Sơ cấp cứu tại chỗ: Cư dân còn coi nhẹ

Sơ cấp cứu tại chỗ: Cư dân còn coi nhẹ

(ĐTCK) Những tưởng câu chuyện về sức khỏe, an toàn sẽ được đặt lên hàng đầu, nhưng thực tế tại nhiều chung cư, người dân lại khá hờ hững với vấn đề này.

Người dân còn thờ ơ

Lâu nay, tại nhiều chung cư, câu chuyện nổi cộm vẫn là những tranh chấp triền miên giữa chủ đầu tư và cư dân về quỹ bảo trì, không gian chung, riêng, phí dịch vụ, diện tích căn hộ… Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng khác, đó là kỹ năng sơ, cấp cứu hay các nội dung về y tế dự phòng lại ít được đề cập.

Một điều khá ngạc nhiên, đó là khi trao đổi với các bên liên quan, điều phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản ghi nhận được lại là sự thiếu quan tâm của chính những cư dân.

Phóng viên thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến cư dân tại group Cộng đồng cư dân HH01, HH02, HH03 Thanh Hà Cienco5. Group này có tới 75.000 thành viên. Nội dung thăm dò ý kiến xoay quanh vấn đề người dân có quan tâm tới vấn đề sơ cấp cứu khi có tai nạn, sự cố xảy ra. Các phương án đưa ra thăm dò là: 1. Tôi mong được chủ đầu tư, đơn vị vận hành hoặc phòng y tế tổ chức lớp đào tạo sơ, cấp cứu tại chỗ cho cư dân; 2. Tôi quan tâm đến kiến thức sơ, cấp cứu; 3. Tôi không quan tâm đến kiến thức sơ, cấp cứu; 4. Tôi từng tham gia các lớp huấn luyện về sơ, cấp cứu.

Kết quả thu được sau gần 2 ngày như sau: Tất cả các phương án đều không có phản hồi.

Đem câu chuyện mối quan tâm của người dân với việc xử lý các sự cố, tai nạn, kỹ năng sơ, cấp cứu và y tế dự phòng tại các khu chung cư trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Công ty PMC, ông Huy cho biết: “Là đơn vị quản lý, vận hành các khu chung cư, chúng tôi luôn cố gắng trao đổi với cư dân về vấn đề đảm bảo an toàn, tuyên truyền về vấn đề này, nhưng trên thực tế, sự đón nhận của người dân là chưa cao. Cơ bản mà nói, các cư dân vẫn còn thờ ơ với vấn đề an toàn của chính bản thân mình”.

Sơ cấp cứu tại chỗ: Cư dân còn coi nhẹ ảnh 1

Đuối nước thường xảy ra với trẻ nhỏ

Tương tự, ông Cao Độc Lập, Giám đốc Bệnh viện Hồng Ngọc, đơn vị từng có nhiều chương trình phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị và cộng đồng để thực hiện các chương trình đào tạo, tuyên truyền về sơ, cấp cứu, y tế dự phòng cho biết, người dân tại các chung cư chưa thực sự quan tâm đến câu chuyện này, còn khá xem nhẹ các kỹ năng về sơ, cấp cứu. Đặc biệt, các kiến thức về y tế dự phòng còn hạn chế và còn hiểu chưa thật đúng.

Tại các chung cư, câu chuyện tai nạn, sự cố, bệnh tật vẫn thường xảy ra với các cư dân. Nếu đội ngũ nhân sự của công ty quản lý, vận hành tòa nhà được đào tạo bài bản, được cấp chứng chỉ hẳn hoi về kỹ năng sơ, cấp cứu, thì sẽ góp phần giảm các nguy cơ tử vong.

Bà Vũ Kiều Hạnh, Trưởng Bộ phận Quản lý bất động sản Savills Hà Nội cho biết, trong quá trình quản lý, vận hành tòa nhà, khi cư dân sử dụng các dịch vụ, hạng mục (như khu vui chơi, phòng tập…) vẫn có các khả năng xảy ra tai nạn, đặc biệt với các em bé. Đơn vị vận hành luôn phải đối mặt với những vấn đề về an toàn của cư dân, nên nếu đào tạo được một đội ngũ nhân sự có trình độ (với đơn vị vận hành) và những người dân có khả năng sơ, cấp cứu đúng cách, bài bản, thì sẽ rất hữu ích, hạn chế được nhiều tổn thương sau này cho nạn nhân.

Cần có chuẩn mực về sơ cấp cứu

Với việc đô thị hóa diễn ra nhanh, số lượng chung cư ngày càng nhiều, có vẻ yêu cầu này là rất bức thiết. Theo các chuyên gia, cả nước có đến cả ngàn căn chung cư, tòa nhà được hoàn thiện. Với các tòa nhà cao tầng, dịch vụ y tế tiếp cận sẽ khó, sẽ chậm hơn so với nhà đất, do đó, câu chuyện đẩy mạnh giáo dục cộng đồng về vấn đề nhận thức đúng để phòng, tránh tai nạn, sự cố và xử lý sự cố là rất quan trọng.

Theo ông Lập, lâu nay, nói đến y tế, nhiều người chỉ nghĩ nhiều đến bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh viện là thứ yếu, y học dự phòng mới là quan trọng nhất để mọi người không ốm đau. Do đó, việc làm sao để kết hợp với các chủ đầu tư, đơn vị vận hành, ban quản lý, ban quản trị và cộng đồng dân cư để tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng tránh bệnh tật, xử lý sự cố là rất quan trọng.

“Bác sĩ gia đình đang là xu thế, chúng tôi đã liên kết với các đơn vị như cảnh sát giao thông, giáo viên… để đào tạo kiến thức về sơ cấp cứu. Ngoài ra, với việc sống ở chung cư đang là xu thế, chúng tôi cũng mong muốn đưa dịch vụ này tới tận các chung cư, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhiều người nghĩ cảnh sát giao thông không cần học về sơ, cấp cứu, nhưng thực ra đây lại là những người rất cần đào tạo, vì công việc của họ thường xuyên phải xử lý các vụ tai nạn, sự cố. Thậm chí, chúng tôi từng phối hợp đào tạo kỹ năng đỡ đẻ cho lực lượng này, đội ngũ tài xế taxi, grab và mang lại nhiều kết quả tốt”, ông Lập cho biết thêm.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, theo ông Huy, đến nay, sơ cấp cứu vẫn còn là câu hỏi về sự chuẩn mực. Ở nhiều nước trên thế giới, trước một sự cố, tai nạn, thường người ta sẽ liên hệ bên y tế hoặc các lực lượng mà nhân sự có kỹ năng, trình độ và được đào tạo, cấp chứng chỉ để tiến hành sơ cứu, cấp cứu chứ không tùy tiện như ở ta. Nhiều trường hợp ở Việt Nam do sơ cứu, cấp cứu sai cách đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Do đó, việc chuẩn hóa đào tạo, nhân sự lĩnh vực này là cần thiết.

“Ở nhiều quốc gia phát triển, người ta đưa ra 13 tình huống khẩn cấp, hướng giải quyết, quy trình xử lý sơ, cấp cứu ra sao. Tuy nhiên, ở nước ta, những vấn đề này vẫn chưa được luật hóa, nên một là nhiều đơn vị coi nhẹ, hai là muốn thực hiện cũng không biết làm thế nào, bắt đầu từ đâu. Ở PMC, chúng tôi đã thực hiện đào tạo cán bộ, nhân sự về các trường hợp này để xử lý tốt hơn các sự cố. Tuy nhiên, điều chúng tôi mong muốn là cần phải có các hướng dẫn cụ thể, để doanh nghiệp vận hành, cộng đồng hiểu và thực hiện tốt hơn, như vậy mới tăng tính an toàn cho cộng đồng”, ông Huy cho biết thêm.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan