Sợ rủi ro, ngân hàng cho vay kỳ hạn ngắn

Sợ rủi ro, ngân hàng cho vay kỳ hạn ngắn

(ĐTCK) Bên cạnh giải pháp trích lập dự phòng rủi ro, các ngân hàng đang chú trọng hơn đến công tác kiểm soát rủi ro, trong đó có việc giảm cho vay kỳ hạn dài.

Xu hướng nợ xấu tăng buộc các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, thậm chí, một số ngân hàng không còn lợi nhuận trong hơn hai quý hoạt động đầu năm. Đồng thời, để hạn chế tối đa nợ xấu trong hoạt động tín dụng, các nhà băng đã thận trọng và kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng. Nguồn vốn được hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, chế biến, xuất khẩu…, hạn chế vào lĩnh vực phi sản xuất.

Sợ rủi ro, ngân hàng cho vay kỳ hạn ngắn ảnh 1

Tín dụng đối với ngành sản xuất và chế biến đang chiếm tỷ lệ khoảng 25% tổng dư nợ

Kết quả khảo sát của ngành ngân hàng Việt Nam năm 2013 vừa được KPMG công bố cho thấy, trong tổng dư nợ của 33 ngân hàng được tiến hành phân tích, cho vay đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm gần 50%. Về cơ cấu cho vay đối với các ngành, cho vay đối với ngành sản xuất và chế biến chiếm gần 25% tổng dư nợ; cho vay với thương mại và sửa chữa ô tô - xe máy chiếm 21%, các ngành khác chiếm 19%; nông lâm nghiệp, thủy sản, khai thác chiếm 12% và xây dựng chiếm 10%. Đáng chú ý, có tới hơn 60% tổng dư nợ cho vay là khoản vay có kỳ hạn dưới 1 năm, do kinh tế khó khăn, các ngân hàng cẩn trọng hơn khi cho vay dài hạn. Cơ cấu dư nợ cho vay dài hạn đã giảm từ 26% tổng dư nợ trong năm 2011 xuống còn 22% trong năm 2012.

Theo phân tích của KPMG, mối liên hệ giữa GDP và tăng trưởng tín dụng là không thể phủ nhận và cũng không xa lạ. Tăng trưởng tín dụng cao là một cấu phần trọng yếu của tăng trưởng GDP, nhưng cái giá phải trả cho việc chạy theo con số tăng trưởng tín dụng chính là sự thỏa hiệp với chất lượng và nợ xấu cao. Đây cũng là một đặc trưng của các thị trường mới nổi. GDP của Việt Nam hiện nay tăng trưởng ở mức thấp nhất nên NHNN đã quyết đoán trong cắt giảm lãi suất tiền đồng để kích thích tín dụng.

Các ngân hàng cũng đã hạ lãi suất cho vay và tăng trưởng tín dụng đang được chờ đợi cải thiện tốt hơn trong nửa cuối năm nay. Qua khảo sát tại các ngân hàng lớn được KPMG thực hiện đều cho biết, mức tăng trưởng tín dụng trên 10% trong năm nay là khả thi. Số liệu Tổng Cục Thống kê vừa đưa ra, tính đến 20/8, tín dụng toàn hệ thống ước tính tăng 5,4% so với tháng 12/2012; tổng phương tiện thanh toán tăng 8,4%. Còn số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tính tăng 9,5%.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến rủi ro tín dụng là mô hình tín dụng không được thiết kế chặt chẽ và kết quả khảo sát ngành ngân hàng của KPMG cho thấy, chưa đến 50% các ngân hàng Việt Nam trong phạm vi thăm dò hài lòng với các mô hình xếp hạng rủi ro tín dụng nội bộ hiện tại của mình. Các ngân hàng cũng không có các mô hình thiết kế riêng cho khách hàng DN vừa và nhỏ và không có sự liên kết giữa xếp hạng tín dụng và định giá.

Khảo sát của KPMG cũng cho thấy, quản lý rủi ro chưa bao giờ gặp khó khăn lớn như hiện nay. Dù đã nhận biết được mối liên hệ giữa quản lý rủi ro và lợi nhuận, nhưng quản trị rủi ro vẫn là một chức năng khá mới mẻ và các ngân hàng đang khá chật vật để xác định chất lượng khoản vay, khả năng chịu đựng của giới hạn rủi ro… Hầu hết ngân hàng thuộc phạm vị thăm dò của KPMG cho biết, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn cho công tác quản trị rủi ro tín dụng, nhằm hạn chế một cách thấp nhất rủi ro nợ xấu.

KPMG tin rằng, các ngân hàng trong nước vẫn có thể cải thiện chất lượng kiểm soát rủi ro tín dụng, đặc biệt trong các khâu liên quan đến đánh giá, thẩm định tín dụng, thiết lập các chốt kiểm soát giúp ngăn ngừa rủi ro. Đồng thời, triển khai các quy trình giám sát: hệ thống cảnh báo sớm, nâng cao quy trình thu hồi nợ và lưu tâm đến công việc của bộ phận kiểm toán nội bộ để đảm bảo hiệu quả, đúng chức năng.