013 và vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2013 - 2015 cho các dự án hoàn thành trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, với tổng số tiền 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hạn chót là ngày 15/9/2012, các bộ, ngành và địa phương mới chỉ đề xuất được danh sách các dự án đủ điều kiện nhận ứng vốn, với tổng số tiền là 21.000 tỷ đồng. Qua ví dụ trên có thể thấy, khi Chính phủ đặt yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hiệu quả đầu tư công lên hàng đầu, thì dù thiếu vốn, nhiều dự án cũng không dám “ngửa tay” nhận tiền, bởi hiệu quả đầu tư vẫn là một dấu hỏi lớn.

 

Xây dựng Luật Đầu tư công

Đây là một trong những điểm mấu chốt nhằm đổi mới cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư công, kết hợp vai trò của Nhà nước và thị trường trong phân bổ và sử dụng nguồn lực. Nhiệm vụ này đã được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo và đã được tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN.

Theo Ban soạn thảo, Dự thảo Luật Đầu tư công đã quy định về hoạt động đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư sử dụng vốn nhà nước vào chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công và trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư công. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ khái niệm thế nào là đầu tư công để từ đó mới xây dựng được những quy định tương ứng.

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Luật Đầu tư công cần coi bất kỳ dự án nào được thực hiện bởi Nhà nước đều là đầu tư công, không phân biệt nguồn vốn, mục đích đầu tư.

“Hiệu quả đầu tư nhà nước hiện rất thấp, gây tác động tiêu cực đến ổn định và phát triển kinh tế quốc gia. Do vậy, Luật phải giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan đến các loại đầu tư nhà nước hiện nay”, ông Cung nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, đầu tư công bao gồm đầu tư từ vốn ngân sách, vốn tín dụng nhà nước và đầu tư của DNNN. “Điều quan trọng là phải có một khái niệm bao quát, thực tế và phù hợp với trình độ quản lý, để từ đó xây dựng một Luật Đầu tư công phù hợp”, ông Ánh nói và cho biết thêm, chính quan điểm coi đầu tư công như “miếng bánh”, xin được bao nhiêu dùng bấy nhiêu đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy lãng phí, tiêu cực.

Về vấn đề này, Ban soạn thảo cho biết, Dự thảo Luật sẽ quy định theo hướng làm rõ trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền quyết định chủ trương (Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và UBND các cấp) và quyết định đầu tư.

Đặc biệt, để đảm bảo tách biệt chức năng quản lý nhà nước (người có thẩm quyền quyết định đầu tư) và chức năng quản lý dự án (chủ đầu tư), Ban soạn thảo đề xuất, quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp không trực tiếp làm chủ đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng cơ sở cơ quan và các trường hợp đặc thù khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận, do còn có nhiều quan điểm khác nhau về quy định trong lĩnh vực mua sắm công và đầu tư công tại dự án Luật Đầu tư công, trong Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII tới đây, Chính phủ cần có tờ trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc xin tách riêng Dự án Luật Đầu tư công và Luật Mua sắm công, đồng thời hoãn thời gian xem xét Dự thảo Luật sang năm sau. Trong trường hợp Quốc hội đồng ý tách nhưng không cho lùi thời hạn trình thì Chính phủ cần sớm hoàn thiện phần dự thảo Luật Đầu tư công để trình vào cuối kỳ họp, đồng thời hoàn thiện dự thảo Luật Mua sắm công để trình vào kỳ họp sau.