Chung cư cao tầng là phân khúc chủ đạo, dẫn dắt thị trường bất động sản trong 10 - 15 năm tới. Ảnh: Lê Toàn

Chung cư cao tầng là phân khúc chủ đạo, dẫn dắt thị trường bất động sản trong 10 - 15 năm tới. Ảnh: Lê Toàn

Smart City, xu hướng mới của thị trường địa ốc

(ĐTCK) Nền kinh tế thế giới vẫn đang biến động khó lường, cách mạng công nghệ 4.0 được nhắc đến thường xuyên, ngân hàng siết vốn tín dụng bất động sản..., là những yếu tố có tác động lớn tới thị trường bất động sản thời gian tới.

Đa dạng dòng vốn vào bất động sản

Lo ngại “bong bóng” bất động sản gây ra nhiều hệ lụy như trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đổ vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là lĩnh vực địa ốc.

Thời gian đây, nhiều ngân hàng cũng đã có động thái thu hẹp các chương trình ưu đãi đối với cho vay bất động sản, thậm chí tăng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này. Mức lãi suất cho vay mua, sửa chữa, xây mới nhà cửa được đẩy lên cao hơn so với giai đoạn trước khoảng 1 - 2%/năm tùy ngân hàng.

Nếu như trước đây, mức lãi suất cho vay mua nhà, đất tại các ngân hàng thường dao động ở mức 8 - 9%/năm, thì nay phổ biến khoảng 10 - 12%/năm. Cùng với đó, một số giảm cho vay ưu đãi, nâng phạt lãi suất trả trước hạn, đưa ra các điều kiện khắt khe hơn với người vay mua nhà, đất, xét cho vay không quá 50 - 60% giá trị tài sản thế chấp.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, so với hồi đầu năm, hiện vốn vay bất động sản tăng khoảng 5% trên tổng dư nợ, tương đương tăng gần 10.000 tỷ đồng.

“Sau những giai đoạn khủng hoảng, ngành ngân hàng đã có những cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ hơn về rủi ro trong lĩnh vực bất động sản. Theo đó, ngân hàng chỉ đầu tư cho những chủ đầu tư có năng lực triển khai dự án”, ông Minh nói.

Tuy nhiên, theo ông Minh, bên cạnh nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, bất động sản thời gian qua cũng thu hút thêm nhiều nguồn vốn khác, nhất là vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, nguồn vốn kiều hối trên địa bàn Thành phố đổ vào bất động sản lúc nào cũng trên 21%, năm cao nhất là 22%. Đây là sự hỗ trợ rất lớn cho thị tường địa ốc.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nguồn vốn từ Trung Quốc đang rất dồi dào.

Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Việc tận dụng dòng vốn ngoại dồi dào này, cùng kinh nghiệm phát triển dự án của các đối tác nước ngoài, sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước giải quyết được bài toán vốn, cũng như giúp thị trường bất động sản Việt Nam phát triển một cách bền vững hơn.

“Doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về nguồn vốn, công nghệ, quản trị..., trong khi các doanh nghiệp địa phương có khả năng giải quyết các vấn đề của địa phương. Đặc biệt, trong phát triển đô thị hay bất động sản, phải hiểu rõ văn hóa của địa phương, nên việc hợp tác giữa doanh nghiệp ngoại với doanh nghiệp nội địa là một yếu tố rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản”, ông Lộc nhấn mạnh.

Lãnh đạo VCCI cho biết thêm, theo chiến lược phát triển hiện nay, đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2030, sẽ trở thành một nền công nghiệp hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình phát triển này, sẽ có sự phát triển bùng nổ của tầng lớp trung lưu và quá trình đô thị hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ. Đây sẽ là cơ hội cho thị trường bất động sản, nên tạo ra sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường địa ốc Việt Nam.

Xu hướng mới

Tại buổi hội thảo “Phát triển bất động sản Việt Nam - Tầm nhìn và triển vọng” mới được tổ chức tại TP.HCM, ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Quản lý Bất động sản (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, Sở Xây dựng đã kết hợp với các sở, ban ngành liên quan và đơn vị tư vấn nghiên cứu và tham mưu cho UBND Thành phố đề án phát triển thị trường bất động sản trong giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025 và tầm nhìn đến 2030.

Theo đó, trong bối cảnh hiện nay, phát triển đô thị thông minh (smart city) đang được rất nhiều nước quan tâm. Do đó, thị trường bất động sản TP.HCM phải phát triển theo hướng thành phố thông minh để khai thác đối đa hiệu quả của công nghệ thông tin trong mọi tiện ích của đô thị, bởi đây là một xu hướng tất yếu.

Đồng thời, thị trường bất động sản TP.HCM trong 10 - 15 năm tới sẽ phát triển theo hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thị trường sẽ phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm, nhưng việc phát triển chung cư cao tầng sẽ là xu hướng tất yếu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cùng với sự phát triển của bất động sản cao tầng, kết cấu hạ tầng giao thông của Thành phố cũng sẽ ngày càng hiện đại hơn, tiện nghi từ nhà ở đến nơi làm việc. Thị trường bất động sản cao tầng sẽ có thêm nhiều loại hình sản phẩm như condotel, offitel, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua.

“Mặc dù chung cư cao tầng trong 10 - 15 năm tới sẽ trở thành loại nhà ở tất yếu dẫn dắt thị trường, nhưng chủ trương của Thành phố là phát triển các cao ốc lồng ghép vào chương trình chỉnh trang đô thị, cải tạo kênh, rạch. Mục tiêu nhằm tránh phát triển quá nóng và hướng đến sự phát triển bền vững”, đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Nhìn nhận thị trường trong ngắn hạn, ông Phạm Văn Thường, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản sẽ ổn định đến 2019, không có biến động gì lớn. Tuy nhiên, cuộc cách mạng 4.0 sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường.

“Nếu như trước kia, xây một tòa nhà phải mất 1 - 2 năm mới xong, thì hiện nay có thể chỉ mất 2 - 3 tháng. Trong 1 tòa nhà cũng như 1 đô thị, việc áp dụng công nghệ hay tự động hóa rất mạnh mẽ”, đại diện Bộ Xây dựng nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, xu thế xây dựng khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, an ninh, an toàn trước hết là về phòng cháy chữa cháy sẽ rất được coi trọng trong thời gian tới.

“Thị trường bất động sản TP.HCM sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm và sang năm 2019. Trong đó, phân khúc nhà ở bình dân, có giá vừa túi tiền sẽ tăng trưởng mạnh và cùng với phân khúc nhà ở trung cấp sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo của thị trường bất động sản.

Phân khúc nhà ở cao cấp cũng sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ. Đồng thời, giá cả của phân khúc đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép sẽ trở về giá trị thực và các khu vực bị phân lô trái phép sẽ được rà soát theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, phân khúc condotel sẽ tiếp tục chững lại và giá cả hợp lý hơn”, Chủ tịch HoREA dự báo.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan